Giấu không cho mọi người biết về bệnh tiểu đường không chỉ không an toàn cho sức khỏe của trẻ mà còn có thể là dấu hiệu không tốt về tâm lý, cho thấy rằng trẻ đang chối bỏ hoặc xấu hổ về bệnh tình của mình.
Một đứa trẻ không sẵn sàng chia sẻ với bạn bè về căn bệnh tiểu đường mình mắc phải có thể dễ bị tổn thương và thiếu tự tin. Trong khi tôn trọng mong muốn được giữ riêng tư của trẻ, các bậc cha mẹ có thể giúp con em mình tự tin hơn trong việc chia sẻ về chẩn đoán bệnh với những bạn bè thân thiết, nhân viên y tế của nhà trường và những người chăm sóc khác xung quanh bé để đảm bảo cho bé một môi trường an toàn nhất.
Vì sao trẻ bị tiểu đường muốn giấu bệnh?
Một trong những lý do khiến những đứa trẻ muốn tránh nói với bạn bè của mình là do sợ bị trêu chọc hoặc bị xa lánh. May mắn là, thường thì ít có trường hợp các em bị trêu chọc bởi bạn bè. Và nếu xảy ra trường hợp đó, trẻ có thể sẽ cần một số lời khuyên cũng như sự hỗ trợ đặc biệt từ người lớn để biết cách xử lý tình trạng đó.
Gia đình, trường học và đội ngũ điều trị bệnh tiểu đường có thể hỗ trợ và giúp đỡ trẻ nói chuyện với bạn bè cũng như đối mặt với những phản ứng khác nhau mà trẻ có thể gặp phải. Bạn có thể nói chuyện với cha mẹ của bạn bè trẻ và giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn. Nhà trường có thể hỗ trợ bằng cách giải thích cho các bạn cùng lớp hiểu rằng bệnh tiểu đường không lây nhiễm, và rằng trẻ mắc bệnh tiểu đường không có gì khác biệt so với những bạn khác, có thể tiếp tục tham gia vào các trò chơi và các hoạt động tương tự như trước đây. Các nhân viên xã hội hoặc nhân viên tư vấn đến từ đội ngũ chăm sóc y tế đóng một phần quan trọng vì họ có kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề xã hội như thế này, dựa trên việc xác định nền tảng, trải nghiệm cá nhân và yếu tố gia đình.
Trẻ nên nói gì với bạn cùng lớp của mình?
Thường sẽ rất khó để trẻ có thể biết được khi nào nên nói và nói những gì với các bạn cùng lớp. Một số trẻ cũng sẽ cảm thấy rất sợ hãi nữa. Hãy nói với các bạn bè của con rằng bệnh tiểu đường không nhiễm hay “lây”. Nếu như mọi người xung quanh muốn biết nhiều hơn hoặc trẻ muốn nói với bạn mình nhiều hơn, trẻ có thể nói rằng bệnh tiểu đường có nghĩa là cơ thể trẻ cần được giúp đỡ để có thể hấp thụ năng lượng từ thức ăn hàng ngày. Trẻ cần phải tiêm thêm insulin do cơ thể của trẻ ngừng tự sản xuất insulin. Trẻ có thể cho bạn bè của mình thấy hoạt động tiêm insulin hàng ngày nếu họ muốn tìm hiểu và nếu trẻ cảm thấy thoải mái khi cho các bạn giúp mình.
Con bạn có khi còn muốn làm hẳn một bài thuyết trình hoặc dự án khoa học về bệnh tiểu đường ấy chứ!
Chỉ cần nhận được sự khích lệ, hầu hết những đứa trẻ đều sẽ chọn một cách tiếp cận vấn đề về bệnh tiểu đường một cách chân thành và cởi mở. Một số trẻ sẽ thực hiện một bài thuyết trình về bệnh tiểu đường tại lớp khi có cơ hội. Một số sẽ chọn chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức của mình đối với bệnh như một phần của bài diễn thuyết hoặc nghiên cứu khoa học. Hầu hết các bạn cùng lớp sẽ vừa tò mò vừa ngưỡng mộ một người bạn đủ dũng cảm để chịu đựng tiêm chích và chọc ngón tay mỗi ngày.
Nhưng không phải trẻ nhỏ nào cũng cảm thấy thoải mái với cách tiếp cận này. Một số trẻ sẽ ngại thảo luận về tình hình bệnh tiểu đường của mình với những người bạn cùng lớp mà trẻ không thân thiết lắm. Thay vào đó, trẻ chỉ thích chia sẻ thông tin này với nhân viên nhà trường và bạn bè thân nhất của chúng mà thôi, vì đó là những người mà trẻ có thể tin tưởng và xin giúp đỡ. Vì lý do an toàn, gia đình của những người bạn của bé cũng cần phải có những hiểu biết nhất định về bệnh tiểu đường, sự cần thiết phải điều trị bệnh mỗi ngày và thậm chí cả các dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng đường huyết thấp.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mách bố mẹ chế độ ăn uống khi bé bị tiểu đường
- Bệnh tiểu đường ở trẻ có thể ngăn ngừa không?
- Trẻ tập thể dục đều đặn sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường