Chăm sóc sau đái tháo đường thai kỳ vô cùng quan trọng, bởi vì vài ngày, vài tuần, vài tháng sau sinh là thời gian rất vất vả cho người mẹ. Chẳng những thế, những thay đổi về tâm lý và sức khỏe trong giai đoạn này cũng làm người bệnh rất mệt mỏi, làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
Một phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ lần đầu có nguy cơ sẽ bị lần thứ hai khi tiếp tục mang thai và tăng nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 về sau. Kiểm soát cân nặng sau sinh có thể làm giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ tái diễn.
Hơn 90% phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có mức đường huyết trở về bình thường sau khi sinh. Chỉ một số ít trường hợp gặp vấn đề với đường huyết. Do đó, xét nghiệm máu đo đường huyết sau sinh 6 – 8 tuần để kiểm tra lại là rất quan trọng.
Một vài ngày, vài tuần, vài tháng sau sinh là thời gian rất vất vả cho người mẹ. Chẳng những thế, những thay đổi về tâm lý và sức khỏe trong giai đoạn này cũng làm người bệnh rất mệt mỏi, làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Không thể kết tội đái tháo đường làm tăng nguy cơ trầm cảm trên phụ nữ sau sinh nhưng có một vài thống kê cho thấy nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn ở nhóm phụ nữ đái tháo đường.
Những nguy cơ nào người mẹ đái tháo đường thai kỳ gặp phải sau sinh?
Một tỷ lệ nhỏ thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có đường huyết vẫn cao sau khi sinh. Có những nguy cơ về lâu dài mà người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nên biết:
♦ Đái tháo đường típ 2: Đây là thể bệnh đái tháo đường phổ biến nhất. Sau khi bị đái tháo đường thai kỳ, bạn có nguy cơ cao bị đái tháo đường típ 2. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả phụ nữ từng bị đái tháo đường thai kỳ cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose sau sinh 6 tuần và lặp lại mỗi ba năm sau khi sinh nếu các xét nghiệm trước đó bình thường.
♦ Đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai sau đó: Những bà mẹ không thể kiểm soát được cân nặng sau sinh có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai kế tiếp và đái tháo đường típ 2 sau này.
♦ Trầm cảm: Những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh so với người không bị đái tháo đường.
Làm thế nào để giảm các yếu tố nguy cơ sau sinh?
Biết được các nguy cơ người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể mắc phải là bước đầu tiên. Bước thứ hai là thực hiện các biện pháp có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ này:
√ Nhận biết các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh: Tâm trạng buồn bã và giận dữ là dấu hiệu bất thường trong những tuần đầu sau sinh. Ngoài ra, khi có các rối loạn khác như khó ngủ, mệt mỏi, kiệt sức, chán ăn, lo lắng liên tục hoặc có ý nghĩ tự làm hại bản thân bạn hoặc bé, bạn cần được bác sĩ giúp đỡ. Trầm cảm sau sinh có thể điều trị được.
√ Tiếp tục theo dõi sức khỏe định kỳ: Bạn có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 sau này. Do đó, hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
√ Có chế độ ăn lành mạnh và tăng cường tập thể dục: Ăn nhiều rau xanh, chất xơ và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể cải thiện cân nặng và sự đề kháng insulin.
√ Cho con bú sữa mẹ: Đây là cách có thể làm giảm nguy cơ bé bị béo phì khi trưởng thành. Cho con bú sữa mẹ còn giúp bạn giảm cân và thắt chặt tình mẹ con.
Quãng thời gian ngay sau sinh bạn có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề nhưng cũng là thời điểm bắt đầu thiết lập những thói quen sinh hoạt tốt, có ích cho sức khỏe. Thay đổi lối sống và thói quen là việc rất khó khăn và dễ bị trì hoãn, bạn nên tận dụng sự quyết tâm trong giai đoạn này để thay đổi nếp sống cũ, làm quen với thói quen ăn uống và vận động tích cực.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Loại sữa nào tốt cho mẹ bầu khi bị đái tháo đường thai kỳ?
- Đái tháo đường thai kỳ nên ăn trái cây gì?
- 11 sự thật về đái tháo đường thai kỳ mẹ không nên nghe theo