Tổng quan bệnh rung nhĩ

Rung nhĩ là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi. Ước tính cứ 10 người trên 80 tuổi thì có một người bị rung nhĩ. Các loại bệnh tim khác nhau như bệnh van tim, đau tim hoặc suy tim, cũng có thể gây ra rung nhĩ. Bất kỳ loại nhiễm trùng nào gây viêm cơ tim hoặc lớp ngoài của tim đều có thể dẫn đến rung nhĩ.

1. Bệnh rung nhĩ là gì?

Rối loạn nhịp tim là những rối loạn ảnh hưởng đến nhịp tim bình thường khi đó tim có xu hướng đập quá chậm (nhịp tim chậm), quá nhanh (nhịp tim nhanh) hoặc bất thường.

Rung nhĩ (atrial fibrillation) là một rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều, xảy ra khi tín hiệu điện trong tim bị gián đoạn. Các loại rung nhĩ khác nhau có thể kéo dài trong vài giây hoặc vĩnh viễn. Tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều người bị rung nhĩ có cuộc sống hoàn toàn bình thường, tuy nhiên rung nhĩ cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thông thường, hoạt động bơm máu của tim được điều khiển bởi xung điện. Xung điện bắt đầu từ nút xoang nhĩ (SA) và sau đó lan truyền khắp cả hai tâm nhĩ khiến cả hai tâm nhĩ co bóp, ép máu vào tâm thất. Sau đó, xung điện truyền xuống nút nhĩ thất (AV) từ đây chia thành hai nhánh, cho phép tín hiệu điện lan truyền đồng đều đến cả hai tâm thất cùng một lúc.

Tiếp đó, cả hai tâm thất co bóp để đẩy máu ra ngoài. Khi tim hoạt động bình thường, chu kỳ này lặp lại từ 50 đến 150 lần mỗi phút. Khi bị rung nhĩ, các xung điện bắt đầu lan truyền từ cả hai tâm nhĩ theo kiểu không đều với quá nhiều tác nhân kích hoạt ngẫu nhiên làm tim đập không đều và đôi khi quá nhanh.

Có nhiều loại rung nhĩ khác nhau:

  • Rung nhĩ kịch phát : rung nhĩ xuất hiện và biến mất theo từng cơn. Cơn có thể kéo dài vài giây hoặc đến vài ngày, nhưng thông thường, cơn tự bắt đầu và tự hết.
  • Rung nhĩ dai dẳng : Các đợt rung nhĩ kéo dài hơn một tuần và sẽ không dừng lại nếu không được điều trị.
  • Rung nhĩ kéo dài : Tim luôn ở trạng thái rung nhĩ. Dù thử một số loại điều trị khác nhau, nhưng không có cách nào giúp nhịp tim trở lại bình thường.
  • Cuồng nhĩ : Cuồng nhĩ là trạng thái tâm nhĩ đập quá nhanh. Cuồng nhĩ tương tự như rung nhĩ nhưng ít gặp hơn. Nhiều bệnh nhân bị cả cuồng nhĩ và rung nhĩ. Trên thực tế, các phương pháp điều trị cho cả hai đều tương tự nhau và nguy cơ đột quỵ của cả hai là như nhau.

Trên lâm sàng hiện đang chia ra làm nhiều loại rung nhĩ khác nhau

2. Nguyên nhân của rung nhĩ

Một số người bẩm sinh có vấn đề về tim có thể bị rung nhĩ về sau này trong cuộc đời. Các tình trạng sức khỏe khác như huyết áp cao, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ hoặc bệnh phổi cũng có thể làm tăng nguy cơ bị rung nhĩ. Trong nhiều trường hợp, người bị rung nhĩ không biết nguyên nhân.

3. Các biến chứng có thể xảy ra của rung nhĩ

Nếu không được điều trị, rung nhĩ có thể dẫn đến nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ hoặc suy tim.

  • Đột quỵ : Do tâm nhĩ không thể đẩy máu đúng cách, máu bị mắc kẹt trong các góc và rãnh nhỏ của tim. Khi bị kẹt, máu có thể bị đông lại. Với tất cả các cơn co thắt bất thường trong tâm nhĩ, những cục máu đông này có thể được bơm vào hệ thống tuần hoàn. Nếu cục máu đông đến não, nó có thể gây tắc mạch máu dẫn đến đột quỵ. Đôi khi, những cục máu đông cũng có thể đi đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các biến chứng khác.

>>> Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ

  • Suy tim : Nếu rung nhĩ không được kiểm soát sớm có thể dẫn đến suy tim. Điều này xảy ra khi tim phải làm việc quá sức để giữ cho máu lưu thông khắp cơ thể. Kết quả là, chất lỏng thừa tích tụ gây sưng mắt cá chân và cẳng chân hoặc nó có thể tích tụ trong phổi dẫn đến khó thở và mệt mỏi.
  • Các biến chứng khác : Đối với một số người, rung nhĩ có thể gây mệt mỏi, suy nhược hoặc khó thở. Rung nhĩ không được kiểm soát cũng có thể gây ra đau ngực, chóng mặt và mệt mỏi. Ở người cao tuổi, nó có thể gây ra các cơn lú lẫn. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng những triệu chứng này có thể hạn chế các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nếu không được điều trị, rung nhĩ có thể gây suy tim cho người bệnh

4. Triệu chứng

Các triệu chứng của rung nhĩ bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh hoặc cảm thấy nhịp tim bị "bỏ qua"
  • Khó thở
  • Chóng mặt hoặc cảm thấy ngất xỉu
  • Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
  • Đau ngực, căng tức ngực
  • Lo lắng hoặc cảm thấy không ổn

Đây là những triệu chứng phổ biến nhất. Người bệnh có thể chỉ cảm thấy một hoặc một vài triệu chứng trên hoặc có thể có các triệu chứng khác. Nhiều người không có triệu chứng. Trên thực tế, nhiều người bị rung nhĩ có thể giữ các triệu chứng của họ ở mức tối thiểu và có chất lượng cuộc sống bình thường

5. Chẩn đoán rung nhĩ

Để chẩn đoán bệnh rung nhĩ, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, tiến hành khám sức khỏe toàn diện và chỉ định làm một số xét nghiệm. Một số xét nghiệm phổ biến được chỉ định bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG) : Xét nghiệm này ghi lại hoạt động điện của tim để xác nhận xem nhịp tim có bị rung nhĩ hay không.
  • Holter Monitor : Thiết bị ghi lại điện tâm đồ liên tục trong tối đa là 48 giờ. Đây là thiết bị di động nhỏ được mang theo bên mình trong suốt thời gian đo điện tim.

>>> Holter điện tâm đồ là gì và có ý nghĩa thế nào trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim?

  • Máy ghi sự kiện : Tương tự như Holter, máy ghi sự kiện là thiết bị di động đeo bên ngoài cơ thể ghi lại hoạt động của tim trong tối đa hai tuần. Người bệnh có thể nhấn nút “ghi âm” bất cứ khi nào cảm thấy bất thường, ví dụ như nhịp tim nhanh, chóng mặt hoặc đau ngực.
  • Siêu âm tim : Hình ảnh siêu âm cho phép bác sĩ quan sát các buồng tim và van tim.

>>>

Điện tâm đồ (ECG) giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh rung nhĩ

6. Điều trị

Bệnh rung nhĩ thường không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên vẫn cần được điều trị do có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Rung nhĩ làm chậm dòng chảy của máu qua tim, làm tăng khả năng máu đọng và hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông đi ra vòng tuần hoàn có thể gây tắc mạch và dẫn đến đột quỵ.

Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc để điều trị làm giảm các triệu chứng giúp kiểm soát nhịp tim, làm chậm nhịp tim giúp tim trở lại nhịp độ bình thường. Việc lựa chọn kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm: Loại rung nhĩ mắc phải, các bệnh tim khác hoặc các vấn đề sức khỏe khác, các triệu chứng của người bệnh.

Giảm nguy cơ đột quỵ với thuốc chống đông máu: Để ngăn máu đông trong tim thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) có thể được sử dụng. Thuốc chống đông máu không thực sự làm loãng máu, thay vào đó, chúng làm tăng thời gian hình thành cục máu đông. Loại thuốc chống đông máu sử dụng cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào các tình trạng bệnh lý khác, cùng với nguy cơ đột quỵ tổng thể. Thuốc chống đông máu rất hiệu quả trong việc giảm nguy cơ đột quỵ và được khuyên dùng cho hầu hết tất cả những người bị rung nhĩ.

Các thủ thuật phổ biến nhất để điều trị rung nhĩ là chuyển nhịp tim bằng điện và cắt đốt qua ống thông.

  • Chuyển nhịp tim bằng điện : Quy trình này liên quan đến việc tạo một cú sốc cho tim giống như một máy khử rung tim chỉ với một lượng điện nhỏ hơn. Chuyển nhịp tim bằng điện chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Ở hầu hết bệnh nhân, rung nhĩ sẽ quay trở lại.
  • Cắt đốt qua ống thông : Thủ thuật này bao gồm việc luồn dây mỏng qua tĩnh mạch ở bẹn hoặc cổ. Đầu của ống thông hướng về các khu vực trong tim đang phát ra các xung động bất thường. Sau khi được đặt đúng vị trí, ống thông sẽ cung cấp một dòng điện tần số vô tuyến nhỏ để đốt cháy tại vị trí được xác định.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper