Block nhĩ thất là tình trạng hệ thống dẫn truyền xung điện trong tim từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị rối loạn. Block nhĩ thất được phân thành 3 cấp độ khác nhau, trong đó block nhĩ thất cấp 1 là thể nhẹ nhất. Vậy block nhĩ thất độ 1 có nguy hiểm không?
1. Sinh lý điện học bình thường của tim và điện tâm đồ
Tim là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, hoạt động như một cái bơm, vừa hút máu nghèo oxy về trao đổi ở phổi, vừa bơm máu giàu oxy đến cung cấp cho hoạt động của các cơ quan khác.
Để làm việc một cách hiệu quả, tim cần hoạt động theo một cơ chế dẫn truyền điện học nhịp nhàng từ nút xoang, tâm nhĩ cho đến tâm thất , thông qua các nút phát nhịp và hệ thống dẫn truyền xung điện của các sợi cơ tim.
Ở người bình thường, nút xoang là nơi phát xung điện đầu tiên và dẫn truyền đi qua tâm nhĩ . Khi đó, hình ảnh biểu hiện trên điện tâm đồ là hình ảnh của sóng P. Sau đó, xung điện từ tâm nhĩ truyền xuống tâm thất thông qua nút nhĩ thất.
Tiếp theo, xung điện được dẫn truyền qua hết tâm thất thông qua hệ thống His và sợi Purkinje, biểu hiện trên điện tim bằng phức bộ QRS. Cuối cùng, các sợi cơ tim sẽ tái cực để bắt đầu một chu kỳ mới và điện tâm đồ sẽ ghi nhận được hình ảnh sóng T.
2. Block nhĩ thất độ 1 là gì?
Block nhĩ thất là tình trạng hệ thống dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị gián đoạn, khiến tim đập chậm hơn bình thường hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn. Trong đó, block nhĩ thất độ 1 là việc xung điện vẫn dẫn truyền từ tâm nhĩ, qua nút nhĩ thất và xuống được đến tâm thất, tuy nhiên lúc này thời gian dẫn truyền chậm hơn bình thường.
Tiêu chuẩn trên điện tâm đồ của block nhĩ thất cấp 1 là khoảng PR (hoặc PQ) > 0.2 giây (5 ô nhỏ trên điện tâm đồ). Block được xem là rõ ràng nhất khi khoảng PR > 0.3 giây và đôi khi sóng P sẽ xuất hiện ẩn trong sóng T của chu kỳ trước.
3. Nguyên nhân gây block nhĩ thất độ 1
Có rất nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến việc dẫn truyền xung điện qua nút nhĩ thất và gây nên block nhĩ thất cấp 1 . Một số nguyên nhân hay gặp bao gồm:
- Bẩm sinh hoặc quá trình thoái hóa do tuổi cao.
- Cơ tim bị tổn thương do phẫu thuật, sau nhồi máu cơ tim hoặc do các bệnh lý tim mạch khác.
- Nhược năng tuyến giáp làm sụt giảm hormon giáp trong cơ thể.
- Rối loạn cân bằng điện giải , đặc biệt là sự thiếu hụt kali máu.
- Viêm hoặc nhiễm trùng cơ tim.
- Bệnh thấp tim , thấp khớp.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim.
- Một số ít là do di truyền
Bên cạnh đó, một nhóm đối tượng cũng dễ hình thành nên block nhĩ thất độ 1 chính là các vận động viên chuyên nghiệp, do tập luyện nên nhịp tim họ thường chậm hơn bình thường. Tuy nhiên, điều này được xem là bình thường và ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm.
4. Triệu chứng của block nhĩ thất cấp 1 là gì?
Đa số các bệnh nhân mắc bệnh block nhĩ thất độ 1 thường không có bất kỳ một triệu chứng nào đặc biệt. Việc phát hiện bệnh chỉ là tình cờ được đo điện tâm đồ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc phát hiện khi bệnh nhân nhập viện vì một bệnh lý khác.
Một số ít trường hợp khi block nhĩ thất cấp 1 làm tim đập chậm hơn bình thường (dưới 60 lần/phút) thì bệnh nhân đôi khi có cảm giác chóng mặt , choáng váng khi hoạt động, làm việc gắng sức do lượng máu cung cấp cho não bộ không đủ.
5. Block nhĩ thất độ 1 có nguy hiểm không?
Block nhĩ thất độ 1 là thể bệnh nhẹ nhất, chưa gây ra bất kỳ triệu chứng nào và cũng không ảnh hưởng đến huyết động của người bệnh, do đó chưa gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe bệnh nhân.
Tuy nhiên theo diễn tiến thời gian, block nhĩ thất cấp 1 hoàn toàn có thể diễn tiến thành các cấp độ nặng hơn như độ 2, độ 3 và khi đó sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe tim mạch của người bệnh.
Do đó, người bệnh không nên chủ quan, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ, cũng như thực hiện các biện pháp theo dõi, dự phòng để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn là vô cùng quan trọng.
6. Điều trị block nhĩ thất độ 1
Thông thường, đa số các trường hợp block nhĩ thất độ 1 không cần điều trị cụ thể. Bác sĩ chỉ yêu cầu bệnh nhân theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những thay đổi của nhịp tim và điện tâm đồ. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách theo dõi nhịp tim để phát hiện sớm các bất thường của nhịp tim và đến gặp bác sĩ khi cần thiết.
Một số bệnh nhân đã được chẩn đoán block nhĩ thất cấp 1 nếu đột ngột cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng hơn.
Bên cạnh những điều trị liên quan đến rối loạn nhịp tim, bệnh nhân block nhĩ thất độ 1 cần được theo dõi và kiểm soát huyết áp hợp lý, không hút thuốc lá , uống rượu bia, chế độ ăn hạn chế tối đa dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh.
Ngoài ra, nên tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày cũng như không làm việc quá nặng nhọc, quá sức để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.