1. Quan hệ tình dục và bệnh tim mạch có thể ảnh hưởng lẫn nhau
Nhiều người cho rằng hoạt động tình dục chỉ là hành vi giao hợp đơn thuần giữa người với người. Nhưng tình dục còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế. Chúng ta có thể thể hiện ham muốn tình dục của bản thân theo nhiều cách, có thể chỉ là muốn bạn tình ở gần với mình, muốn chạm vào hoặc muốn ôm lấy anh ấy/cô ấy... Khi thực hiện quan hệ tình dục , những biến đổi sinh lý bên trong cơ thể đã được ghi nhận như:
● Khi được kích thích, nhịp thở sẽ tăng dần, da sẽ đỏ lên, nhịp tim và huyết áp đều tăng nhẹ.
● Khi ở trạng thái hưng phấn, toàn thân sẽ căng lên, nhịp tim và huyết áp đều tăng cao.
● Vào thời điểm cực khoái, cơ thể sẽ giải phóng những năng lượng bị dồn nén và sau đó nhịp tim, huyết áp và nhịp thở sẽ giảm dần về mức bình thường.
Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cũng có các biến đổi sinh lý tương tự theo diễn tiến như trên. Tuy nhiên đối với những người bệnh tim mạch, sự thay đổi sinh lý bên trong này đôi khi lại trở thành gánh nặng cho quả tim nếu người bệnh không có một nhận thức đúng đắn, đặc biệt là trường hợp vừa phẫu thuật tim.
2. Người bị bệnh tim có nên quan hệ sau khi phẫu thuật hay không?
Người mắc bệnh tim mạch nên biết rằng, chúng ta có thể có sự thoả mãn tình dục mà không cần phải giao hợp. Chỉ cần ở gần nhau, ôm ấp, âu yếm, vuốt ve là cũng có thể làm tăng sự thân mật. Những hoạt động này thường tốn rất ít năng lượng, bệnh nhân có thể thực hiện những hành động này bất cứ lúc nào sau khi xuất viện từ một ca phẫu thuật tim. Nhiều cặp vợ chồng đã chia sẻ rằng những cách thể hiện tình cảm này giúp họ có được sự tự tin trong quan hệ vợ chồng.
Hành vi giao hợp đòi hỏi cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, do đó nói chung, bệnh nhân cần đợi từ 2 - 3 tuần sau khi xuất viện và tự cảm nhận tình trạng sức khỏe của bản thân đã sẵn sàng hay chưa. Tư thế quan hệ đối với người đã phẫu thuật tim cũng rất quan trọng vì xương ức bị cưa lúc mổ, sự thay đổi tư thế sao cho thích hợp là rất cần thiết để tránh tổn thương xương ức hoặc gây đau vết mổ.
3. Chuẩn bị gì để sẵn sàng quan hệ tình dục trở lại sau phẫu thuật tim?
Bệnh nhân sau mổ tim nên t ập thể dục để tăng sức chịu đựng của tim cũng như thể trạng chung của cơ thể theo chỉ dẫn của bác sĩ và sức khỏe chủ quan của bệnh nhân. Trong khi luyện tập đi bộ, có thể thấy rất rõ việc người bệnh tăng được sức chịu đựng và sự tự tin theo từng ngày, khi đó người bệnh sẽ biết được khi nào mình đã sẵn sàng cho quan hệ tình dục sau mổ tim .
Năng lượng cho hoạt động giao hợp tương đương với đi nhanh hoặc đi thang bộ lên 2 tầng lầu. Nhịp tim khi quan hệ hiếm khi tăng trên 120 nhịp/phút và huyết áp chỉ tăng nhẹ và mang tính tạm thời. Bệnh nhân sau mổ tim hở sẽ cảm nhận rõ về nhịp tim, sự thở và sự căng cơ của mình. Nếu cảm thấy bình thường thì có nghĩa là không có gì phải lo lắng về ảnh hưởng của quan hệ tình dục và bệnh tim mạch. Theo ước tính cụ thể, nếu bệnh nhân có thể đi bộ lên 3 tầng thang một cách bình thường thì đã có thể trở lại hoạt động tình dục một cách chậm rãi.
Nếu người bệnh không chắc chắn về tình trạng sức khoẻ của mình, bác sĩ có thể làm nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức của bệnh nhân. Dựa trên nhịp tim và huyết áp, thầy thuốc sẽ quyết định người bệnh đã có thể sinh hoạt tình dục hay chưa.
Việc thứ hai bệnh nhân cần làm là tập kiểm soát các cảm xúc . Trong một thời gian ngắn sau mổ tim hở, cảm giác của người bệnh không ổn định, dễ kích động và tâm trạng hay thay đổi. Cố gắng tập từng ngày và nên nhớ rằng những cảm giác vui vẻ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng trong quá trình hồi phục.
Việc quan trọng khác là nên cố gắng điều chỉnh nhu cầu tình dục của cả hai . Đôi khi những đáp ứng về thể chất cũng như tinh thần giữa hai người gây nên những lo lắng khi quan hệ tình dục, nhưng đó là bình thường, vì vậy người bệnh đừng quá kỳ vọng vào lần đầu tiên.
Sự sợ hãi không dám quan hệ tình dục và tâm lý trầm cảm là 2 yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến ham muốn và khả năng tình dục. Những điều này được xem là bình thường trong thời kỳ dưỡng bệnh sau phẫu thuật tim và đa số trường hợp sẽ biến mất trong vòng 3 tháng, người bệnh có thể quan hệ tình dục trở lại trong mức độ cho phép. Nếu trầm cảm tiếp diễn sau 3 - 6 tháng, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.