Tình trạng ngưng tim ngưng thở có thể xảy ra đột ngột và người bị ngưng tim, ngưng thở rất cần được sơ cứu ép tim, thổi ngạt trước khi chuyển vào bệnh viện. Nhưng nếu không thực hiện ép tim đúng cách sẽ dẫn đến gãy xương sườn.
1.Nguyên nhân gây ngừng thở, ngừng tim cần ép tim, thổi ngạt
Nguyên nhân dẫn đến ngừng thở, ngừng tim cần ép tim, thổi ngạt cho nạn nhân bao gồm:
1.1 Nguyên nhân ngoại khoa
Nguyên nhân ngoại khoa bao gồm: Đa chấn thương gây chấn thương sọ não và sốc, ngừng tuần hoàn khi đang phẫu thuật do tai biến gây mê hay do mất máu nhiều gây ra tình trạng thiếu oxy tổ chức.
1.2 Nguyên nhân nội khoa
Do rối loạn nhịp tim cũng như kích thích trực tiếp vào tim, luồn catheter hay dây điện cực vào tim, tắc động mạch vành, dùng các thuốc chữa loạn nhịp tim quá liều, do bệnh nhân uống lợi tiểu, dùng digital không bù kali . Một nguyên nhân khác dẫn đến ngừng thở, ngừng tim là do tai biến mạch máu não .
Ngoài ra, ngừng thở, ngừng tim cũng có thể xay ra do tai nạn, nhiễm độc như bị điện giật, sét đánh, đuối nước hay ngộ độc Aconitin, nọc cóc và tình trạng nhiễm toan trong các bệnh như đái đường do tuỵ, suy thận cũng như tuần hoàn ngoài cơ thể không đảm bảo kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các trường hợp suy hô hấp cấp và thuộc giai đoạn cuối các bệnh cũng có thể dẫn đến ngừng thở, ngừng tim.
2. Dấu hiệu bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim cần ép tim, thổi ngạt
Khi nạn nhân có các dấu hiệu sau thì cần phải tiến hành ép tim, thổi ngạt:
- Nạn nhân nằm bất động, người tím tái.
- Nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở: không nghe tiếng thở của nạn nhân, lồng ngực nạn nhân không di động, khi dùng miếng bông hoặc tờ giấy mỏng đặt lên mũi nạn nhân không thấy di động.
- Không nghe được tiếng tim của nạn nhân cùng với động mạch cảnh hay động mạch cánh tay nạn nhân không đập.
3. Những điều cần lưu ý khi ép tim, thổi ngạt
Khi nạn nhân ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành ép tim, thổi ngạt cho nạn nhân đúng cách . Việc sơ cứu sai cách không chỉ khiến việc sơ cứu không hiệu quả mà còn có nguy cơ khiến nạn nhân gặp rủi ro, có trường hợp ép tim gãy xương sườn do người sơ cứu đã dồn sức vào sai vị trí sai.
ThS, BS Võ Quang Huy - Phó Giám đốc của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “ Cần lưu ý nếu chỉ có một mình thì trước hết hãy gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa, tốt nhất là dùng vải, gỗ... chèn để giữ đầu nạn nhân nằm cố định nhằm tránh tổn thương cột sống cổ, tiếp đến mới bắt đầu thực hiện sơ cứu”.
Một yếu tố khác cần lưu ý khi ép tim là vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Với nạn nhân nam thì điểm ép là điểm giao giữa đường thẳng dọc xương ức với đường nối giữa 2 đầu ngực. Với nạn nhân nữ thì phải xác định điểm nằm phía trên phần mỏm mũi kiếm của xương ức rồi ép ở điểm phía trên khoảng 2 khoát ngón tay.
Ép với độ sâu khoảng 4-5 cm và tốc độ 100 - 120 lần/phút. Bạn cần lưu ý bảo đảm ngực nạn nhân đã kịp đàn hồi trở lại giữa 2 lần ép. Bạn có thể ép tim 30 lần và thổi ngạt 2 lần hoặc có thể chỉ ép tim trong trường hợp người thực hiện sơ cứu không rành thổi ngạt hoặc là ngại sơ cứu cho người lạ. Một điểm nữa cần lưu ý là người ép phải dùng sức của cả 2 tay ép theo hướng vuông góc với cơ thể nạn nhân.