Bệnh tiểu đường có nguy cơ rất cao gây các biến chứng ở tim, mắt và một số cơ quan khác. Căn bệnh này đòi hỏi bạn phải theo dõi lượng đường trong máu, ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày.
Kiểm soát cân nặng cũng sẽ là một “chìa khóa” để giúp bạn kiểm soát được bệnh tiểu đường tuýp 2. Bởi vì, giảm cân có thể giúp cải thiện độ nhạy cảm với insulin, kiểm soát đường huyết, giảm được lượng triglyceride, cholesterol xấu LDL và đồng thời hạ huyết áp của bạn.
Vậy thức ăn nào sẽ gây tăng cân, loại thực phẩm nào sẽ làm tăng tác động của bệnh đái tháo đường lên cơ thể bạn? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 9 loại thức ăn cần tránh khi bạn bị tiểu đường tuýp 2.
1/Thực phẩm có đường
Soda, món ngọt, món tráng miệng và tất cả những loại thức ăn khác được làm chủ yếu từ đường đều được xem là carb xấu. Không chỉ có giá trị dinh dưỡng thấp, các loại thức ăn này còn làm tăng lượng đường huyết và gây ra vấn đề về cân nặng, dẫn tới các biến chứng tiểu đường tuýp 2 sẽ càng trầm trọng hơn. Thay vì thỏa mãn cơn thèm ngọt với bánh kem, kẹo, bánh quy hay nước ngọt, bạn hãy thử những loại hoa quả tươi ngon như táo, dâu, lê hoặc cam. Các loại trái cây này có chứa rất nhiều carb tốt, đồng thời có nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường. Trái cây ăn kèm cùng các loại thực phẩm giàu protein như bơ đậu phộng là một sự kết hợp tuyệt vời để kiểm soát lượng đường trong máu.
2/Nước ép trái cây
Ăn trái cây rất tốt cho người bị tiểu đường, nhưng nước ép của chúng thì lại khác. Cả nướp ép nguyên chất và có pha chế đều chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng đồng thời cũng chứa lượng đường cô đặc nhiều hơn so với soda hay các loại thức uống có đường khác, dẫn tới mức độ đường huyết của bạn cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, uống một ngụm nước ép sẽ không có lợi bằng ăn một miếng trái cây, bởi vì trong nước ép không có đủ lượng chất xơ như trái cây nguyên quả. Nếu bạn vẫn muốn uống nước giải khát, hãy tìm thức uống không calo hoặc nước khoáng hương chanh.
3/Hoa quả khô
Mặc dù trái cây sấy khô vẫn chứa xơ và dưỡng chất, nhưng việc hoa quả đã mất nước sẽ làm bạn ăn được nhiều hơn – tương tự như việc bạn ăn nhiều nho khô hơn so với nho tươi. Tuy ăn nho khô hoặc đào sấy tốt hơn là ăn bánh quy, nhưng chúng vẫn sẽ làm tăng nồng độ đường huyết của bạn. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn hoa quả khô mà thay vào đó là các loại quả tươi ít đường như bưởi, dưa lưới, dâu tây và đào.
4/Gạo trắng, bánh mì và bột
Tinh bột đã tinh chế như gạo trắng và các loại thực phẩm chế biến từ bột mì, kể cả bánh mì và nui, mì ống đều có chứa rất nhiều carb xấu. Những loại carb này sẽ gây ra tác động tương tự như đường khi chúng được cơ thể hấp thụ, nghĩa là mức độ đường của bạn sẽ tăng lên. Bạn hãy thay thế bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt như: thực phẩm từ gạo lứt hay gạo hoang, lúa mạch, yến mạch và ngũ cốc giàu chất xơ để hấp thụ các loại carb phân hủy chậm hơn cũng như giảm các ảnh hưởng xấu lên đường huyết.
5/Sữa nguyên kem béo
Bạn có lẽ đã được nghe qua chất béo bão hòa có trong các sản phẩm từ sữa sẽ làm tăng lượng lipoprotein mang cholesterol trong máu (LDL-cholesterol) và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các nghiên cứu cho thấy: tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị tiểu đường vì chúng làm suy yếu các chất kháng insulin. Bạn hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm từ sữa nguyên kem béo như: kem, sữa chua, kem phô mai, các loại phô mai nguyên béo khác và chọn những sản phẩm từ sữa giảm béo hoặc tách béo để thay thế.
6/Mỡ có trong thịt
Mỡ trong thịt cũng có tác hại tương tự như sản phẩm từ sữa nguyên béo. Chúng chứa đầy chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol và thúc đẩy viêm nhiễm trên cơ thể. Đối với người bị tiểu đường, chất béo này cùng với căn bệnh tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên cao hơn nữa. Người bị tiểu đường tuýp 2 nên thường xuyên dùng các loại protein không mỡ như: gà nạc không da, gà tây, cá, thịt thăn, các loại tôm, cua, ốc và bò nạc.
7/Snack đóng gói và bánh nướng
Bên cạnh tất cả những thứ như đường, bột mì, natri và chất bảo quản thì trong các loại snack đóng gói và bánh nướng (như khoai tây chiên, bánh quy giòn, bánh vòng nướng, bánh rán,…) còn chứa cả chất béo chuyển hóa. Loại chất béo này sẽ làm tăng lượng LDL cholesterol xấu và giảm đi cholesterol tốt HDL, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chúng thậm chí còn nguy hiểm hơn chất béo bão hòa, đặc biệt là với những người bị tiểu đường tuýp 2. Thực tế, không có loại chất béo chuyển hóa nào an toàn để có thể kết hợp vào chế độ ăn của bạn.
Tin tốt là các loại chất béo chuyển hóa hiện nay đã được liệt kê trên bao bì, bạn có thể kiểm tra và tránh xa thực phẩm có chứa chúng. Tuy nhiên, theo Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thì sản phẩm có dưới 0,5g chất béo chuyển hóa cũng được tính là 0g, vì vậy có thể sản phẩm bạn chọn vẫn chứa chúng. Bạn cũng nên xem thành phần để đảm bảo sản phẩm không chứa dầu chưa bão hòa – một nguồn lớn chất béo chuyển hóa. Các chất béo lành mạnh có trong cá hồi và các loại cá béo khác, cũng như trong các loại hạt, bơ, ô liu và dầu canola.
8/Thực phẩm chiên
Có thể bạn cực kỳ yêu thích khoai tây chiên, gà rán, bánh rán và các món tương tự, nhưng tránh ăn các loại đồ ăn này về lâu dài sẽ tốt cho sức khỏe hơn nhiều. Thực phẩm chiên thường ngấm rất nhiều dầu, tương đương với lượng calo cao hơn. Ăn nhiều đồ béo có thể làm cân nặng và đường huyết tăng nhanh không thể kiểm soát. Một số loại thức ăn được chiên với dầu chưa bão hòa sẽ chứa đầy những chất béo chuyển hóa có hại. Tác hại của chúng cũng đã được đề cập phía trên và bạn hãy nhớ: không có lượng chất béo chuyển hóa nào đủ an toàn để đưa vào chế độ ăn cả, đặc biệt là khi bạn đang bị tiểu đường tuýp 2.
9/Đồ uống có cồn
Trước khi uống một ly cocktail hay một ly rượu cho bữa tối, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu chúng có an toàn với căn bệnh tiểu đường tuýp 2 của bạn hay không. Các loại đồ uống có cồn đều ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết. Nếu bạn vẫn muốn uống, hãy uống theo một chế độ có kiểm soát. Một phần đồ uống cơ bản sẽ được tính theo 150ml rượu vang; 350ml bia hoặc 45ml các loại rượu chưng cất. Theo chế độ thì mỗi ngày, một phụ nữ không nên uống quá 1 phần cơ bản và đàn ông thì không quá 2 phần.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo giải pháp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho người đái tháo đường tại đây!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cần có chế độ ăn như thế nào?
- Hiểu rõ về bệnh tiểu đường tuýp 2
- Những lưu ý cho chế độ ăn của người bệnh tiểu đường