1. Những thay đổi của hệ tim mạch khi mang thai
Khi mang thai, tim và mạch máu của phụ nữ có nhiều sự biến đổi, những thay đổi của hệ tim mạch khi mang thai bao gồm:
1.1 Thể tích máu tăng
Cơ thể sẽ tăng 40-50% thể tích máu trong 3 tháng đầu thai kỳ và duy trì mức này trong suốt thời kỳ mang thai. Cung lượng tim sẽ tăng 30-40% tương ứng với mức tăng thể tích máu.
Khi chuyển dạ, cung lượng lại có thể tăng cao hơn trong lúc có các cơn co tử cung , nhưng lại giảm xuống giữa các cơn co. Sau sinh, có hiện tượng tăng cung lượng máu trở về hệ tuần hoàn từ chậu hông, giường mao mạch ở bánh rau và các chi dưới, do tử cung đã trống, hiện tượng chèn ép đã được giải phóng.
1.2 Nhịp tim tăng
Nhịp tim sẽ tăng lên khoảng 10-15 lần/phút so với bình thường.
1.3 Huyết áp giảm
Do sự biến đổi nội tiết tố và tăng lượng máu chạy thẳng đến tử cung, nên ở một số phụ nữ có thai, huyết áp có thể giảm khoảng 10mmHg so với bình thường.
Ngoài ra, thai phụ có thể có tình trạng tăng đông làm tăng nguy cơ huyết khối thuyên tắc.
2. Triệu chứng bệnh tim trong thai kỳ
Những biến đổi của hệ tim mạch sẽ gây các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, phù chân,...đây có thể chỉ là những triệu chứng bình thường, nhưng cũng có thể là triệu chứng nặng lên của bệnh tim ở những sản phụ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc những người khởi phát bệnh tim khi mang thai.
Bệnh tim trong thai kỳ gây đe dọa sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Mặc dù không có tiền sử mắc các bệnh tim mạch nhưng sản phụ không nên chủ quan, nhất là khi thường xuyên có các triệu chứng như:
- Ho ra máu , cảm giác tức ngực, mệt ngực, ngất khi gắng sức do tim bị chèn ép, thay đổi trục.
- Khó thở, khó thở khi nằm, có thể xuất hiện từ tháng thứ 5 của thai kỳ và nặng dần lên theo tuổi thai.
- Ngón tay dùi trống, khum mặt kính đồng hồ, tím tái
- Đau ở bắp chân, chân bị viêm tắc sưng to, đau tăng lên khi sờ vào tĩnh mạch đùi, đây là các dấu hiệu của viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Khi có các triệu chứng trên, sản phụ nên đi kiểm tra chức năng tim mạch, đặc biệt khi bản thân có các yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, béo phì , mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Một số phụ nữ không biết mình mắc bệnh tim, khi mang thai thì triệu chứng bệnh mới biểu hiện rõ. Do đó, tốt nhất là các sản phụ nên đi khám tổng quát, trong đó có khám tim mạch để phát hiện sớm các nguy cơ trước khi quyết định mang thai.
3. Các nguy cơ khi mắc bệnh tim trong thai kỳ
3.1 Nguy cơ đối với thai kỳ
Người mẹ mắc bệnh tim có thể gây thiếu oxy ở dinh dưỡng cho thai nhi. Tùy theo mức độ bệnh và thời điểm của thai kỳ có thể gây các ảnh hưởng khác nhau như:
- Thai suy dinh dưỡng, nhẹ cân so với tuổi thai
- Thai chậm phát triển trong tử cung, suy thai mạn tính
- Dọa sẩy thai, sẩy thai
- Dọa sinh non, sinh non
- Thai chết trong tử cung , thai chết khi chuyển dạ
- Thai có thể bị dị dạng ở những ản phụ bị bệnh tim bẩm sinh có tím.
3.2 Nguy cơ đối với mẹ
Tình trạng thai nghén sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mang thai bị bệnh tim , đặc biệt là càng cuối thai kỳ, gánh nặng cho tim càng tăng lên. Các nguy cơ có thể xảy ra đối với sức khỏe người mẹ là:
- Suy tim cấp , phù phổi cấp
- Thuyên tắc mạch phổi
- Rối loạn nhịp tim
- Thiếu máu trong thai kỳ
- Tắc mạch do huyết khối
- Tăng huyết áp thai kỳ gây tiền sản giật, sản giật
- Đột tử
4. Phụ nữ bị bệnh tim có nên mang thai?
Mang thai và có con là thiên chức và niềm hạnh phúc của người phụ nữ, phụ nữ mắc bệnh tim mạch cũng không ngoại lệ, cũng mong muốn có con và một gia đình bình thường. Tin vui là hầu hết phụ nữ mang thai bị bệnh tim đều có thể sinh ra các em bé khỏe mạnh nếu thai kỳ được chăm sóc và theo dõi hợp lý. Đa số các bệnh tim hiện nay đã có thể điều trị và kiểm soát hiệu quả, với các bệnh tim nhẹ, việc mang thai không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của thai và người mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nếu thuộc một số trường hợp sau đây, phụ nữ không nên mang thai:
- Những người có tăng áp lực động mạch phổi, đặc biệt là bệnh nhân có hội chứng Eisenmenger. Ở nhóm bệnh nhân này, tỉ lệ chết mẹ là khoảng 30%.
- Những phụ nữ có chức năng tim giảm, EF <30%, những bệnh nhân này sẽ không đáp ứng được với sự quá tải thể tích trong thời kỳ mang thai.
- Những người bị giãn động mạch chủ, van động mạch chủ hai lá van,... Nếu động mạch chủ >45mm sẽ có nguy cơ bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ trong thai kỳ.
- Người có rối loạn nhịp tim nặng, tăng huyết áp nặng chưa được kiểm soát tốt.
- Người có bệnh van tim (hẹp van tim, hở van tim) chưa được điều trị triệt để. Đặc biệt, những người bị hẹp van động mạch chủ, không có khả năng duy trì cung lượng tim bình thường.
Những phụ nữ mắc bệnh tim trong thai kỳ , cần được bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong suốt quá trình mang thai. Ở những phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh , con của họ khi sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những đứa trẻ khác.
Những trường hợp này, bác sĩ tim mạch có thể làm siêu âm tim vào khoảng tuần thứ 10 của thai kỳ để kiểm tra thai nhi có bị tổn thương tim hay không để có hướng xử lý phù hợp.
Trong suốt thai kỳ, sản phụ phải thực hiện đúng các hướng dẫn của bác sĩ, chế độ ăn phù hợp để không tăng cân quá mức, ăn ít muối (<2g/ngày), cần nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động thể lực, nằm nghỉ ngơi nghiêng bên trái ít nhất 1 giờ/ngày, tránh thiếu máu,tái khám đúng hẹn, khi bản thân có các triệu chứng bất thường, phải lập tức tới các cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và can thiệp kịp thời.
5. Phụ nữ bị bệnh tim cần làm gì khi dự định mang thai?
Tất cả mọi phụ nữ dự định mang thai cần khám chuyên khoa tim mạch, đặc biệt là các phụ nữ đã có bệnh lý tim mạch. Bác sĩ sẽ thăm khám thực thể và chỉ định một số thăm dò cận lâm sàng để đánh giá mức độ bệnh, từ đó sẽ tư vấn cho bệnh nhân mang thai có an toàn hay không, trong quá trình mang thai có thể gặp những nguy cơ gì, những loại thuốc cần dùng trước khi mang thai, tầm quan trọng của việc theo dõi sát thai kỳ, các dấu hiệu bệnh nhân đang gặp nguy hiểm trong thai kỳ cũng như khi chuyển dạ... Để giảm thiểu các nguy cơ, những phụ nữ mang thai bị bệnh tim phải được sinh trong một bệnh viện có chuyên khoa tim mạch.