Bệnh tiểu đường

Hướng dẫn điều trị cơ bản cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Hướng dẫn điều trị cơ bản cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Việc tuân thủ phác đồ điều trị đái tháo đường típ 2 rất quan trọng vì điều này giúp kiểm soát đường huyết và đề phòng các biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, nếu mắc đái tháo đường, bạn nên trang bị cho mình kiến thức  điều trị bệnh này nhé.

Việc tuân thủ phác đồ điều trị đái tháo đường típ 2 rất quan trọng vì điều này giúp kiểm soát đường huyết và đề phòng các biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, nếu mắc đái tháo đường, bạn nên trang bị cho mình kiến thức  điều trị bệnh này nhé.

Hiện nay, đái tháo đường típ 2 được xem như một đại dịch toàn cầu với số người bị ảnh hưởng gia tăng hàng năm. Không những vậy, biến chứng của bệnh đái tháo đường típ 2 còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch, mù lòa, tàn tật, suy thận phải chạy thận nhân tạo… Điều trị đái tháo đường típ 2 là một việc làm khó khăn vì đòi hỏi sự tuân thủ, hơp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Thay đổi lối sống, bao gồm chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý và tăng cường vận động thể lực là nền tảng căn bản của điều trị bệnh đái tháo đường. Các hướng dẫn điều trị bệnh trên thế giới đều khuyến cáo người bệnh thực hiện thay đổi lối sống khi mới chẩn đoán bệnh. Nếu mục tiêu đường huyết không đạt được mới kết hợp với thuốc hạ đường huyết. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thay đổi lối sống trong điều trị bệnh đái tháo đường típ 2.

1. Thay đổi lối sống

Bệnh nhân đái tháo đường típ 2 thường gặp ở những người thừa cân, béo phì do lối sống đô thị, ăn uống nhiều thực phẩm giàu năng lượng và ít vận động. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng khi tăng cường hoạt động thể lực và giảm cân sẽ giúp tăng nhạy cảm insulin. Như vậy, insulin nội sinh trong cơ thể sẽ làm việc hiệu quả hơn, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Tập luyện thể dục tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường bị thừa cân. Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần 30 phút đi bộ nhanh hoặc đạp xe, bơi lội… sẽ giúp bạn thấy khỏe mạnh hơn, đường huyết, huyết áp cải thiện rõ rệt. Nếu có điều kiện tập luyện, muốn giảm cân nhiều hơn cũng như muốn có cơ thể đẹp, bạn có thể đến phòng tập gym hoặc chơi một môn thể thao mà mình yêu thích thường xuyên. Điều này vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vừa hỗ trợ điều trị bệnh cho bạn tốt hơn.

Người bệnh nên chú ý kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập luyện, bảo đảm đường huyết không quá cao trước khi luyện tập cũng như đường huyết quá thấp vào hai thời điểm này. Nếu tập luyện mang tính chất đối kháng, cường độ cao, bạn nên ăn một bữa phụ nhẹ thực phẩm dành cho người đái tháo đường trước khi bước vào tập luyện, thi đấu. Bạn nên uống nước thường xuyên trước khi tập, trong khi tập và sau tập luyện để tránh bị mất nước cô đặc máu. Bạn nên luôn mang theo kẹo ngọt hoặc nước ngọt bên người để dùng phòng khi cơn hạ đường huyết xảy ra. Bạn cần bác sĩ tư vấn điều trị để giảm liều thuốc, đặc biệt mũi tiêm insulin bao phủ thời gian tập luyện của bạn nhằm tránh hạ đường huyết.

Không có một chế độ ăn nào hoàn hảo cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Do vậy, chế độ ăn thích hợp được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng, chế độ điều trị thuốc, bệnh lý khác đi kèm và sở thích ăn uống của mỗi người. Khẩu phần ăn của bạn cần cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo và nhiều rau xanh. Bạn nên hạn chế ăn thực phẩm làm tăng đường huyết cao như bánh kẹo ngọt, hoa quả ngọt, nước giải khát có gas…; hạn chế ăn mỡ, phủ tạng động vật; nên tăng cường sử dụng thực phẩm ít gây tăng đường huyết như hoa quả ít ngọt, nhiều chất xơ (bưởi, ổi, táo…), rau xanh, thực phẩm chế biến từ ngũ cốc, đậu, gạo lứt…

Có một nguyên tắc chia khẩu phần ăn đơn giản mà bạn có thể áp dụng là nguyên tắc “cái đĩa”. Nhóm thức ăn cung cấp chất đạm chiếm một góc tư đĩa, một góc tư tiếp theo là tinh bột và nửa đĩa còn lại chủ yếu là rau xanh và một ít trái cây.

2. Sử dụng thuốc

Việc sử dụng thuốc được đặt ra khi đường huyết ban đầu của bệnh nhân quá cao hoặc thất bại trong việc kiểm soát đường huyết bằng cách thay đổi lối sống. Song song với việc dùng thuốc, người bệnh vẫn phải luôn duy trì chế độ ăn lành mạnh và tập luyện thể lực thường xuyên.

Các phác đồ điều trị đái tháo đường típ 2 đa phần khuyến cáo sử dụng Metformin (một loại thuốc làm giảm đề kháng insulin) là lựa chọn điều trị ban đầu nếu không có chống chỉ định. Khi Metformin đơn trị liệu không đủ để làm giảm đường huyết về mục tiêu điều trị, bác sĩ sẽ kết hợp thêm thuốc nhóm khác. Các phối hợp sau đó có thể là một nhóm thuốc viên hạ đường huyết khác hoặc thậm chí là insulin tùy theo tình trạng bệnh của bạn.

Việc phối hợp thuốc điều trị ở bệnh đái tháo đường típ 2 là điều không thể tránh khỏi theo thời gian vì càng ngày chức năng tụy tiết insulin nội sinh càng giảm, một loại thuốc riêng lẻ không đủ đảm bảo đạt mục tiêu đường huyết.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường típ 2 phải chuyển sang chế độ điều trị hoàn toàn bằng insulin hoặc phối hợp insulin với thuốc viên hạ đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường sử dụng insulin vẫn có thể sống khỏe mạnh lâu dài khi đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý: mỗi loại thuốc điều trị đái tháo đường có cơ chế tác dụng riêng và có những tác dụng phụ khác nhau. Do vậy, người bệnh cần đến bác sĩ khám định kỳ, không tự điều chỉnh, thay đổi thuốc điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc điều trị đái tháo đường típ 2, bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn trong việc kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 12 yếu tố hàng đầu làm gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2
  • Các nguy cơ mắc bệnh của từng loại đái tháo đường
  • Bạn nghĩ rằng bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper