Đối với nhiều người, một ly rượu, bia sẽ chẳng gây hại gì cả. Tuy nhiên, với những người đang mắc vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, đồ uống có cồn sẽ làm tăng lượng đường huyết và gây hại cho sức khỏe của họ. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu tác động cũng như cách sử dụng hợp lý rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác.
Rượu, bia và cơ thể
Đồ uống có cồn như rượu, bia thường được xem là một loại “thuốc” an thần, giúp làm dịu và giảm đau vì nó gây tác hại hệ thần kinh trung ương của người uống. Mỗi bộ phận trên cơ thể đều bị rượu, bia tác động đến. Sau khi bạn uống, rượu bia sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào dạ dày, đến ruột non rồi vào máu.
Ở một người bình thường, gan phân hủy được một phần uống có cồn tiêu chuẩn mỗi giờ. Lượng đồ uống còn lại sẽ di chuyển khắp cơ thể, chúng được phổi, thận, da xử lý và thải qua nước tiểu, mồ hôi.
Tùy vào lượng rượu, bia bạn uống mà mức độ tác động lên cơ thể của chúng cũng sẽ khác nhau. Khi uống một lượng nhỏ, rượu bia sẽ như một chất kích thích – bạn có thể cảm thấy vui vẻ hoặc nói nhiều hơn. Còn khi uống quá nhiều, cơ thể bạn sẽ dần bị suy nhược.
Rượu, bia và nồng độ đường huyết
Tùy theo thể trạng của mỗi người mà cơ thể sẽ có những phản ứng với đồ uống có cồn khác nhau. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh khác về đường huyết cần phải cẩn trọng hơn khi uống bia, rượu.
Tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ tác động đến đường huyết cũng như các hormone cân bằng nồng độ đường huyết. Những người hay uống rượu với độ cồn cao, uống nhiều bia sẽ dễ dàng mất hết năng lượng dự trữ chỉ trong vài giờ. Về lâu dài, tiêu thụ quá mức rượu, bia cũng sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của insulin, dẫn tới tăng cao lượng đường trong máu. Những người đã bị bệnh gan do rượu bia thường cũng sẽ bị tiểu đường hoặc không thể hấp thụ glucose nữa.
Bình thường, nồng độ đường huyết sẽ ở khoảng 70–100g/dl, nhưng với những người bị tiểu đường mà không chữa trị, nồng độ này thường sẽ cao hơn 126g/dl.
Bệnh nhân tiểu đường phải cực kỳ cẩn thận với chuyện dùng đồ uống có cồn. Đồng thời, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nắm rõ những nguy hiểm liên quan. Ngoài ra, một số loại thuốc không nên dùng chung với đồ uống có cồn và người bị tiểu đường càng phải chú ý hơn nữa.
Tiêu thụ rượu bia có thể làm hạ đường huyết thấp đến mức báo động. Bởi vì gan phải làm việc để loại bỏ cồn ra khỏi máu thay vì kiểm soát nồng độ đường huyết. Rượu bia cũng sẽ làm cơ thể khó nhận thức được lượng đường trong máu có bị hạ thấp hay không. Triệu chứng của hạ đường huyết cũng tương tự với uống quá nhiều rượu bia, bao gồm: rối loạn nhịp tim, buồn ngủ, mờ mắt, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mất phương hướng và có khả năng bất tỉnh.
Những vấn đề khác liên quan đến rượu bia và tiểu đường
Không chỉ ảnh hưởng đến đường huyết, với những người bị tiểu đường, đồ uống có cồn còn gây ra những tác hại sau:
√ Đồ uống có cồn có thể kích thích sự thèm ăn, làm bạn ăn nhiều hơn và dẫn đến đường huyết tăng lên cao hơn nữa, nếu thường xuyên sẽ làm cơ thể bạn ở trạng thái thừa cân.
√ Thêm vào đó, đồ uống có cồn còn làm giảm ý chí khiến bạn dễ sa vào chế độ ăn uống không lành mạnh hơn. Chúng cũng phản ứng lại với một số loại thuốc uống trị bệnh tiểu đường và làm tăng huyết áp.
Lưu ý khi dùng đồ uống có cồn
Người bị bệnh tiểu đường nếu muốn sử dụng đồ uống có cồn thì nên kiểm tra nồng độ đường huyết trước khi uống và 24 tiếng sau đó. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên kiểm tra nồng độ trước khi ngủ để đảm bảo chúng vẫn đang ở trạng thái ổn định.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, một phần uống tiêu chuẩn tương đương với 14g đồ uống có cồn nguyên chất. Rượu, bia thông thường có nồng độ cồn ở mức 2–20%, tuy nhiên, các loại rượu mạnh có thể đạt mức 40–50% hoặc cao hơn nữa.
Người bị tiểu đường uống rượu, bia thế nào cho đúng?
Những người mắc vấn đề về đường huyết không nên uống các loại thức uống đã pha chế và cocktail vì chúng thường chứa rất nhiều đường, sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ cũng khuyến nghị về cách uống đồ uống có cồn cho người bị tiểu đường:
- Phụ nữ không nên uống quá 1 phần uống cơ bản mỗi ngày.
- Đàn ông không nên uống quá 2 phần uống cơ bản mỗi ngày.
- Không uống khi đói bụng hoặc đường huyết đang ở mức thấp.
- Không dùng rượu, bia để thay thế cho thức ăn – chúng không được tính là chất bột đường.
- Uống từ từ từng ngụm nhỏ, tránh uống hết chỉ trong một lần.
- Luôn cấp nước cho cơ thể với những thức uống không calo như nước, soda ăn kiêng.
- Có thể chọn các loại bia nồng độ thấp hoặc rượu có pha soda thay cho những loại thông thường.
- Luôn cẩn trọng với các loại bia nguyên chất tự làm vì chúng có thể chứa gấp đôi lượng calo và cồn so với bia nồng độ thấp.
- Nếu muốn uống nước đã pha chế, hãy chọn những loại không calo như soda hoặc tonic ăn kiêng.
Phần lớn những người bị tiểu đường đều thưởng thức đồ uống có cồn vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, gan cần từ 1–1,5 tiếng để phân hủy mỗi phần đồ uống này. Uống càng nhiều thì nguy cơ bị hạ đường huyết sẽ càng cao.
Các triệu chứng hạ đường huyết thường xảy ra rất đột ngột và dẫn tới nguy hiểm nếu cơ thể người uống chưa sẵn sàng. Vì vậy, trước khi uống, bạn hãy ăn một ít bột đường để lượng đường trong máu luôn được ổn định.
Người bị tiểu đường nên mang theo thuốc đường (glucose) để đề phòng các trường hợp khẩn cấp và kiểm tra nồng độ đường huyết thường xuyên. Người bệnh cũng nên chú ý vì tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn sẽ làm giảm hiệu quả của các loại thuốc trị bệnh tiểu đường.
Theo một nghiên cứu gần đây cho biết: phụ nữ uống vừa phải và có kiểm soát sẽ ít bị bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn những người không uống. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn có một số hạn chế vì chúng có thể làm thay đổi nhận thức của người dùng về các tác động của rượu, bia. Đối với người bị tiểu đường, tốt nhất họ nên cẩn trọng và tuân theo chế độ được khuyến nghị.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những ảnh hưởng của rượu bia đến bệnh tiểu đường
- Người bị tiểu đường có phải hạn chế chất cồn không?
- Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?