1. Đau ngực khi hít sâu là gì?
Đau ngực khi hít sâu là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng đau ngực này có thể khởi phát từ bên trái, bên phải hoặc ở cả 2 bên. Với mỗi người thì cơn đau có thể là dạng đau nhói lên sau khi hít sâu hoặc đau âm ỉ theo mỗi nhịp hít vào. Các triệu chứng đi kèm với tình trạng đau ngực có thể là khó thở, ho,... hoặc không.
Cơ chế chủ yếu của đau ngực khi hít sâu là do khi hít vào, sự giãn nở của phổi làm cho lồng ngực cũng phải giãn nở theo. Khi có cấu trúc nào đó liên quan đến thành ngực như phổi, màng phổi, màng tim, sụn sườn bị tổn thương thì sẽ là xuất hiệu triệu chứng đau ngực khi hít sâu .
2. Nguyên nhân gây đau ngực khi hít sâu
Nguyên nhân gây đau ngực có thể do tim hoặc bệnh lý ngoài tim. Trong đó, đau ngực khi hít thở sâu là dạng đau ngực không điển hình của tim. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân gây đau ngực khi hít sâu khác như:
2.1 Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi, bao gồm viêm các tiểu phế quản tận cùng phế nang, viêm phế nang và viêm tổ chức mô liên kết (mô kẽ) của phổi. Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus và nấm, trong đó phổ biến là virus cúm và liên cầu khuẩn. Ở người lớn tuổi, viêm phổi chủ yếu do vi khuẩn.
Viêm phổi gây đau ngực và đặc trưng bởi các triệu chứng sốt, ho, khó thở, mệt mỏi... Đặc biệt nếu tình trạng viêm lan tới màng phổi thì cơn đau sẽ sẽ trở nên rõ rệt và dữ dội hơn khi hít thở sâu .
Nếu có triệu chứng của viêm phổi thì nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc quyết định điều trị sẽ phụ thuộc vào đối tượng nguy cơ, nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu viêm phổi do vi khuẩn thì thuốc kháng sinh là biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
2.2 Viêm màng phổi
Màng phổi là lớp mỏng bao bọc bề mặt của phổi, gồm có 2 lá thành và lá tạng, bên trong có chứa ít dịch để 2 lá màng phổi trượt lên nhau dễ dàng. Nếu tình trạng viêm phổi lan đến bề mặt bên ngoài của phổi sẽ dẫn tới viêm màng phổi . Vi khuẩn và virus là 2 tác nhân phổ biến gây viêm màng phổi. Các triệu chứng viêm màng phổi có thể bao gồm:
- Sốt;
- Ho;
- Khó thở;
- Đau ngực tăng khi hít thở sâu hoặc khi hắt hơi, cơn đau có thể lan ra xương bả vai;
- Sụt cân mà không rõ lý do.
2.3 Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là tình trạng xuất hiện huyết khối ở trong mạch máu của phổi, thường xuất phát từ các cục máu đông ở tĩnh mạch sâu chi dưới. Thuyên tắc phổi là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra đau ngực khi hít thở. Ngoài đau ngực, người bệnh còn có triệu chứng như khó thở, tim đập nhanh, ho ra máu và suy tim phải.
Thuyên tắc phổi kèm theo sốc nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong cho người bệnh. Trong trường hợp khẩn cấp, tiêu sợi huyết là biện pháp điều trị ưu tiên hàng đầu. Những người thuyên tắc phổi mức độ nhẹ và trung bình có thể điều trị kháng đông đường tiêm hoặc uống thuốc kháng đông (bao gồm thuốc kháng vitamin K và thuốc kháng đông thế hệ mới đường uống).
2.4 Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là tình trạng xuất hiện khí ở trong khoang màng phổi. Sự tích tụ của không khí càng nhiều sẽ càng làm tăng áp lực bên trong khoang màng phổi, có thể dẫn đến xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi. Nguyên nhân gây tràn khí màng phổi thường do chấn thương ở ngực (kín hoặc hở), chấn thương phổi, biến chứng của bệnh phổi mạn tính chẳng hạn như lao hoặc khí phế thũng . Ngoài ra, ở một số người hút thuốc lá hoặc thể trạng cao gầy cũng có thể bị tràn khí màng phổi tự phát không rõ nguyên nhân. Triệu chứng phổ biến của tràn khí màng phổi là khó thở, đau ngực tăng lên khi hít thở hoặc ho, mệt mỏi, tim đập nhanh, da tái nhợt. Nếu lượng khí ít thì có thể chỉ cần nghỉ ngơi bệnh sẽ lui dần. Tuy nhiên, nếu tràn khí màng phổi lượng nhiều, gây ra triệu chứng khó thở và đau ngực dữ dội thì người bệnh cần chọc hút và dẫn lưu khí ra khỏi khoang màng phổi để ngăn ngừa xẹp phổi .
2.5 Ung thư phổi
Ung thư phổi thường khởi phát với các triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, khó thở và sụt cân không rõ lý do. Hút thuốc lá cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư phổi. Đau ngực khi hít thở sâu cũng có thể xuất hiện nếu bệnh lý ung thư có liên quan đến màng phổi.
2.6 Viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn là tình trạng viêm phần sụn kết nối xương sườn và xương ức. Nguyên nhân của viêm sụn sườn có thể là do nhiễm trùng đường hô hấp, chấn thương ngực hoặc ho dữ dội. Viêm sụn sườn thường gây ra đau nhói ngực quanh xương ức, lan ra phía sau và tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu . Viêm sụn sườn thông thường có thể tự khỏi, nhưng nếu cơn đau dữ dội cản trở các hoạt động hàng ngày thì nên đi khám và điều trị.
2.7 Viêm màng ngoài tim
Màng ngoài tim là một lớp màng bao quanh và bảo vệ tim, bên trong chứa ít dịch. Viêm màng ngoài tim có thể do các tác nhân như vi khuẩn, virus, do một số thuốc điều trị, do phẫu thuật tim hoặc chấn thương và đôi khi xuất hiện trong các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống hay viêm khớp dạng thấp .
Viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến đau buốt ngực liên tục hoặc đau ngực khi hít sâu, triệu chứng này giảm khi người bệnh ngồi thẳng và nghiêng về phía trước. Ngoài ra, người bị viêm màng ngoài tim còn có thể có các triệu chứng khác như sốt, khó thở, choáng váng, chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực.
2.8 Chấn thương ngực
Chấn thương ngực có thể khiến căng cơ, thành ngực bị bầm tím hoặc gãy xương sườn, dẫn đến triệu chứng đau ngực khi hít sâu . Ví dụ như người bị chấn thương ngực có gãy xương sườn, các mảnh vỡ của xương sườn sẽ cọ sát với nhau và gây đau ngực . Ngoài ra, xương sườn gãy còn đâm thủng phổi và màng phổi, dẫn đến tràn khí màng phổi. Sự căng cơ hoặc bầm tím ở vùng ngực cũng có thể gây ra tình trạng tương tự. Cơn đau ngực khi hít thở sâu có thể lan đến cổ hoặc lưng.
2.9 Nhiễm trùng ở bụng
Nhiễm trùng ở bụng cũng có thể là nguyên nhân gây đau ngực khi hít thở, đặc biệt là nếu tình trạng nhiễm trùng có liên quan đến gan hoặc lách. Vì gan và lách tiếp giáp với cơ hoành, nên khi thực hiện động tác hít vào thở ra, cơ hoành sẽ di chuyển lên xuống theo nhịp thở, các cơ quan nhiễm trùng này cũng sẽ chịu ảnh hưởng, gây đau ngực và khó chịu.