Trong quá trình điều trị đái tháo đường típ 2, bạn cần phối hợp nhiều phương pháp như dinh dưỡng, tập luyện và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để giúp đường huyết ổn định.
Tùy theo tình trạng mắc đái tháo đường của bạn như thời gian mắc bệnh, biến chứng của bệnh…, bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị thích hợp nhất đối với từng giai đoạn bệnh. Đái tháo đường là bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời, mỗi giai đoạn bệnh cần phải điều chỉnh thuốc sao cho đường huyết cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như huyết áp, mỡ máu, cân nặng được kiểm soát tối ưu mà ít chịu tác dụng phụ của thuốc nhất. Bạn phải đi khám bệnh định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc kịp thời, tránh trường hợp người bệnh chỉ dùng toa thuốc cũ một thời gian dài mà không đến bác sĩ khám lại. Các phương pháp điều trị đái tháo đường típ 2 bao gồm:
Thay đổi chế độ ăn và tập thể dục
Không có một chế độ ăn nào hoàn hảo cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Chế độ ăn thích hợp được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng của bạn, chế độ điều trị thuốc, bệnh lý khác đi kèm và sở thích ăn uống của mỗi người. Nhìn chung người bệnh đái tháo đường cần hạn chế ăn các loại thực phẩm làm tăng đường huyết sau ăn như gạo xay xát kỹ, bánh kẹo ngọt, nước ngọt và hoa quả ngọt. Người bệnh đái tháo đường nên lựa chọn những thực phẩm ít gây tăng đường huyết như thực phẩm chế biến từ đậu, ngũ cốc, gạo lứt, rau xanh và hoa quả ít ngọt, nhiều chất xơ. Người bệnh, đặc biệt là người thừa cân, béo phì hoặc có rối loạn mỡ máu, nên hạn chế sử dụng mỡ động vật, phủ tạng động vật. Người bệnh nên hạn chế bia, rượu và không nên hút thuốc lá. Người bệnh chỉ nên uống 1 – 2 ly rượu vang mỗi bữa ăn. Không nên uống rượu lúc đói. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ để tìm ra chế độ ăn phù hợp đối với bạn.
Tập luyện thể dục tốt cho mọi người, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường bị thừa cân. Nếu bạn có điều kiện thuê chuyên gia tập luyện thì quá tuyệt vời. Nếu không thì tập luyện đơn giản như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, bơi lội… mỗi ngày 30 phút cũng rất hiệu quả. Người bệnh nên tập thêm các môn đối kháng tăng cường sức mạnh cơ bắp và độ dẻo dai ít nhất 2 – 3 lần tập/tuần. Tuy nhiên, người bệnh lớn tuổi cần lựa chọn những loại hình tập luyện phù hợp với sức khỏe của mình. Người bệnh nên chú ý kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập luyện, bảo đảm đường huyết không quá cao cũng như không quá thấp vào hai thời điểm này. Luôn mang theo kẹo ngọt hoặc nước ngọt bên người để phòng khi cơn hạ đường huyết xảy ra. Trước khi tập cũng như trong quá trình tập người bệnh cần thường xuyên uống nước, tránh để cơ thể mất nhiều nước do tập luyện.
Tự sử dụng máy đo đường huyết
Đường huyết giao động liên tục trong 24 giờ. Do vậy, việc đo đường huyết tại các thời điểm khác nhau trong ngày (trước ăn, sau ăn, trước khi đi ngủ) hoặc khi bạn thấy mệt mỏi, thay đổi sinh hoạt hàng ngày… là rất quan trọng. Bệnh nhân đái tháo đường nên có một máy đo đường huyết mao mạch cá nhân tại nhà và biết cách sử dụng thành thạo. Người bệnh cũng nên hướng dẫn người nhà cách sử dụng máy để họ có thể giúp đỡ khi cần. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn mục tiêu đường huyết phù hợp với bạn, khi nào là tăng hoặc hạ đường huyết. Tự theo dõi đường huyết cũng là cách bạn tự điều chỉnh chế độ ăn hoặc thuốc uống, đặc biệt là liều insulin sao cho đường huyết ổn định.
Thuốc viên hạ đường huyết
Thuốc viên hạ đường huyết là điều trị khởi đầu cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2 khi ăn kiêng và tập luyện thể dục không kiểm soát được đường huyết. Có nhiều nhóm thuốc hạ đường huyết theo những cơ chế hoạt động khác nhau.
- Nhóm thuốc làm giảm tình trạng đề kháng insulin gồm có Metformin và TZD (Thiazoldinediones hay glitazones)
- Nhóm thuốc kích thích tế bào tuyến tụy tiết insulin là sulfonylureas và glinidies
- Nhóm thuốc làm giảm tiết glucagon – một hormone làm tăng đường huyết, đồng thời tăng tiết insulin khi ăn là nhóm ức chế enzyme DPP – 4 (Dipeptidyl peptidase-4) hoặc nhóm đồng vận GLP-1 (glucagon like peptide – 1)
- Một nhóm thuốc mới có tác dụng thải bớt đường qua nước tiểu do ức chế sự tái hấp thu đường ở ống thận là nhóm ức chế SGLT-2 (Sodium – Glucose Co – Transporter)
- Nhóm thuốc làm giảm hấp thu glucose vào máu do ức chế enzyme alpha-glucosidase là enzyme thủy phân tinh bột thành glucose tại ruột.
Bác sĩ có thể kê cho bạn một loại thuốc riêng lẻ hoặc kết hợp nhiều thuốc với nhau tùy theo tình trạng đường huyết và giai đoạn bệnh của bạn.
Insulin
Insulin được chỉ định cho bệnh nhân điều trị đái tháo đường típ 2 khi xuất hiện những chống chỉ định của thuốc viên (suy gan, suy thận, có thai, mắc bệnh cấp tính…) hoặc thuốc viên không đủ kiểm soát đường huyết. Hiện tại, phổ biến nhất là insulin dùng đường tiêm dưới da với bút tiêm insulin hoặc lọ rời. Ở một số nước tiên tiến còn có máy bơm insulin liên tục theo nhịp điệu sinh học của cơ thể. Insulin có nhiều loại và có nhiều phác đồ điều trị tiêm insulin. Tùy theo mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chọn phác đồ tiêm một mũi, hai mũi insulin hay nhiều hơn trong một ngày. Khi bắt đầu sử dụng insulin, bạn sẽ được hướng dẫn cách tự tiêm, cách theo dõi đường huyết và nhận biết, xử trí khi bị hạ đường huyết. Liều insulin mỗi lần tiêm cần đúng theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối tránh tình trạng bỏ bữa ăn sau khi đã tiêm insulin.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị đái tháo đường típ 2 khác
- Phẫu thuật thu gọn dạ dày nếu bạn quá béo: Phẫu thuật này được chỉ định trên những bệnh nhân đái tháo đường béo phì độ II, độ III và có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do béo phì gây ra. Bác sĩ sẽ cắt hoặc thắt một phần dạ dày của bệnh nhân, làm cho dạ dày giảm thể tích, nhỏ lại. Do đó, mỗi lần ăn, họ chỉ cần ăn một ít thức ăn là đã có cảm giác no. Sau khi thực hiện phẫu thuật, cân nặng giảm đáng kể và tình trạng kiểm soát đường huyết trở nên tốt hơn.
- Những bệnh nhân bị tăng huyết áp cần thực hiện chế độ ăn giảm muối, hạn chế bia rượu và không nên hút thuốc lá. Bệnh nhân cần thực hiện thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân có rối loạn mỡ máu cần thực hiện chế độ ăn và tập luyện phù hợp, sử dụng thuốc hạ mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại rối loạn mỡ máu.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Đái tháo đường và giới tính thai nhi có liên quan đến nhau?
- Bệnh đái tháo đường và chế độ ăn uống: 7 loại thức ăn giúp kiểm soát đường huyết
- Thay đổi cách sống, giảm rủi ro: 7 lời khuyên giúp bạn phòng ngừa bệnh đái tháo đường