1. Liệu pháp tái đồng bộ tim
Liệu pháp tái đồng bộ tim (tên tiếng Anh là Cardiac resynchronization therapy và viết tắt là CRT) là phương pháp điều trị để giúp tim đập đúng nhịp. Kỹ thuật này sử dụng một máy đồng bộ cơ tim để khôi phục lại mô hình thời gian bình thường của nhịp tim.
Máy tạo nhịp tim CRT điều phối cách thức hoạt động của buồng tim trên (tâm nhĩ) và buồng tim dưới (tâm thất). Nó cũng hoạt động dựa trên thời gian giữa hai bên trái và phải của tim.
Khi tim co bóp không đủ mạnh, chất lỏng có thể tích tụ trong phổi và chân của bạn, đây được gọi là suy tim. Tình trạng này có thể xảy ra khi hai ngăn dưới cùng (tâm thất) của tim không đập cùng một lúc.
Bác sĩ có thể phát hiện ra bạn cũng cần một máy khử rung cấy được (ICD). Thiết bị này giúp khắc phục các vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim. Nếu bạn cần thiết bị này, nó có thể được kết hợp với CRT.
Khi thực hiện liệu pháp CRT, có nghĩa là bạn sẽ cần phải đặt máy tạo nhịp tim dưới da bằng tiểu phẫu. Các dây từ thiết bị này được kết nối với tâm thất ở cả hai bên tim của bạn. Thiết bị CRT gửi tín hiệu điện đến tâm thất để đồng bộ cơ tim và làm cho buồng tim này co bóp đúng cách và hiệu quả. Loại kích thích điện này được gọi là tạo nhịp hai buồng thất (Biventricular pacing) .
Liệu pháp CRT có hiệu quả với khoảng 7/10 trường hợp suy tim. Không phải ai bị suy tim cũng có thể phù hợp với CRT. Ví dụ, nếu bạn bị suy tim nặng, bạn không có nhiều khả năng đáp ứng với CRT. Nhìn chung, CRT có thể cải thiện khả năng sống sót, chức năng tim và chất lượng cuộc sống trong trường hợp bị suy tim nhẹ đến trung bình.
Các thiết bị trị liệu tái đồng bộ tim bao gồm:
- Liệu pháp tái đồng bộ tim bằng máy tạo nhịp tim (CRT-P). Thiết bị được sử dụng để điều trị tái đồng bộ tim có ba dây dẫn kết nối máy tạo nhịp tim với buồng trên bên phải của tim bạn (tâm nhĩ phải) và cả hai buồng dưới (tâm thất).
- Liệu pháp tái đồng bộ tim với máy tạo nhịp tim và ICD (CRT-D). Thiết bị này có thể được khuyến cáo cho những người bị suy tim, những người cũng có nguy cơ đột tử do tim. So với máy tạo nhịp tim đơn độc, liệu pháp có thể phát hiện nhịp tim nguy hiểm và thực hiện một cú sốc năng lượng đủ mạnh để thiết lập lại nhịp tim của người bệnh.
2. Chỉ định và nguy cơ của liệu pháp tái đồng bộ tim
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện CRT trong những trường hợp sau:
- Người bệnh có các triệu chứng suy tim từ trung bình đến nặng.
- Các buồng bơm (tâm thất) của tim hoạt động không cùng nhau.
- Các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy tim của người bệnh yếu và to ra.
- Thuốc và thay đổi lối sống không có tác dụng đủ tốt để kiểm soát tình trạng suy tim của người bệnh.
CRT không phải là kỹ thuật nguy hiểm hay có nguy cơ cao. Nhưng giống như tất cả các phẫu thuật khác, CRT cũng có một số nguy cơ như:
- Phản ứng với thuốc mê
- Sưng hoặc bầm tím ở vùng trên ngực, nơi đặt thiết bị CRT
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Vấn đề về nhịp tim
- Thiết bị hoặc các dây của thiết bị chưa được cố định chắc chắn. Trong trường hợp này có thể thêm một lần phẫu thuật.
- Thiết bị CRT gặp sự cố.
3. Quá trình thực hiện liệu pháp tái đồng bộ tim
Trước khi thực hiện
Bạn nên thảo luận về tất cả các nguy cơ và lợi ích của thủ thuật này với bác sĩ trước khi thực hiện. Bác sĩ có thể sẽ dặn bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước khi phẫu thuật. Nếu bạn thường uống thuốc vào buổi sáng, hãy hỏi bác sĩ, liệu bạn có thể uống các loại thuốc này với một ngụm nước hay không.
Nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn có thể yêu cầu bạn ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào làm loãng máu trong vài ngày trước khi làm thủ thuật. Nếu phải dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, hãy yêu cầu bác sĩ giúp bạn điều chỉnh liều lượng các loại thuốc này trước và sau khi phẫu thuật. Hãy cho bác sĩ của bạn biết về:
- Tất cả các loại thuốc đang sử dụng
- Thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng, đặc biệt là aspirin
- Tình trạng dị ứng
- Các triệu chứng cảm lạnh hoặc nhiễm trùng gần đây
- Tiền sử có vấn đề với thuốc gây mê
Quá trình thực hiện
Quy trình thực tế có thể mất từ 3 đến 5 giờ. Bạn có thể sẽ tỉnh táo nhưng được thư giãn và cảm thấy buồn ngủ trong suốt quá trình. Dưới đây là quy trình thực hiện:
- Trong phòng thủ thuật, bạn sẽ nằm trên bàn chụp X-quang.
- Một đường truyền tĩnh mạch (IV) sẽ được thiết lập ở mu bàn tay hoặc cánh tay của bạn. Nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ đưa chất lỏng, thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau qua đường truyền tĩnh mạch này.
- Các nhân viên Y tế sẽ theo dõi tim, huyết áp và mức oxy của bạn.
- Bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc để giúp bạn thư giãn hoặc dễ ngủ. Ngoài ra, Bác sĩ cũng sẽ gây tê khu vực sẽ đặt thiết bị và vị trí thường đặt là ngay dưới xương đòn trái.
- Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và tạo một túi ở dưới da. Túi này sẽ chứa dây và bộ pin máy tính cho CRT (computer battery pack).
- Bác sĩ sẽ đặt các đường truyền vào tĩnh mạch lớn có nhiệm vụ nuôi tim. Sau đó, đưa dây CRT (dây dẫn) vào tĩnh mạch và để vào tim. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đồng thời chụp X-quang để đảm bảo các đạo trình ở đúng vị trí ở cả hai bên tim.
- Bác sĩ sẽ kiểm tra các đạo trình bằng xung điện.
- Nếu các dây dẫn ở đúng vị trí và hoạt động như bình thường, chúng sẽ được gắn vào máy tạo nhịp tim CRT. Bác sĩ sẽ đặt máy tạo nhịp tim qua vết mổ và đặt dưới da.
- Sau đó, bác sĩ sẽ đóng vết mổ bằng chỉ khâu hoặc ghim và băng lại.
Sau khi thực hiện
Bạn sẽ được chuyển đến phòng sau phẫu thuật để theo dõi và ở đó cho đến khi thuốc tê hoặc thuốc gây mê hết tác dụng. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn thuốc giảm đau khi cần thiết. Bạn có thể cần phải ở lại bệnh viện một hoặc hai ngày trong khi bác sĩ kiểm tra và điều chỉnh các cài đặt trên thiết bị CRT trong cơ thể bạn.
Sau khi xuất viện, bạn phải tuân theo tất cả các lời khuyên của bác sĩ và thực hiện các cuộc hẹn tái khám đúng lịch. Một số khuyến cáo sau phẫu thuật dành cho người có thiết bị CRT như sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống bình thường trước đây.
- Bạn có thể cần hạn chế các hoạt động như nâng, căng và kéo căng trong 6 tuần đầu tiên.
- Giữ cho băng sạch và khô cho đến khi bác sĩ cho bạn biết khi nào có thể cởi bỏ băng và đi tắm.
- Kiểm tra vùng vết mổ xem có dấu hiệu nhiễm trùng không. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có các dấu hiệu như sốt, mẩn đỏ, đau nhức, tiết dịch, chảy máu hoặc sưng tấy.
Dưới đây là những hướng dẫn để giúp bạn thích nghi và sống lâu dài với thiết bị CRT trong cơ thể:
- Kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị thường xuyên, ít nhất 6 tháng một lần.
- Mang theo thẻ nhận dạng máy tạo nhịp tim CRT và cho tất cả những người chăm sóc bạn biết về thiết bị có trong cơ thể.
- Pin của máy tạo nhịp tim có tuổi thọ khoảng 4 đến 8 năm. Bác sĩ sẽ có thể cho bạn biết khoảng 6 tháng trước khi hết pin. Và khi đó, bạn sẽ cần thay thế máy tạo nhịp tim CRT, tuy nhiên, đây chỉ là một thủ tục nhỏ nên bạn không cần phải quá lo lắng.
- Bạn nên giữ tất cả các thiết bị chạy bằng điện cách máy điều hòa tạo nhịp tim CRT khoảng 6 inch. Do các thiết bị chạy bằng điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp tim CRT.
- Bạn có thể cần tránh xa các thiết bị có từ trường mạnh, bao gồm máy phát điện và các thiết bị như lò vi sóng. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về những thiết bị nào hay việc gì mà bạn cần phải tránh.
trang bị hệ thống Phòng mổ Hybrid, các thiết bị tối tân như máy chụp mạch DSA, máy gây mê tích hợp các phần mềm theo dõi huyết động bệnh nhân một cách chặt chẽ nhất (hệ thống PiCCO, entropy...). Do đó, phòng mổ Hybrid có thể đáp ứng các yêu cầu phẫu thuật và can thiệp cấy máy tạo nhịp, nong, đặt stent mạch vành, stent graft động mạch chủ, mổ tim mở, thay van tim các bệnh tim bẩm sinh, với kỹ thuật hiện đại ít xâm lấn nhất, an toàn, giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe nhanh.
sở hữu đội ngũ chuyên gia gồm những Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2, Thạc sĩ giàu kinh nghiệm, có uy tín lớn trong lĩnh vực điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp và ứng dụng các kỹ thuật cao cấp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch. Đặc biệt, Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện uy tín nhất trên thế giới.
Nguồn tham khảo:hopkinsmedicine.org, mayoclinic.org