1. Sinh lý điện học bình thường của tim và điện tâm đồ
Tim được xem là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Tim hoạt động như một cái bơm, có nhiệm vụ hút máu nghèo oxy đem đến trao đổi oxy ở phổi, đồng thời bơm máu giàu oxy đến cung cấp cho các cơ quan khác.
Tim hoạt động theo cơ chế dẫn truyền điện học nhịp nhàng, từ nút xoang, tâm nhĩ cho đến tâm thất , thông qua các nút phát nhịp và hệ thống dẫn truyền xung điện của các sợi cơ tim, giúp tim đập nhịp nhàng trong quá trình bơm máu đi nuôi cơ thể.
Nút xoang là nơi phát xung điện đầu tiên và dẫn truyền đi qua tâm nhĩ . Khi đó, hình ảnh biểu hiện trên điện tâm đồ là hình ảnh của sóng P. Sau đó, xung điện từ tâm nhĩ truyền xuống tâm thất thông qua nút nhĩ thất.
Tiếp theo, xung điện được dẫn truyền qua hết tâm thất thông qua hệ thống His và sợi Purkinje, biểu hiện trên điện tim bằng phức bộ QRS. Cuối cùng, các sợi cơ tim sẽ tái cực để bắt đầu một chu kỳ mới và điện tâm đồ sẽ ghi nhận được hình ảnh sóng T.
2. Phân độ block nhĩ thất
Block nhĩ thất là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn quá trình dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất, hiện tượng này được phân chia thành 3 mức độ:
- Block nhĩ thất độ 1: xung điện dẫn truyền thành công từ tâm nhĩ đến được tâm thất nhưng thời gian chậm hơn bình thường một chút.
- Block nhĩ thất độ 2: xung điện dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất lúc được lúc không, khi đó nhịp tim đôi khi không đều hoặc có thể mất nhịp.
- Block nhĩ thất độ 3 : xung điện hoàn toàn không được dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất, điều này dẫn đến tình trạng tâm nhĩ và tâm thất co bóp nhưng không liên hệ với nhau (phân ly nhĩ thất).
3. Đặc điểm block nhĩ thất độ 3
Block nhĩ thất độ 3 (còn gọi là block nhĩ thất cao độ , block nhĩ thất hoàn toàn) là trường hợp nặng nhất trong các dạng block nhĩ thất. Khi đó, tâm nhĩ và tâm thất co bóp không còn liên quan đến nhau do xung điện dẫn truyền đã bị chặn đứng hoàn toàn. Vì vậy, tâm thất hoặc các cơ ở bộ nối phải tự tạo xung điện riêng nhưng khả năng co bóp của tâm thất (hoặc bộ nối) lại tạo ra nhịp chậm hơn nhiều so với nhịp tim bình thường .
Hậu quả là khả năng bơm máu đến các cơ quan của tim không đủ và có thể dẫn ngất do tim ngừng đập tạm thời (ngừng thất đột ngột) hoặc đột tử do tim ngừng đập kéo dài mà không được cấp cứu kịp thời.
4. Triệu chứng của block nhĩ thất độ 3
Block nhĩ thất độ 3 đôi khi không gây ra bất cứ triệu chứng lâm sàng nào. Các biểu hiện của block nhĩ thất độ 3 có thể có bao gồm:
- Choáng váng, chóng mặt do thiếu máu lên não.
- Khó thở , mệt mỏi do thiếu oxy nuôi các cơ quan.
- Đau thắt ngực do thiếu máu nuôi các cơ tim
- Ngất xỉu
- Đột tử
Nếu đột ngột xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như khó thở, đau ngực dữ dội hoặc ngất xỉu không rõ nguyên nhân, khi đó bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán nguyên nhân có phải do block nhĩ thất độ 3 hay không để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.
5. Nguyên nhân dẫn đến block nhĩ thất độ 3
Block nhĩ thất độ 3 không phải là bệnh di truyền, tuy nhiên để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh rất khó khăn. Một số bệnh lý như thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim , bất thường các van tim lâu dài, suy tim đều có thể gây nên tình trạng block nhĩ thất độ 3.
Ngoài những nguyên nhân liên quan đến tim thì block nhĩ thất cao độ còn có thể là hậu quả của những bệnh lý sau:
- Bệnh teo cơ xơ cứng;
- Thấp khớp , thấp tim; Nhồi máu cơ tim ...
- Bệnh Lyme ;
- Nhiễm trùng nặng;
- Tác dụng phụ của các thuốc điều hòa nhịp tim như digoxin, thuốc ức chế beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi.
6. Điện tim block nhĩ thất cấp 3
Hình ảnh điện tim của block nhĩ thất cấp 3 hay gặp có những đặc điểm sau:
- Hình ảnh sóng P vẫn bình thường, tần số khoảng 60-100 lần/phút;
- Phức bộ QRS có những bất thường:
- Tần số thường chậm dưới 60 lần/phút;
- Biên độ QRS hẹp nếu nơi phát nhịp (chủ nhịp) là bộ nối;
- Biên độ QRS rộng nếu chủ nhịp là tâm thất.
7. Điều trị block nhĩ thất độ 3
Block nhĩ thất độ 3 là rối loạn dẫn truyền nặng nhất nên khả năng đáp ứng với các thuốc là không có. Do đó, hiện nay biện pháp điều trị tốt nhất với block nhĩ thất độ 3 đặt máy tạo nhịp tạm thời và sau đó đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Máy tạo nhịp là một thiết bị điện nhỏ được đặt vào trong buồng tim để giúp tạo nhịp tim theo tần số bình thường đủ khả năng bơm máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.
8. Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân block nhĩ thất cao độ
- Cần được khám chuyên khoa tim mạch, xem xét quyết định cấy máy tạo nhịp tim tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tái khám sức khỏe thường xuyên hoặc theo lịch hẹn định kỳ, giúp phát hiện những thay đổi trên điện tim block nhĩ thất cấp 3 và xử trí kịp thời;
- Đối với người đã được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cần phải khám kiểm tra máy định kỳ
- Nếu bệnh nhân đang được đặt máy tạo nhịp thì nên tránh các thiết bị điện từ như điện thoại di động, tivi hoặc các thiết bị điện khác;
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế muối và thức ăn nhiều dầu mỡ;
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng, tránh làm việc gắng sức quá mức;
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp , suy tim, đái tháo đường.