Tin tức

Điều trị các chấn thương tim

Chấn thương tim được đánh giá là tổn thương nghiêm trọng với nguy cơ tử vong cao. Thực tế chấn thương tim rất ít gặp trên lâm sàng vì đa phần người gặp nạn đều tử vong ngay sau đó. Chỉ có một số chấn thương vỡ tim nhỏ hoặc dập tim bệnh nhân mới có cơ hội sống sót nếu được đưa đi cứu chữa kịp thời.

1. Những điều cần biết về chấn thương tim

Tim là cơ quan quan trọng bậc nhất trong cơ thể người với chức năng đưa máu và oxy đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Tim nằm trong lồng ngực và được bao bọc bởi khung xương sườn , xương ức và cột sống, có thể nói tim được bao quanh bởi bức tường xương vô cùng kiên cố. Để tạo thành chấn thương tim, các chuyên gia y học đánh giá phải có một lực cực lớn tác động vào lồng ngực mới gây ra được.

Chấn thương tim có thể gặp trong các chấn thương ngực, tuy hiên tỉ lệ xuất hiện rất hiếm. Tổn thương có thể đi từ rất nhẹ là tụ máu màng tim, đụng giập cơ tim, rách vỡ các buồng và cấu trúc cơ tim, đứt rời cuống tim.

Nguyên nhân gây chấn thương tim thường là các chấn thương mạch và đột ngột vào vùng xương ức, trong tai nạn giao thông, ngã cao hoặc lao động. Cơ chế chấn thương bao gồm sự giảm tốc đột ngột khi buồng tim đang căng máu gây vỡ các điểm yếu trên thành cơ tim và các sang chấn trực tiếp đè ép vào vùng xương ức gây tụ máu, dập tim, đứt các van tim hoặc cuống tim. Đa phần các chấn thương tim đều tử vong ngay sau đó, chỉ có các thương tổn nhỏ bệnh nhân mới chịu đựng được để đi cấp cứu chữa trị.

Chấn thương tim được đánh giá là tổn thương nghiêm trọng với nguy cơ tử vong cao

2. Các dấu hiệu nhận biết chấn thương tim

Tùy vào từng loại chấn thương, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện đặc thù khác nhau. Nhưng nhìn chung đa phần bệnh nhân chấn thương tim đều có các biểu hiện liên quan đến các hội chứng hay triệu chứng của tuần hoàn, hô hấp. Tuy nhiên mỗi loại chấn thương tim lại có dấu hiệu nhận biết riêng biệt như sau:

  • Dập tim: Người bệnh chấn thương dập tim thường không có các triệu chứng cụ thể, đa phần người bệnh đều có hiện tượng nhịp tim nhanh hơn bình thường. Nếu để lâu hơn chấn thương sẽ tiến triển bất thường dẫn truyền hoặc rối loạn nhịp tim
  • Vỡ tâm thất: Các chấn thương vỡ tim này thường gây tử vong rất nhanh, tuy nhiên một vài trường hợp bị vỡ nhỏ đặc biệt ở tâm thất phải sẽ có biểu hiện chèn ép tim . Trường hợp vỡ tâm nhĩ các biểu hiện chèn ép tim sẽ xuất hiện dần dần.
  • Rách van tim : Chấn thương này sẽ gây ra tiếng thổi tâm thu và các biểu hiện của suy tim tiến triển.
  • Vỡ vách tim : Người bệnh không có biểu hiện ban đầu, tuy nhiên về sau bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng suy tim.
  • Ngưng tim do chấn thương : Chấn thương này xảy ra do một lực tác động đột ngột và nhanh, sinh lý bệnh học không rõ ràng.

Rách van tim sẽ gây ra tiếng thổi tâm thu và biểu hiện suy tim tiến triển

Mặc dù các dấu hiệu trên phần nào giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng chấn thương của người bệnh, nhưng để xác định chính xác nhất các tổn thương do chấn thương tim bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như chụp x-quang, điện tâm đồ, siêu âm, chọc dò màng tim . Tuy nhiên vì tính chất nguy hiểm của chấn thương đặc biệt là các chấn thương vỡ tim, bệnh nhân cần được nhanh chóng chẩn đoán để điều trị kịp thời.

3. Điều trị chấn thương tim

Tùy vào từng trường hợp chấn thương tim, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất đối với người bệnh.

Chấn thương vỡ tim : Điều trị phẫu thuật là điều bắt buộc phải thực hiện trong ca cấp cứu này với phương pháp mổ hở với đường mở dọc giữa xương ức. Nguyên tắc điều trị phẫu thuật như sau:

  • Dẫn lưu màng phổi trước gây mê nội khí quản nếu có tràn máu hoặc tràn khí khoang màng phổi
  • Chuẩn bị hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể và mọi phương tiện cầm máu trước khi mở màng tim phòng trường hợp mất máu.
  • Mở dọc màng tim, lấy bỏ huyết khối và nước máu đồng thời thăm dò tổn thương.
  • Nếu tổn thương đơn giản thì xử lý như vết thương tim, chấn thương vỡ tim ở các mỏm tiểu nhĩ thì phải buộc tiểu nhĩ để cầm máu.
  • Nếu tổn thương phức tạp thì cầm máu tạm thời, lắp đặt tuần hoàn ngoài cơ thể để thăm dò kỹ và xử lý tổn thương.
  • Rửa sạch khoang màng tim, dẫn lưu và đóng xương ngực ức

Bác sĩ dựa vào tình trạng chấn thương tim để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất

Đa phần các chấn thương vỡ tim nếu được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời thì khả năng sống sót lên đến 80% đối với tổn thương vỡ một buồng tim.

  • Đụng dập cơ tim : Bệnh nhân dập tim thường được chỉ định điều trị nội khoa và nghỉ ngơi tại giường, thông khí tốt đảm bảo oxy, bù đủ khối lượng tuần hoàn. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện suy tim hay loạn nhịp tim thì phải điều trị ngay lập tức. Chỉ sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Chấn thương van tim : Các ca chấn thương van tim chủ yếu là điều trị nội khoa chống suy tim. Trường hợp phẫu thuật sửa van hay thay van được chỉ định trong các trường hợp hở van nặng và được thực hiện sau 1 tháng kể từ ngày chấn thương.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper