1. Phình động mạch chủ ngực là gì?
Phình động mạch chủ ngực là tình trạng kích thước đường kính ngang của động mạch chủ đo được lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với đường kính của đoạn động mạch phủ còn lại. Phình động mạch chủ ngực thường được chia thành các dạng sau:
- Phình động mạch chủ ngực dạng túi : Với mặt bên của động mạch chủ phồng lên và không đối xứng. Đây là hiện tượng giả phình động mạch chủ do chấn thương hoặc loét xuyên thấu động mạch chủ gây ra;
- Phình động mạch chủ ngực dạng hình thoi : Đây là hiện tượng phình thật vì cả 3 lớp của thành động mạch chủ đều bị tổn thương. Động mạch chủ ngực giãn to bất thường một đoạn dài và có liên quan đến toàn bộ chu vi của thành động mạch chủ;
- Phình động mạch chủ ngực - bụng : Liên quan đến cả hai động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng.
2. Dấu hiệu phình động mạch chủ ngực
Bệnh phình động mạch chủ ngực thường ít có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc chụp X-quang ngực thường quy. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ở bệnh nhân có triệu chứng không điển hình như sau:
- Đau đột ngột vùng trước ngực hoặc sau lưng: Cảm giác đau thường mơ hồ, có thể thấy đau ở vùng cổ và hàm dưới, hoặc đau giữa hai xương bả vai, đau vai trái, hay đau lưng. Khi bị phình tách động mạch chủ ngực thì cơn đau xuất hiện đột ngột như xé vùng trước ngực hoặc sau lưng;
- Khó thở, khó nuốt do bị chèn ép: Khi phình động mạch chủ ngực với mức độ lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc các tạng lân cận, dẫn đến khàn tiếng (do chèn ép thần kinh thanh quản), khó thở, khó nuốt (do chèn ép khí quản, thực quản), phù (do chèn ép tĩnh mạch).
3. Biến chứng và nguy cơ của phình động mạch chủ ngực
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh phình động mạch chủ ngực thường gặp là:
- Xơ vữa động mạch ;
- Hút thuốc lá;
- Cao huyết áp.
Tỷ lệ phát triển phình động mạch chủ ngực trung bình từ 0,42cm - 0,56cm/năm. Khi kích thước đường kính động mạch chủ ngực đo được càng lớn thì nguy cơ vỡ phình càng tăng và dễ dẫn đến tử vong. Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm nhất của bệnh.
Khi chưa vỡ hoàn toàn gây sốc và trụy tim mạch, người bệnh thường có các triệu chứng như: đau đột ngột và nhiều ở vùng ngực, bụng hoặc lưng; mạch đập nhanh, huyết áp không đo được hoặc rất thấp; mất máu khiến da niêm mạc nhợt nhạt; chẩn đoán hình ảnh phát hiện có dịch trong màng phổi hoặc sau phúc mạc. Với trường hợp này, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp, tuy nhiên, tiên lượng bệnh cũng rất khó.
Phình động mạch chủ ngực là bệnh lý không thể phục hồi với biến chứng nặng có thể gây tử vong. Vì vậy cần phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh và xử trí kịp thời, tránh để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.