Cholesterol vốn là một chất béo nằm trong máu và toàn bộ các loại tế bào khác nhau của cơ thể. Đây là một thành phần quan trọng vì nó là tác nhân chính tạo nên màng tế bào cùng với một số nội tiết tố, đồng thời phục vụ những chức năng quan trọng khác trong cơ thể con người.
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một trong rất nhiều chất được cơ thể tạo ra để góp phần giữ gìn sức khỏe cho cơ thể. Trong đó, một số cholesterol được tạo nên do cơ thể nhưng cũng có một số loại được cung cấp từ nhiều nguồn thức ăn phong phú.
Cholesterol trong cơ thể được chia thành 2 loại chính là “tốt” và “xấu”. Do đó, việc đánh giá chính xác nồng độ của 2 loại cholesterol này trong máu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nếu như có quá nhiều hàm lượng cholesterol của một loại hay không đủ loại cholesterol đều có thể là nguyên nhân đưa đến các bệnh lý như bệnh mạch vành , bệnh lý mạch ngoại biên...
2. Tìm hiểu về nồng độ cholesterol trong máu của bạn?
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã thực hiện một Chương trình Giáo dục Cholesterol cấp Quốc gia cho tất cả mọi người nhằm phát hiện ra cholesterol máu cao. Trong đó, những người có độ tuổi từ 20 tuổi trở lên sẽ được thiết lập một bộ hồ sơ chuyên theo dõi các xét nghiệm “lipid” trong 5 năm.
Xét nghiệm này gồm những chỉ số cholesterol toàn phần (total cholesterol), trong đó có LDL (cholesterol xấu), và HDL (cholesterol tốt), và cuối cùng là triglycerides. Những xét nghiệm này sẽ được thực hiện sau khi bạn đã nhịn ăn 9-12 giờ. Nếu như bạn không thực hiện nhịn ăn trước khi thực hiện các xét nghiệm sẽ khiến cho bác sĩ không thể thực hiện được chính xác về hồ sơ lipid và bạn sẽ được yêu cầu làm lại xét nghiệm.
3. LDL và HDL: Loại Cholesterol nào xấu, loại nào tốt?
Cholesterol là một chất không thể được hòa tan trong máu của con người, và nó cần được vận chuyển bởi một chất vận chuyển có tên gọi là lipoprotein.
Lipoprotein là một chất có vai trò quan trọng trong các quá trình vận chuyển lipid của cơ thể. Lipid là một chất không tan được trong nước, nhưng sau khi chúng kết hợp với protein, thì những phần kị nước sẽ được cuộn vào trong, và đồng thời phần apoprotein tạo thành một lớp vỏ bọc xung quanh, vì vậy nó có thể được sử dụng để vận chuyển chất trong những môi trường dịch thể, chẳng hạn như máu. Lipoprotein với mật độ rất thấp (VLDL) và lipoprotein với mật độ thấp (LDL) là hai loại lipoprotein hoàn toàn khác nhau đã được tìm thấy trong máu.
VLDL và LDL thường khác nhau do tỉ lệ của cholesterol, triglyceride và protein để tạo nên mỗi lipoprotein. Trong đó, VLDL được xác định chứa nhiều triglyceride, còn LDL thì chứa nhiều cholesterol.
VLDL và LDL đều là những loại cholesterol xấu. Dù cơ thể chúng ta cần có cả cholesterol và triglycerid để tham gia hoạt động, nhưng nếu hàm lượng quá nhiều sẽ gây nên sự tích tụ những mảng xơ vữa xuất hiện trong động mạch. Đây có thể trở thành nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh tim và đột quỵ .
Ngoài ra, trong cơ thể chúng ta còn tìm thấy một hàm lượng những cholesterol “tốt” có tên gọi là HDL cholesterol (High-density lipoprotein).
Tất cả các loại cholesterol trên và triglycerides tạo nên cholesterol toàn phần. Chúng đều có thể được xác định bởi những xét nghiệm máu thông thường.
3.1 HDL cholesterol là gì?
Khoảng 1/4- 1/3 cholesterol trong máu được vận chuyển bằng một loại lipoprotein mật độ cao (high-density lipoprotein - HDL).
HDL cholesterol vốn được coi là một loại cholesterol “tốt” vì nồng độ cao của HDL có khả năng bảo vệ và chống lại những cơn đau tim cấp. Nếu như nồng độ của HDL thấp (thấp hơn 40 mg/dL) thì sẽ góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
HDL đã vận chuyển một lượng cholesterol ra khỏi mạch máu và sau đó trở về gan. Nhưng một số giả thuyết lại cho rằng HDL sẽ nhanh chóng di chuyển lượng cholesterol bị dư thừa ra khỏi mảng động mạch một cách từ từ.
3.2 VLDL cholesterol là gì?
VLDL là cholesterol được tạo ra từ trong gan và có nhiệm vụ chính là vận chuyển triglyceride từ mô vào máu. Theo nghiên cứu, nó được tạo nên từ những thành phần chính sau đây (tính theo khối lượng):
- Cholesterol hàm lượng 10%
- Triglyceride hàm lượng 70%
- Protein hàm lượng 10%
- Các chất béo khác với hàm lượng khoảng 10%
Những triglyceride được vận chuyển bởi VLDL sẽ được sử dụng bởi những tế bào của cơ thể có nhiệm vụ tạo ra năng lượng. Nếu như các bữa ăn hàng ngày chứa đựng quá nhiều carbohydrate, đường, các chất béo,... nhiều hơn so với mức mà cơ thể chúng ta cần thiết thì điều đó có thể trở thành nguyên nhân chính dẫn đến hàm lượng triglyceride bị gia tăng quá mức, nồng độ VLDL trong máu cao.
Triglyceride dư thừa sẽ được lưu trữ trong những tế bào mỡ và sau đó được sử dụng nhằm tạo ra năng lượng khi cần.
Mức độ triglyceride cao liên quan đến sự tích tụ những mảng xơ vữa, và đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ khiến chúng ta dễ bị mắc bệnh tim và đột quỵ. Điều này xuất phát từ:
- Gia tăng tình trạng viêm
- Tăng huyết áp ở một số người
- Thay đổi niêm mạc của mạch máu
- Nồng độ của lipoprotein mật độ cao (HDL) bị thấp.
Ngoài ra, triglyceride cao cũng có thể liên quan đến những hội chứng chuyển hóa và các bệnh gan nhiễm mỡ không phải do rượu.
Để giảm thiểu hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể như VLDL và LDL, bạn nên thay đổi lối sống tích cực ngay tại nhà như: sử dụng những loại thực phẩm lành mạnh và tăng cường hoạt động tập thể dục thể thao hàng ngày.
Ngoài ra, không sử dụng thuốc lá, các chất kích thích như rượu bia, ma túy,... cũng góp phần mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Bạn có thể hỏi ý kiến từ các bác sĩ để nhận được những lời khuyên bổ ích về cách để xây dựng lối sống tốt cho sức khỏe của tim mạch, góp phần giảm thiểu hàm lượng cholesterol “xấu” trong cơ thể của chúng ta.