1. Khi nào và tại sao cần dùng thuốc điều trị rung nhĩ?
Đối với nhiều bệnh nhân rung nhĩ , thuốc là cách tốt nhất để điều trị. Thuốc có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông , kiểm soát nhịp tim, đồng thời làm giảm nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ .
Trong một số trường hợp, nếu bệnh nhân bị rung nhĩ trước đó chưa được điều trị thì bác sĩ có thể làm nhịp tim trở lại bình thường bằng một số loại thuốc (chuyển nhịp bằng thuốc).
2. Thuốc chống đông điều trị rung nhĩ
Vì rung nhĩ làm cho nhịp tim của bạn không đều, máu có thể đọng lại trong tâm nhĩ dẫn đến hình thành các cục máu đông, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do cục máu đông di chuyển gây tắc mạch não.
Thuốc chống đông máu là loại thuốc giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ. Bác sĩ có thể kê cho bạn 1 loại thuốc chống đông để giảm đột quỵ. Phổ biến nhất là Warfarin hoặc Sintrom, Previscan...(thuốc chống đông nhóm kháng Vitamin K). Mặc dù thuốc có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ, tuy nhiên bạn phải xét nghiệm chức năng đông máu thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của mình.
Nếu bạn cần thực hiện 1 thủ thuật chảy máu nào đó như nha khoa, phẫu thuật, tiểu phẫu...thì cần phải báo cho bác sĩ biết bạn đang dùng thuốc chống đông trước khi thực hiện.
Một số loại thực phẩm có thể làm giảm tác dụng thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K như: Rau diếp, rau bina và các loại rau cải...cần lưu ý khi sử dụng.
Hiện nay, các thuốc chống đông thế hệ mới bao gồm apixaban (Eliquis), dagatran (Pradaxa) hoặc rivaroxaban (Xarelto) cũng giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Các thuốc này không cần theo dõi xét nghiệm máu thường xuyên và chế độ ăn uống cũng ít ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gặp vấn đề về chảy máu như đối với nhóm thuốc kháng vitamin K.
3. Thuốc làm chậm nhịp tim
Khi tim của bạn đập quá nhanh bạn thường có cảm giác mệt mỏi, hụt hơi, thiếu sức sống thì thuốc có thể giúp tim đập chậm lại. Tần số tim < 100 nhịp/phút có thể giúp bạn có cảm giác dễ chịu hơn.
Phác đồ điều trị rung nhĩ thường là thuốc chẹn beta (Concor, Betaloc, Nebilet, Dilatrend...) hoặc chẹn kênh canxi (Tildiem, Isoptine ...) tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và các bệnh lý kèm theo.
4. Chuyển nhịp về nhịp tim bình thường – Nhịp xoang
Một số trường hợp bệnh nhân rung nhĩ cần được sốc điện chuyển nhịp để đưa nhịp tim về nhịp xoang.
Phác đồ điều trị rung nhĩ này được thực hiện khi bệnh nhân có gây mê nhẹ, bác sĩ dùng miếng dán hoặc điện cực máy sốc điện đặt ở phía trên xương ức và ở mỏm tim, sau đó tiến hành sốc nhẹ để thiết lập lại nhịp xoang.
Bác sĩ có thể cần siêu âm tim qua thực quản trước khi sốc điện (sau khi bệnh nhân được gây mê) để xác định không có cục máu đông trong tim. Nếu có cục máu đông trong tim, bác sĩ có thể kê thuốc chống đông sử dụng trong vài tuần và xét sốc điện lại sau.
Khoảng 50% bệnh nhân sau khi sốc điện bị tái phát rung nhĩ, vì vậy bác sĩ thường kê đơn thuốc chống loạn nhịp tim để giúp duy trì nhịp xoang đều đặn cho tim. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến tái khám thường xuyên vì các thuốc chống loạn nhịp tim có thể gây tác dụng phụ bao gồm cả nguy cơ gây rối loạn nhịp tim.
5. Điều trị triệt để rung nhĩ bằng can thiệp triệt đốt qua ống thông
Khi thuốc và sốc điện không hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất 1 phác đồ điều trị rung nhĩ khác gọi là triệt đốt qua đường ống thông. Trong khi bạn đang dùng thuốc an thần, bác sĩ sẽ đưa 1 ống thông từ tĩnh mạch ở đùi của bạn đi lên tim, sau đó bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng để phá hủy mổ ở đó (xung quanh các tĩnh mạch phổi) bằng cách làm nóng (RF) hoặc đông lạnh (Cryo).
Một số trường hợp bạn cần thực hiện thủ thuật nhiều hơn 1 lần, hoặc bạn cần cấy thêm một máy tạo nhịp tim . Nếu thủ thuật thành công bạn sẽ khỏi hẳn rung nhĩ.
6. Phẫu thuật tim
Nếu thuốc và các thủ thuật triệt đốt không điều trị được hoàn toàn rung nhĩ hoặc nếu bạn có một số vấn đề về tim khác như: Bệnh van tim , bệnh mạch vành ...thì bác sĩ có thể đề nghị thực hiện phẫu thuật Maze. Hiểu 1 cách đơn giản, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành nhiều nhát cắt chính xác ở tâm nhĩ của bạn để cắt đứt các tín hiệu dẫn truyền bất thường, giúp nhịp tim trở lại bình thường.
Phác đồ điều trị rung nhĩ này thường là lựa chọn cuối cùng cho bệnh nhân bị rung nhĩ gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim.
7. Thay đổi lối sống
Bất kể bạn điều trị rung nhĩ như thế nào thì việc thay đổi những thói quen hàng ngày cũng có thể giúp ích rất nhiều cho trái tim. Một lối sống sinh hoạt lành mạnh cho tim chính là:
- Cắt giảm lượng caffeine nạp vào cơ thể (một số người nhận thấy rằng cà phê, nước tăng lực, trà làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn);
- Kiểm tra các thuốc điều trị nghẹt mũi, sổ mũi xem có thành phần thuốc gây co mạch không;
- Hạn chế uống rượu;
- Tập thể dục thường xuyên ;
- Bỏ thuốc lá;
- Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn bất kỳ khi nào nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.