Dự đoán đến năm 2045, trên toàn thế giới sẽ có khoảng 693 triệu người mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Đây là một bệnh mạn tính gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tàn tật nên chi phí điều trị và chăm sóc người bệnh là rất lớn. Do đó, xét nghiệm tầm soát đái tháo đường típ 2 là vô cùng cần thiết.
Chiến lược sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường nhằm can thiệp kịp thời là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự gia tăng của bệnh cũng như các biến chứng của bệnh.
Các đối tượng nên tầm soát đái tháo đường típ 2
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, tất cả những người có triệu chứng bệnh cần phải đi khám và chẩn đoán bệnh. Đối với những người không có triệu chứng bệnh, xét nghiệm đường huyết nên bắt đầu từ 45 tuổi và lặp lại mỗi ba năm sau đó hoặc ở độ tuổi sớm hơn ở những người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì, nghĩa là có chỉ số khối cơ thể BMI ≥25 kg/m2 và có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau đây:
- Ba mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường típ 2
- Ít vận động
- Người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latinh, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Á và người đảo Thái Bình Dương…
- Phụ nữ tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con hơn 4kg
- Có nồng độ HLD cholesterol máu ≤ 35 mg/dl (0,9 mmol/l)
- Triglyceride ≥250 mg/dl (2,82 mmol/l)
- Tăng huyết áp
- Vòng bụng to: nam ≥ 90 cm, nữ ≥ 80 cm.
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Phát hiện bất thường khi xét nghiệm đường huyết trước đó: rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose (tiền đái tháo đường)
- Tiền sử bệnh tim mạch.
Các xét nghiệm tầm soát đái tháo đường típ 2
Có ba xét nghiệm có thể dùng để chẩn đoán đái tháo đường típ 2.
1. Xét nghiệm đường huyết tĩnh mạch khi đói
Sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ (chỉ được uống nước lọc), bạn đến bệnh viện vào buổi sáng để lấy máu xét nghiệm đường huyết. Nếu kết quả xét nghiệm đường huyết ≥ 126 mg/dl (7 mmol/l) thì bạn đã bị mắc bệnh đái tháo đường. Nếu đường huyết nằm trong khoảng 100 – 125 mg/dl (5,6 – 6,9 mmol/l) thì bạn được chẩn đoán tiền đái tháo đường.
2. Nghiệm pháp dung nạp glucose
Để chuẩn bị thực hiện xét nghiệm, một ngày trước đó bạn cứ ăn chế độ thông thường và sau đó nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Trong thời gian nhịn đói, bạn chỉ được uống nước lọc. Buổi sáng hôm sau, bạn đến bệnh viện sẽ được nhân viên y tế cho uống 75g đường glucose pha trong 250 – 300 ml nước, uống trong vòng 5 phút. Sau đó 2 giờ bạn sẽ được lấy máu xét nghiệm để đo đường huyết. Nếu đường huyết 2 giờ ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l) là bạn đã mắc đái tháo đường. Nếu kết quả đường huyết 2 giờ có giá trị trong khoảng 140 – < 200 mg/dl (7,8 – 11 mmol/l) thì bạn được chẩn đoán tiền đái tháo đường.
3. HbA1C
Gần đây HbA1C được đưa vào các khuyến cáo để chẩn đoán đái tháo đường với điều kiện máy xét nghiệm HbA1C của cơ sở xét nghiệm phải được chẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nồng độ HbA1C phản ánh đường huyết trung bình trong 3 tháng qua và khi làm xét nghiệm lấy máu khá thuận tiện vì không cần người bệnh phải nhịn đói. Tuy nhiên, giá trị HbA1C sẽ không chính xác khi người đi tầm soát có các bệnh về máu, cô đặc máu hoặc mới truyền máu. Chẩn đoán đái tháo đường khi kết quả xét nghiệm nồng độ HbA1C ≥ 6,5%, tiền đái tháo đường khi giá trị HbA1C từ 5,7 – 6,4%.
Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý. Nếu xét nghiệm lần đầu, đường huyết hoặc HbA1C của bạn đã cao hơn tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thì bạn vẫn cần xét nghiệm lại lần 2 để chẩn đoán xác định bạn bị bệnh đái tháo đường. Lần xét nghiệm lại cách lần đầu từ 1 đến 7 ngày.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sự cần thiết của việc tầm soát đái tháo đường típ 2
- Tổng hợp các phương pháp điều trị đái tháo đường típ 2
- Tại sao cần kết hợp thuốc điều trị đái tháo đường típ 2?