1. Nhịp nhanh thất là gì?
Nhịp nhanh thất là tình trạng rối loạn nhịp tim khi tim đập quá nhanh và không được bơm đầy máu. Nhịp nhanh thất được chẩn đoán xác định khi có nhiều hơn 3 nhịp thất liên tiếp với tần số tim lớn hơn 120 lần/phút. Một số chuyên gia đề xuất sử dụng mốc lớn hơn 100 nhịp/phút để chẩn đoán nhịp nhanh thất. Bên cạnh đó người bệnh sẽ có thể có những biểu hiện lâm sàng như rối loạn huyết động hay huyết động không ổn định.
Triệu chứng nhịp nhanh thất phụ thuộc vào thời gian cơn và rất khác nhau. Do tâm thất chịu trách nhiệm chính bơm máu đi khắp cơ thể, nên rối loạn nhịp thất thường gây nên triệu chứng so với các rối loạn nhịp khác, từ không có triệu chứng cho đến đánh trống ngực , rối loạn huyết động. Đặc biệt là cơn nhịp nhanh thất kéo dài sẽ luôn có triệu chứng, đây là một tình huống cần được cấp cứu vì có thể chuyển thành rung thất, thậm chí là đột tử.
Hầu hết các bệnh nhân nhịp nhanh thất đều có bệnh tim thực tổn đặc biệt là bệnh cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim . Những yếu tố góp phần gây cơn nhịp nhanh thất như rối loạn điện giải , rối loạn kiềm toan, giảm oxy huyết và tác dụng phụ của một số loại thuốc. Nhịp nhanh thất được phân thành nhiều loại bao gồm:
- Nhịp nhanh thất đơn dạng: do một ổ ngoại lai hoặc một vòng vào lại cơn độc phát nhịp.
- Nhịp nhanh thất đa dạng: do nhiều ổ ngoại vi hay nhiều vòng vào lại khác nhau phát nhịp.
- Nhịp nhanh thất không bền bỉ: thời gian dưới 30 giây.
- Nhịp nhanh thất kéo dài: thời gian thường kéo dài trên 30 giây.
2. Nhịp nhanh thất kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng
Nhịp nhanh thất kéo dài luôn luôn xuất hiện triệu chứng đánh trống ngực, rối loạn huyết động hoặc đột tử. Đây là một tình trạng cần được cấp cứu vì có thể chuyển thành rung thất thậm chí dẫn tới tử vong. Theo một nghiên cứu trên 157 bệnh nhân về cơ chế đột tử do tim, thì rung thất có nguy cơ tử vong cao nhất lên tới 62,4%. Đa số bệnh nhân có nhịp nhanh thất thường đi kèm với các bệnh lý tim mạch , theo một thống kê cho thấy nhanh thất ở bệnh nhân bệnh mạch vành có tỷ lệ như sau:
- Nhanh thất không bền bỉ chiếm 67%
- Nhanh thất kéo dài 3,5%
- Rung thất 4,1%
- Nhanh thất có kèm rung thất chiếm 2,7%
Theo đó, tỷ lệ tỷ vong là:
- Nhanh thất: 18,6%
- Nhanh thất kèm rung thất: 44%
- Tử vong sau một năm: 7%
- Không do loạn nhịp thất 3%
Ngoài ra, việc chẩn đoán có thể nhầm lẫn vì một số bệnh nhân có nhịp nhanh thất nhưng dung nạp tốt sẽ dẫn tới kết luận cơn tim nhanh có nguồn gốc trên thất. Và việc sử dụng một số thuốc cắt cơn tim nhanh trên thất ở bệnh nhân nhịp nhanh thất có thể làm nặng lên tình trạng bệnh và dẫn tới rối loạn huyết động, thậm chí là tử vong. Do đó, chẩn đoán nhịp nhanh thất cần dựa trên các dấu hiệu trên điện tâm đồ ECG khi có:
- Dấu hiệu phân ly nhĩ thất
- Nhát bắt được thất
- Nhát bóp hỗn hợp
- Hình thái phức bộ QRS đồng hướng dương hoặc đồng hướng âm ở các chuyển đạo trước tim với sóng T đảo ngược
- Trục điện tim vô định
Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý chẩn đoán phân biệt với nhịp nhanh trên thất kèm theo block nhánh hoặc dẫn truyền thông qua đường dẫn truyền phụ.
Nhịp nhanh thất kéo dài nếu không được can thiệp có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, mục tiêu chính của quá trình điều trị dài hạn là ngăn ngừa đột tử cho người bệnh, thay vì ngăn chặn cơn loạn nhịp. Tuy nhiên, quyết định điều trị cho bệnh nhân thường phức tạp và phụ thuộc vào xác suất ước tính của những cơn nhịp nhanh thất đe dọa tính mạng và mức độ nghiêm trọng của những bệnh lý tim thực tổn kèm theo.
Tóm lại, nhịp nhanh thất kéo dài luôn xuất hiện triệu chứng lâm sàng như đánh trống ngực, rối loạn huyết động. Đây là một tình huống cần được cấp cứu kịp thời vì có thể chuyển thành rung thất hoặc thậm chí ngừng tim .