1. Bệnh van hai lá là gì?
Van hai lá là van tim nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Chức năng chính của nó là kiểm soát dòng máu một chiều chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái, sau đó máu sẽ chảy qua van động mạch chủ để đi nuôi dưỡng toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.
Bệnh van hai lá xảy ra khi van hai lá có vị trí ở giữa các buồng tim trái không hoạt động như bình thường. Những bất thường này ở van hai lá gồm hai loại chính:
1.1 Hẹp van hai lá
Hẹp van hai lá là tình trạng van hai lá trở nên dày và cứng, không thể đóng khít các lá van lại được. Khi cửa của van hai lá không mở ra hoàn toàn khiến cho lượng máu chảy từ nhĩ trái xuống thất trái bị giảm xuống và máu sẽ bị ứ đọng lại ở tuần hoàn phổi và tim phải. Dựa vào tình trạng bệnh mà mỗi bệnh nhân sẽ có một phương pháp điều trị hẹp van hai lá khác nhau, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định làm phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân.
1.2 Hở van hai lá
Hở van hai lá là bệnh lý về tim khi các lá van không thể đóng chặt lại được, khiến cho máu trào ngược từ tâm thất trái lên tâm nhĩ trái. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề tổn thương tim nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn tới hở van hai lá thường là do tình trạng sa van- lá van bị đẩy ngược vào nhĩ trái.
Ngoài ra, hẹp van hai lá và hở van hai lá còn tồn tại ở 3 dạng khác nữa, cụ thể là hẹp van hai lá đơn thuần, hở van hai lá đơn thuần, hoặc kết hợp hẹp và hở van hai lá.
2. Nguyên nhân gây bệnh van hai lá
Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh lý van hai lá bao gồm:
- Bệnh lý tim bẩm sinh
- Do chấn thương
- Hậu quả của nhồi máu cơ tim
- Viêm khớp-biến chứng từ hậu nhiễm trùng Streptococcus
- Hở van hai lá do sa van
- Bệnh ở hai lá dẫn tới hở hai lá thứ phát
- Tình trạng thấp tim
- Do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Do thoái hóa
Mức độ tiến triển và tiên lượng của bệnh van hai lá sẽ phụ thuộc vào:
- Tình trạng của van hai lá, chẳng hạn như hẹp van tim, hở van tim hay kết hợp hẹp, hở van tim
- Mức độ tổn thương của van hai lá
- Thời gian diễn biến của bệnh và các tổn thương khác.
3. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh van hai lá
Giống như bệnh van 3 lá, nhiều trường hợp bị van hai lá không xuất hiện các dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể nào trong những năm đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi
- Phù mắt cá
- Nhịp tim đập bất thường
- Khi vận động mạnh hoặc khi nằm sẽ bị khó thở
- Xuất hiện âm thổi- tiếng tim bất thường.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê bên trên, rất có khả năng bạn đang mắc phải các vấn đề liên quan đến van tim. Tốt nhất, bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh van hai lá
4.1 Các phương pháp chẩn đoán bệnh van hai lá
Để chẩn đoán được tình trạng và mức độ tổn thương của bệnh van hai lá, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Siêu âm tim : Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể thấy được áp lực phổi kèm theo và quan sát được rõ các van tim cũng như hoạt động của chúng
- Điện tâm đồ (ECG) : Giúp bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện hội chứng lớn các buồng tim, rung nhĩ bất thường và bệnh tim.
- Xquang ngực : Phương pháp giúp xác định được độ lớn của tim và hỗ trợ chỉ ra một số bệnh van tim. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng hữu ích trong việc xác định tình trạng của phổi.
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) : Phương pháp này thường sử dụng từ trường và sóng âm để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim, từ đó giúp bác sĩ xác định được mức độ tiến triển của bệnh.
- Test thể chất và test tâm thần kinh : Áp dụng các bài test khác nhau giúp đo độ chịu đựng và kiểm tra sự đáp ứng của tim trong các hoạt động thể lực. Trong trường hợp người bệnh không thể tập thể thao, bác sĩ có thể cho dùng các loại thuốc có tác dụng tương tự lên tim như đang vận động.
4.2 Các phương pháp điều trị bệnh van hai lá
Dựa vào tình trạng và mức độ tổn thương của bệnh mà mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Phẫu thuật sửa chữa van 2 lá: Đây là phương pháp phẫu thuật giúp bảo tồn van và chức năng của van.
Phẫu thuật thay thế van 2 lá: Trong trường hợp không thể sửa van hai lá, bác sĩ sẽ lựa chọn hình thức phẫu thuật thay thế van tim của bệnh nhân bằng cách cắt bỏ van bị tổn thương và thay bằng van tim. Trong trường hợp thay van sinh học sẽ bị thoái hóa theo thời gian và cần phải thay lại. Khi được thay thế bằng van nhân tạo, người bệnh cần phải sử dụng thuốc chống đông máu để tránh bị huyết khối.
5. Những vấn đề người bệnh có thể mắc phải sau khi mổ van hai lá
Người bệnh sẽ mất khoảng 6-8 tuần để có thể hồi phục hoàn toàn sau khi thực hiện phẫu thuật thay van. Trong khoảng thời gian, bạn có thể gặp phải các vấn đề sau:
- Chán ăn, buồn nôn trong khoảng 2-4 tuần
- Đau ngực ở vùng xung quanh vết mổ
- Tâm trạng bị dao động, buồn vui thất thường, đôi khi cảm thấy ức chế hoặc trầm cảm nhẹ
- Cảm giác ngứa và tê ở sẹo mổ có thể kéo dài tới 6 tháng
- Táo bón
- Mất ngủ hoặc nửa đêm thức giấc
- Hơi khó thở
- Hai tay bị yếu đi trong 1 hoặc 2 tháng đầu
Bạn và gia đình cũng không nên quá lo lắng vì đây là những triệu chứng thường thấy sau khi thực hiện phẫu thuật tim và tình trạng này sẽ được cải thiện theo thời gian.
6. Hồi phục sau khi mổ van hai lá
Một số điều mà người bệnh và gia đình cần lưu ý để giúp quá trình hồi phục trở nên nhanh chóng hơn sau khi mổ van hai lá, bao gồm:
6.1 Hạn chế thăm người bệnh sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật một vài giờ, người thân nên hạn chế vào thăm để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
6.2 Tập ho và tập hít thở sâu
Người bệnh nên tập ho sau khi mổ để làm giảm tình trạng ứ trệ ở phổi, giúp giảm nguy cơ viêm phổi và sốt. Việc ho không làm ảnh hưởng tới vết mổ cũng như cầu nối tại tim. Để ho dễ dàng hơn, người bệnh có thể kê một chiếc gối dưới lưng.
6.3 Thay đổi tư thế nằm
Bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm và trở mình liên tục để giúp quá trình hồi phục trở nên nhanh chóng hơn. Khi ngủ, bạn nên nằm nghiêng về một bên và thay đổi tư thế vài tiếng một lần.
6.4 Ăn thức ăn lỏng
Sau khi rút ống nội khí quản, bạn có thể ăn các thức ăn lỏng như cháo hoặc súp.
6.5 Vận động nhẹ nhàng
Sau khi mổ 2 ngày, bạn nên ngồi dậy và đi lại xung quanh phòng, đi bộ 1 quãng ngắn ngoài hành lang để chuẩn bị cho xuất viện. Tuy nhiên trong vòng 6-8 tuần sau khi mổ, bạn không được bê vác hoặc dùng sức kéo bất cứ vật nặng nào có trọng lượng hơn 50 cân. Việc làm này có thể gây áp lực lên vết mổ đang liền sẹo và khiến cho xương ức không có đủ thời gian để hồi phục.
6.6 Vệ sinh thân thể
Ngay sau khi mổ, bạn có thể lau người. Sau vài ngày, bạn có thể tắm vòi hoa sen và gội đầu.
6.7 Băng vết mổ
Vết mổ được băng vừa phải để thoáng khí, dễ khô và liên da. Vết mổ có thể được cắt chỉ sau một tuần phẫu thuật.
6.8 Tái khám đều đặn
Sau khi xuất viện trong vòng 3 tháng đầu, bạn nên tái khám đều đặn để kiểm tra tình trạng sức khỏe cũng như chế độ dùng thuốc của bạn. Sau đó, bạn nên thăm khám lại khoảng 2 lần/năm để kiểm tra sức khỏe đã thực sự ổn định hay chưa.
6.9 Chế độ ăn uống
Sau khi phẫu thuật, bạn cần hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều muối như dưa, cà muối, cá khô, đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp,.. Bữa ăn cần đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối giữa các loại thịt, rau, củ, quả.
6.10 Hoạt động thể chất
Tập thể dục đều đặn giúp sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể của bạn tốt hơn. Tuy nhiên bạn nên tránh hoạt động mạnh, thay vào đó là các bài tập vận động nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, đạp xe,...Sau vài tuần phẫu thuật, bạn có thể đi bộ khoảng 3-4 km mỗi ngày.
6.11 Nhập viện khi có dấu hiệu cảnh báo
Sau phẫu thuật, nếu bạn thấy xuất hiện các biến chứng như đau thắt vùng ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, bất tỉnh, tay chân yếu đi,.. thì bạn nên lập tức tới bệnh viện để được điều trị.