Thưa Giáo sư, mổ tim là một đại phẫu phức tạp trong y khoa. Vậy những trường hợp nào bắt buộc phải mổ?
Các trường hợp hẹp, hở van tim nặng , mức độ hở từ 3/4 - 4/4 hoặc hẹp với diện tích lỗ van < 1.5 cm2, có kèm theo triệu chứng cơ năng của suy tim, không đáp ứng điều trị nội khoa, thì cần phải phẫu thuật. Các bệnh lý mạch vành phức tạp không thể nong đặt stent, các bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ em và người lớn, các bệnh tim mắc phải có triệu chứng hoăc tổn thương nặng... đều cần phải phẫu thuât.
Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi mổ tim, thưa Giáo sư?
Những điều cần chuẩn bị để ca phẫu thuật đạt kết quả tốt nhất bao gồm: Tài chính; Thông báo với bác sĩ các bệnh lý từng mắc phải, tình trạng dị ứng (nếu có); Nhịn ăn uống theo đúng hướng dẫn của bác sỹ; Chuẩn bị tâm lý tốt và một số lưu ý khác sẽ được bác sĩ thông báo trước khi phẫu thuật.
Thưa Giáo sư, làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cho một ca mổ tim?
Phẫu thuật mổ tim là một trong những phẫu thuật phức tạp nhất trong điều trị bệnh lý tim mạch.
Để hạn chế các biến chứng khi mổ tim như nhiễm trùng, loạn nhịp, sự cố gây mê... ngoài đòi hỏi tay nghề bác sĩ và hệ thống trang thiết bị hiện đại thì kỹ thuật gây tê là rất quan trọng. Một số bệnh viện lớn đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến để giảm tác dụng phụ và biến chứng cho bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân tim mạch đã lựa chọn ra nước ngoài điều trị, Giáo sư nhận định như thế nào về việc này?
Theo tôi, người bệnh phải ra nước ngoài điều trị là do bệnh nhân chưa tin tưởng vào tay nghề/ trang thiết bị/ cơ sở vật chất tại Việt Nam. Nhiều gia đình đưa người thân ra nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản... để phẫu thuật dù chi phí có thể cao hơn 20 lần so với trong nước (khoảng 700 - 800 triệu/ca). Tuy nhiên thực tế kỹ thuật can thiệp đặt stent mạch vành , thay van động mạch chủ tại Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc, đạt tiêu chuẩn thế giới và không kém các nước trong khu vực.
Chi phí cho các ca mổ tim có phải là một trong những rào cản với bệnh nhân không, thưa Giáo sư?
Hơn 30 năm đồng hành cùng với bệnh nhân tim mạch, tôi thấy người bệnh luôn thường trực nỗi lo kép: Điều trị có an toàn, khỏi bệnh không và chi phí có quá lớn không?
Chi phí một ca can thiệp thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) từ 600 – 900 triệu đồng, đặt stent mạch vành từ 70 – 120 triệu đồng; mổ tim từ 80 triệu – 300 triệu đồng tùy mức độ bệnh... Đặc biệt là khi phải điều trị cấp cứu thì không phải ai cũng có thể “xoay xở” được một khoản tiền lớn ngay. Điều đó có thể là rào cản khiến người bệnh không được điều trị trong khung thời gian “vàng” để đạt hiệu quả tối ưu.
Xin cảm ơn bác sĩ!