Điều gì khiến tim bạn đập nhanh?

Đôi khi, bạn cảm thấy tim mình đập nhanh, đập không đều và như có hiện tượng đánh trống ngực. Các tình trạng này có thể khiến cho bạn cảm thấy vô cùng lo lắng về sức khỏe tim mạch của mình, tuy nhiên việc biết được nguyên nhân dẫn đến tim đập nhanh sẽ giúp bạn sớm có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, từ đó bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh.

1. Khi tim đập nhanh, bạn sẽ có cảm giác như thế nào?

Tim đập nhanh là tình trạng tim đập thình thịch, có cảm giác rung rinh hoặc dường như bỏ nhịp. Bạn cũng có thể gọi những triệu chứng này là đánh trống ngực. Mặc dù tình trạng tim đập nhanh có vẻ khá đáng sợ, tuy nhiên hầu hết các trường hợp đều không nghiêm trọng và hiếm khi cần phải điều trị. Việc biết được nguyên nhân khiến tim đập nhanh có thể giúp bạn không quá lo lắng khi nó xảy ra và biết được khi nào cần liên hệ với bác sĩ.

2. Các nguyên nhân chính khiến tim bạn đập nhanh

Tim đập nhanh có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau đây, bao gồm:

Sự lo lắng và căng thẳng

Cảm xúc lo lắng quá mức có thể kích thích cơ thể sản sinh và giải phóng ra các hormone làm tim của bạn tăng tốc độ đập. Cơ thể sẽ sẵn sàng phải đối mặt với mối đe doạ, ngay cả khi bạn không gặp nguy hiểm. Các cơn hoảng loạn đáng sợ bao gồm những cơn sợ hãi dữ dội, thường kéo dài tới vài phút. Các triệu chứng chính của cơn hoảng loạn, chẳng hạn như đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, đau ngực , khó thở và ớn lạnh. Một cơn hoảng loạn xảy ra có thể tương tự như một cơn đau tim. Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng y tế mà mình đang gặp phải, hãy tìm đến sự trợ giúp của đội ngũ chăm sóc sức khoẻ ngay lập tức.

Tập thể dục

Tập thể dục quả thực rất tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, những bài tập luyện cường độ cao có thể khiến cho tim bạn đập nhanh hơn. Điều này giúp tim bơm máu nhiều hơn để cung cấp nguồn năng lượng cho cơ bắp trong quá trình tập luyện. Nếu tim bạn có cảm giác rung rinh hoặc đập thình thình, đó có thể là do bạn đã không tập luyện thể chất trong một thời gian dài và không có đủ sức khoẻ. Ngoài ra, nhịp tim không đều hoặc rối loạn nhịp tim cũng có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực khi bạn tập thể dục.

Sử dụng caffeine

Tim bạn có dấu hiệu đập nhanh hơn sau khi uống cà phê vào buổi sáng không? Thực chất, caffeine là một chất kích thích làm tăng nhịp tim của bạn, cho dù bạn tiêu thụ nó từ cà phê, soda, trà, sô cô la, thức uống năng lượng hay bất kỳ nguồn cung cấp caffeine khác. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, caffeine từ cà phê, sô cô la và trà không có khả năng gây ra tình trạng đánh trống ngực ở những người có một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia không rõ rằng liệu nó có thể kích hoạt tình trạng tim đập nhanh ở những người có vấn đề về tim hay không.

Nicotine

Đây là một chất gây nghiện có trong thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá khác. Chất nicotine có thể làm tăng mức huyết áp và nhịp tim của bạn. Do đó, việc từ bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà bạn nên làm để có một trái tim khỏe mạnh, mặc dù điều này có thể không có tác dụng làm chậm nhịp tim của bạn ngay lập tức. Ngoài ra, các miếng dán và những sản phẩm thay thế nicotine khác cũng có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn. Tình trạng đánh trống ngực được xem là một triệu chứng của việc cai nghiện nicotine, nhưng chúng sẽ tự biến mất trong vòng từ 3 – 4 tuần sau khi bạn bỏ thuốc lá.

Sự thay đổi nội tiết tố

Phụ nữ có thể cảm nhận thấy rằng nhịp tim của họ dường như tăng nhanh hơn khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt , mang thai, gần mãn kinh hoặc đang trong thời gian mãn kinh . Điều này xảy ra là do sự thay đổi của hormone trong cơ thể. Nhìn chung, tình trạng tăng nhịp tim thường xảy ra tạm thời và không có gì đáng lo ngại. Nếu bạn đang mang thai, hiện tượng đánh trống ngực cũng có thể xảy ra nếu bạn bị thiếu máu , tức là bạn không có đủ các tế bào hồng cầu để thực hiện chức năng vận chuyển oxy đi khắp các bộ phận của cơ thể.

Sốt

Khi bạn bị sốt trong một đợt ốm, cơ thể bạn sẽ sử dụng năng lượng với tốc độ nhanh hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng đánh trống ngực và tim bạn đập nhanh hơn trước. Thông thường, nhiệt độ của cơ thể sẽ cần phải trên 100,4 F mới có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn.

Sử dụng một số loại thuốc

Việc sử dụng một số loại thuốc không kê đơn và kê đơn có thể dẫn đến hiện tượng đánh trống ngực, bao gồm:

  • Thuốc trị nấm
  • Thuốc kháng sinh
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc ho và cảm lạnh
  • Thuốc hít hen suyễn
  • Thuốc cao huyết áp
  • Thuốc giảm cân
  • Thuốc tuyến giáp

Nếu bạn sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc trên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem nó có thể ảnh hưởng đến nhịp tim hay không.

Lượng đường trong máu thấp

Khi bạn bỏ bữa có thể dẫn đến các tình trạng như cáu kỉnh, run rẩy, yếu ớt, thậm chí là đánh trống ngực. Khi lượng đường trong máu của bạn giảm xuống, cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng, chẳng hạn như adrenaline để chuẩn bị cho tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp. Hormone adrenaline cũng có thể làm tăng tốc độ nhịp tim của bạn.

Sự hoạt động quá mức của tuyến giáp

Tuyến giáp là một cơ quan có hình con bướm nằm ở cổ. Nó giữ chức năng tạo ra các hormone giúp quản lý sự trao đổi chất và những quá trình khác của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức ( cường giáp ) có thể sản xuất ra quá nhiều hormone tuyến giáp, làm tăng tốc độ tim của bạn đến mức bạn cảm thấy nó như đang đập thình thịch trong lồng ngực. Ngoài ra, dùng quá nhiều hormone tuyến giáp để điều trị cho tình trạng tuyến giáp hoạt động kém ( suy giáp ) cũng có thể làm cho nhịp tim của bạn bị tăng nhanh.

Các vấn đề về nhịp tim

Đôi khi, tình trạng nhịp tim không đều, hay còn được gọi là rối loạn nhịp tim, có thể gây ra hiện tượng đánh trống ngực.

  • Rung tâm nhĩ (AFib): Xảy ra khi các ngăn trên của tim (tâm nhĩ) bị rung lên thay vì đập bình thường.
  • Nhịp tim nhanh trên thất : Đây là một tình trạng nhịp tim nhanh bất thường, bắt đầu từ các ngăn trên của tim.
  • Nhịp nhanh thất (VT): Nhịp tim nhanh do các tín hiệu bị lỗi trong các buồng bơm dưới của tim (tâm thất).

Sử dụng rượu

Nếu bạn uống nhiều rượu , bạn có thể cảm thấy tim mình rung rinh hoặc đập nhanh hơn bình thường. Nó thường có xu hướng xảy ra nhiều vào các ngày lễ hoặc cuối tuần, khi mọi người nghỉ ngơi và ăn uống nhiều hơn, do đó nó được gọi với cái tên là “hội chứng tim ngày lễ (HHS)”. Tuy nhiên, đối với một số người, tình trạng tim đập nhanh cũng có thể xảy ra ngay cả khi họ chỉ uống một chút rượu.

Tình trạng co thắt tâm thất sớm (PVC)

Các cơn co thắt tâm thất sớm (PVC), hay còn được gọi là ngoại tâm thu thất , thường xảy ra khi tâm thất của tim co bóp quá sớm. Ngoại tâm thu thất có thể làm cho trái tim của bạn bị mất đi nhịp bình thường và khiến nó rung rinh, đập mạnh hoặc thậm chí như nhảy lên trong lồng ngực bạn. Tuy nhiên, không có gì đáng lo ngại nếu tình trạng PVC diễn ra thường xuyên khi trái tim của bạn vẫn rất khỏe mạnh.

Cocaine và các loại thuốc bất hợp pháp khác (thuốc giang hồ - street drugs)

Các loại thuốc bất hợp pháp như cocaine, amphetamine và thuốc lắc đều rất nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch. Cocaine có thể làm tăng huyết áp , tăng nhịp tim và làm tổn thương đến cơ tim. Amphetamine có thể kích thích hệ thống thần kinh và làm tăng nhịp tim của bạn. Đối việc việc sử dụng thuốc lắc sẽ làm kích hoạt và giải phóng ra một chất hoá học, được gọi là norepinephrine, có thể làm cho tim bạn đập nhanh hơn.

3. Bạn nên đến gặp sĩ trong trường hợp nào?

Nếu tình trạng đánh trống ngực chỉ thỉnh thoảng xảy ra và kéo dài trong vòng vài giây, bạn sẽ không cần phải quá lo lắng về điều này, đặc biệt nếu sức khỏe của bạn rất tốt. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Hụt hơi
  • Đau và tức ngực
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu

4. Các phương pháp chẩn đoán tình trạng tim đập nhanh

Dưới đây là một số xét nghiệm có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng tim đập nhanh, bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): Xét nghiệm này có thể giúp tìm kiếm những vấn đề về các tín hiệu điện kiểm soát nhịp tim của bạn.
  • Màn hình Holter: Bạn sẽ được cho đeo máy điện tâm đồ di động này trong vòng từ 24 – 72 giờ mỗi lần. Phương pháp này sẽ giúp tìm ra các vấn đề về tim.
  • Theo dõi nhịp tim: Bạn sẽ đeo thiết bị theo dõi nhịp tim trong vòng vài tuần. Nó sẽ giúp bạn ghi lại nhịp tim một cách hiệu quả và chính xác.
  • Siêu âm tim : Xét nghiệm này sẽ sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của trái tim và tìm ra được các vấn đề với cấu trúc tim của bạn.

Tim là cơ quan liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Vì thế, khi có dấu hiệu bị bệnh tim, bệnh nhân cần tìm đến các cơ sở y tế để siêu âm, phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị hiệu quả.

Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của . Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper