Triệu chứng của bệnh mạch vành chủ yếu gây ra bởi sự tắc hẹp lòng mạch vành, với biểu hiện chính là đau thắt ngực . Tùy từng trường hợp người bệnh cụ thể sẽ có biểu hiện đau thắt ngực từ nhẹ nhàng đến gắng sức, cũng như dữ dội, cơn đau có thể lan ra tay, hàm, bệnh nhân có thể bị ngất hoặc tử vong tới tính mạng.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh hẹp mạch vành nói riêng và bệnh mạch vành nói chung chia thành 2 dạng:
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm: Giới tính, tuổi tác (tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng lớn), di truyền từ gia đình...
- Yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành có thể thay đổi được bao gồm: Có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường , thừa cân, béo phì, thường xuyên hút thuốc lá...
Bệnh mạch vành có thể được chẩn đoán bằng những phương pháp sau:
- Điện tâm đồ lúc nghỉ và lúc gắng sức;
- Siêu âm tim lúc nghỉ và lúc gắng sức hoặc dobutamine;
- Chụp X quang tim phổi ;
- Men tim;
- Chụp nhấp nháy đồng vị phóng xạ có gắng sức;
- Chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt (MSCT);
- Chụp động mạch vành cản quang (hay còn gọi là chụp DSA động mạch vành).
Sau khi được chẩn đoán xác định bệnh, tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng, mức độ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh mạch vành phù hợp. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành bao gồm:
- Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Mục đích của điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp nội khoa là nhằm hạn chế và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, đồng thời cải thiện lượng máu đến nuôi tim.Một số loại thuốc được dùng trong điều trị nội khoa là: Thuốc giãn mạch vành (Nitroglycerin, Nitromint, Risordan, ...), thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, Plavix, Ticlid, ...), thuốc chẹn beta giao cảm (Atenolol, Bisoprolol, Metoprolol, ...).
- Nong và đặt stent lòng mạch : Mục đích của nong và đặt stent lòng mạch trong điều trị bệnh mạch vành là nhằm tái thông lòng mạch vành bị hẹp bằng bóng và ống kim loại (stent).
- Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ và động mạch vành : Mục đích của phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - vành trong điều trị bệnh mạch vành cũng nhằm tái thông lòng mạch vành bị hẹp, từ đó giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim. Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - vành để điều trị bệnh mạch vành là thực hiện nối động mạch chủ và các nhánh động mạch vành bị hẹp bằng một đoạn mạch lành khác của người bệnh. Tùy vào mức độ nặng của bệnh, bác sĩ có thể thực hiện nhiều cầu nối khác nhau để giúp lưu lượng máu đến tim được cải thiện.
- Tái thông bằng laser: Mục đích của tái thông lòng mạch với tia laser nhằm hỗ trợ làm giảm các cơn đau thắt ngực. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng những tia laser để tạo các kênh nhỏ xuyên qua cơ tim, làm giảm tình trạng thiếu máu cơ tim. Phương pháp này được chỉ định với những trường hợp bệnh nhân bệnh mạch vành không thể thực hiện hai phẫu thuật trên.
Bệnh nhân bệnh mạch vành cần xây dựng lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiến triển, đặc biệt là sau khi điều trị bệnh mạch vành .