1. Nội mạc mạch máu là gì?
Động mạch trong cơ thể người gồm 3 lớp: Ngoại mạc, trung mạc và nội mạc. Nội mạc mạch máu là tuyến được hình thành từ một lớp tế bào mỏng phía trong lòng hệ thống thành mạch máu , đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với dòng máu. Các tế bào nội mạc mạch máu có cùng nguồn gốc với tế bào tạo máu và hình thành từ các nguyên bào mạch, các tế bào lưỡng năng. Cụ thể:
- Các tế bào tiền thân được hình thành từ phần bụng của động mạch chủ đoạn lưng, nằm trong vùng trung thận - sinh dục - động mạch chủ.
- Trung bì màng - tạng sẽ chuyển thành các tế bào trung mô và biệt hóa thành các nguyên bào mạch. Nguyên bào mạch sau đó phát triển thành tế bào tiền nội mạc trung gian rồi biệt hóa thành tế bào nội mạc mạch máu hoặc tế bào máu . Tuy nhiên, các tế bào nội mạc mạch máu có thể chuyển thành tế bào trung mô và tế bào cơ trơn nội mạch.
Tế bào nội mạc mạch máu có các đặc điểm giống với tất cả các tế bào của cơ thể người, bào tương, các hạt cơ quan bao quanh một nhân và được bao bọc bởi màng tế bào.
2. Vai trò nội mạc mạch máu
Tế bào nội mạc mạch máu hoạt động giống với các cấu trúc thụ thể – đáp ứng. Tế bào nội mạc mạch máu nhận các kích thích hóa học hoặc sinh lý khác nhau xảy ra bên trong lòng mạch máu , từ đó sẽ điều chỉnh hình dạng mạch máu hoặc có thể sẽ phóng thích những sản phẩm cần thiết nhằm chống lại các tác động của kích thích và duy trì sự hằng định nội môi. Vai trò cụ thể của nội mạc mạch máu như sau:
- Có vai trò vận chuyển: Nội mạc mạch máu được xem là một rào cản đối với sự di chuyển tự do của các tế bào và phân tử từ dòng máu đến tế bào cũng như lớp mô kẽ bên dưới, đồng thời nó đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của các tế bào mô xung quanh. Ngoài ra, chính sự phối hợp chặt chẽ giữa các tế bào nội mạc mạch máu ở những vị trí liên kết đã tạo nên một rào chắn chọn lọc đối với sự ra vào của các phân tử từ dòng máu. Sự vận chuyển bao gồm vận chuyển Glucose (7 thể loại vận chuyển Glucose trong gia đình gen trội protein vận chuyển glucose); vận chuyển amino acid (có nhiều hệ thống vận chuyển amino acid ở tế bào nội mạc mạch máu); vận chuyển qua hốc (đây là hình thức vận chuyển quan trọng chịu trách nhiệm cho việc vận chuyển xuyên tế bào ở các tế bào nội mạc mạch máu); vận chuyển qua các liên kết chặt (là hình thức vận chuyển liên bào quan trọng, tính thấm mạch máu phụ thuộc con đường vận chuyển cận bào cũng như con đường xuyên bào của nội mạc, tuy nhiên hiện tượng phù phát sinh nguyên nhân là do rối loạn chức năng của sự liên kết chặt).
- Nội mạc mạch máu có vai trò điều hòa trương lực mạch máu: Tế bào nội mạc mạch máu sản xuất ra nhiều chất trung gian hóa học, các chất này có tác dụng co hoặc sẽ giãn mạch. Bên cạnh đó, nội mạc mạch máu có vai trò duy trì sự cân bằng giữa các tác nhân gây giãn mạch và co mạch, từ đó sẽ giúp điều hòa trương lực ở mạch máu.
- Có vai trò phòng vệ vật chủ: Tế bào nội mạc mạch máu có vai trò quan trọng trong chiến lược phòng vệ vật chủ và viêm nhiễm. Việc điều phối của đáp ứng viêm và miễn dịch phụ thuộc vào thông tin giữa các tế bào từ các phân tử hòa tan truyền đến các cytokine có chung nguồn gốc, bao gồm các chemokine, yếu tố kích thích dòng, tăng trưởng và các interferon, interleukin (IL). Đây là các protein có trọng lượng thấp phân tử, nó có thể điều hòa cả biên độ và thời gian của đáp ứng viêm nhiễm, miễn dịch.
- Có vai trò cầm máu và đông máu: Thụ thể liên quan đến đông máu trên bề mặt tế bào mạch máu, protein đông máu của vòng tuần hoàn sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ nhằm điều hòa sự đông máu và khởi động đáp ứng đông máu. Các tế bào cơ trơn và nội mạc mạch máu sẽ tiết ra hàng loạt protein để tham gia một cách trực tiếp vào quá trình cầm máu . Tuy nhiên, các thụ thể này khác biệt về cơ chế hoạt hóa, cũng như sự hiện diện của các thụ thể đặc hiệu cho mỗi protein đông máu và các cấu trúc của các yếu tố thúc đẩy gene đích, có thể chứng minh tính đặc hiệu về đáp ứng của các loại tế bào mạch máu với các yếu tố đông máu khác nhau.
Nội mạc mạch máu có chức năng tân sinh mạch: Yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu là một yếu tố sinh mạch, các yếu tố này được sản xuất bởi nhiều tế bào, các tế bào đó gồm tế bào nội mạc mạch máu với các thụ thể chuyên biệt trên nội mạc mạch máu. Bên cạnh đó, sinh mạch là sự hình thành mạch máu mới từ nội mạc có trước qua trung gian VEGF. Trung gian VEGF sẽ quy định nên đáp ứng viêm thông qua kích thích sự phóng thích các phân tử kết dính, NO, metalloproteinase và thông qua yếu tố sao chép AP1.