1. Tổn thương động mạch đùi nông
Tổn thương động mạch đùi nông gồm hẹp, tắc động mạch, đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây triệu chứng đau cách hồi . Hẹp hoặc tắc động mạch đùi nông kèm theo tắc các động mạch dưới gối (chày trước, thân chày mác, chày sau) có thể dẫn đến thiếu máu chi dưới trầm trọng và các biểu hiện của mất tổ chức như loét lâu liền, hoại tử chi, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến phải cắt cụt chi.
Phân loại tổn thương động mạch đùi nông theo Hội nghị đồng thuận liên Đại Tây Dương TASC II:
- TASC A: Hẹp đơn độc động mạch đùi nông hoặc động mạch khoeo dưới 3cm
- TASC B:
- Hẹp đơn độc từ 3-10cm chiều dài, không lan tới đoạn xa động mạch khoeo
- Hẹp kèm theo vôi hóa nặng trên 3cm chiều dài
- Hẹp hoặc tắc nhiều vị trí, mỗi vị trí dài dưới 3cm
- Hẹp đơn độc hoặc nhiều vị trí, mất liên tục với động mạch chày
- TASC C:
- Hẹp đơn độc hoặc tắc nghẽn dài trên 5cm
- Hẹp hoặc tắc ở nhiều vị trí, mỗi vị trí dài từ 3-5cm, có hoặc không kèm theo sự vôi hóa nặng nề.
- TASC D: Tắc hoàn toàn động mạch đùi chung hoặc động mạch đùi nông, hoặc tắc hoàn toàn động mạch khoeo tới tận vị trí chia ra thân chày mác.
2. Kỹ thuật can thiệp động mạch đùi nông
Can thiệp nội mạch tái thông động mạch đùi nông được tiến hành lần đầu tiên năm 1964. Sau này, kỹ thuật nong bóng tạo hình lòng mạch được phát triển, kỹ thuật này giúp phá bỏ lớp xơ vữa và cải thiện diện tích mạch máu. Tuy nhiên, nong bóng đơn thuần có nguy cơ gây bóc tách nội mạc mạch máu và cản trở dòng chảy. Ngoài ra, với các tổn thương lan toả kéo dài, tổn thương vôi hoá, có hiện tượng tái hẹp (recoil) ngay sau nong bóng. Biện pháp khắc phục trong các trường hợp này là đặt stent.
Chỉ định can thiệp động mạch đùi nông ở bệnh nhân có đau cách hồi từ mức độ trung bình đến nặng, nhất là khi thiếu máu chi khi nghỉ và mất tổ chức mô. Tổn thương động mạch đùi nông thường đi kèm hẹp tắc các tầng mạch khác, nhất là tầng dưới gối. Do vậy đôi khi tái thông động mạch đùi nông chưa thể cải thiện ngay lập tức triệu chứng cho người bệnh.
Khi đã có chỉ định tái tưới máu mạch chi, lựa chọn hướng điều trị dựa theo phân loại của TASC II. Phần lớn các trường hợp tổn thương TASC A và B được can thiệp qua đường ống thông. TASC C có thể can thiệp qua da hoặc phẫu thuật. Tổn thương TASC D thường được chỉ định phẫu thuật làm cầu nối. Nếu bệnh nhân không thể phẫu thuật (do đặc điểm giải phẫu tổn thương hoặc các bệnh lý nội khoa kèm theo), có thể xem xét tái tưới máu qua da hoặc điều trị nội khoa. Chỉ định cắt cụt chi ở những bệnh nhân thiếu máu chi trầm trọng không thể tái tưới máu. Cắt cụt chi có thể làm giảm triệu chứng đau và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc ở các bệnh nhân có loét, hoại tử chi nặng, mất tổ chức nhiều.
3. Kỹ thuật can thiệp động mạch đùi nông được tiến hành như thế nào?
3.1 Mở đường vào mạch máu
Đường vào thường được lựa chọn là động mạch đùi chung, một số trường hợp có thể sử dụng động mạch cánh tay. Nếu can thiệp xuôi dòng thất bại, có thể mở đường vào động mạch khoeo, động mạch chày trước, hoặc động mạch mu chân để can thiệp ngược dòng. Tốt nhất là chọc mạch dưới hướng dẫn siêu âm Doppler .
3.2 Chụp động mạch đùi
Ống thông được đưa vào động mạch đùi chung bên tổn thương để chụp mạch. Kỹ thuật chụp mạch được sử dụng là chụp mã hoá xoá nền (DSA), giúp cung cấp hình ảnh với độ phân giải cao hơn và xoá bỏ các phần không liên quan đến mạch máu (xương, phần mềm), giúp bộc lộ tổn thương tốt hơn.
3.3 Đưa dây dẫn (guidewire) qua tổn thương
Có hai kỹ thuật chính để đưa dây dẫn qua tổn thương động mạch đùi nông là can thiệp trong lòng mạch và can thiệp dưới nội mạc. Can thiệp trong lòng mạch là kỹ thuật được ưu tiên sử dụng trước. Ưu điểm của kỹ thuật này là bảo tồn mạch máu và các nhánh bên, ít gây bóc tách thành mạch. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gặp nhiều khó khăn nếu tổn thương tắc nghẽn lâu ngày, tổn thương vôi hoá, đồng thời tăng nguy cơ bong mảng xơ vữa và huyết khối gây tắc mạch đoạn xa. Biện pháp thay thế khi kỹ thuật trong lòng mạch thất bại là can thiệp dưới nội mạc.
3.4 Nong bóng
Bóng nong là loại bóng áp lực cao, áp lực bơm bóng có thể tăng lên rất cao mà kích cỡ bóng không nở ra quá nhiều. Nhờ đó có thể phục hồi diện tích lòng mạch đồng thời giảm nguy cơ gây tổn thương thành mạch máu. Hiện nay, kỹ thuật can thiệp động mạch đùi nông phổ biến nhất là nong bóng trước, sau đó đặt stent nếu cần thiết.
Ưu điểm của nong bóng là thủ thuật thực hiện đơn giản, chi phí thấp, nong bóng giúp bảo vệ các nhánh bên và tuần hoàn bàng hệ trong khi vẫn đảm bảo tưới máu chi dưới, tránh được việc phải đặt thiết bị ngoại lai trong lòng mạch, từ đó giảm nguy cơ hình thành huyết khối và tăng sản lớp nội mạc. So với đặt stent thì nếu có tái hẹp sau nong bóng, vẫn có thể tiến hành phẫu thuật làm cầu nối hoặc can thiệp qua da, điều này khó thực hiện nếu đặt stent.
Đặt stent động mạch đùi nông cũng có những ưu điểm như tránh biến chứng sớm (hẹp mạch máu tồn dư, bóc tách mạch máu sau nong bóng). Tuy nhiên, khuyết điểm của kỹ thuật này là stent đặt ở động mạch đùi dễ bị đứt gãy, nứt mắt do động mạch đùi nông chịu rất nhiều lực tác động trong quá trình các cơ vùng đùi làm việc. Hiện nay, các stent thế hệ mới, với thiết kế và vật liệu tốt hơn, đã giảm được một phần nguy cơ này.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy bóng phủ thuốc và stent phủ thuốc hiệu quả hơn nong bóng và đặt stent thường. Bóng phủ thuốc giảm chi phí điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tóm lại, can thiệp động mạch đùi nông là một phương pháp điều trị hiệu quả trong các trường hợp tổn thương tắc, hẹp động mạch đùi nông , đặc biệt ở những bệnh nhân có đau cách hồi hoặc thiếu máu chi trầm trọng. Thủ thuật bao gồm các bước: mở đường vào mạch máu, chụp động mạch đánh giá chính xác tổn thương, đưa dây dẫn qua tổn thương, nong bóng tạo hình lòng mạch.