1. Tạo nhịp tim là gì?
Tạo nhịp tim là sử dụng một thiết bị tạo nhịp phát xung điện 1 chiều, có chu kỳ, thông qua dây điện cực làm kích thích trực tiếp đến cơ tim, làm cơ tim co bóp theo chu kỳ của máy. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử rất đặc biệt với 2 khả năng:
Phân tích các hoạt động chức năng của hệ thống điện học của tim.
Khi cần thiết, máy sẽ tạo ra những xung động hỗ trợ để đảm bảo hoạt động chức năng của tim (ví dụ: khi mạch bị chậm quá, máy sẽ tạo thêm những xung động đảm bảo cho tim hoạt động với tần số đúng theo nhu cầu của cơ thể).
Gần đây người ta đã bổ sung thêm một số chỉ định mới của máy tạo nhịp tim như: dùng trong điều trị suy tim, dùng trong bệnh cơ tim phì đại có nghẽn đường ra thất trái, dùng trong một số rối loạn nhịp nhanh...
Lịch sử hình thành của máy tạo nhịp tim
- Năm 1889, Mc. William đã đăng trên tạp chí Y học nước Anh về kết quả thực nghiệm về việc sử dụng dòng xung điện kích thích lên tim người đã ngừng đập, kết quả làm cho tâm thất co bóp được theo tần số xung động khoảng từ 60 - 70 lần/phút.
- Năm 1932, nhà sinh lý học người mỹ Albert Hyman đã công bố phát minh về tạo nhịp của mình và đưa ra khái niệm “Artificial Pacemaker: tạo nhịp tim nhân tạo” cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
- Năm 1952, Paul Zoll lần đầu tiên sử dụng thành công các xung điện thông qua hai điện cực gắn vào hai kim, sau đó được cắm vào ngực cho hai bệnh nhân bị ngừng tim, làm cho tim đập lại theo nhịp của xung điện đó.
- Năm 1956, Winson Greatbatch (Hoa kỳ) đã thí nghiệm thành công cấy máy tạo nhịp tim vào trong cơ thể sống.
- Năm 1958, Ake Sening (Thuỵ điển) lần đầu tiên trên thế giới đã cấy máy tạo nhịp thành công trên cơ thể người.
Với những hiểu biết mới về điện - sinh lý học, những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật điện tử – y sinh, từ những thế hệ máy tạo nhịp ban đầu hết sức đơn giản và nặng nề (300 - 400g), sau hơn 50 năm phát triển, hiện nay người ta đã chế tạo ra nhiều thế hệ máy hiện đại, khối lượng máy rất nhỏ gọn (chỉ từ 20 - 30g) nhưng chức năng lại rất đa dạng: máy tạo nhịp 3 buồng tim để trị suy tim, máy phá rung tự động cấy trong cơ thể (đề phòng đột tử do rung thất) và đời sống của máy tạo nhịp tim cũng kéo dài hơn (8 – 10 năm).
2. Chỉ định đặt máy tạo nhịp tim trong những trường hợp nào?
Chỉ định thông dụng nhất của đặt máy tạo nhịp tim là những bệnh nhân có nhịp quá chậm, gây nên các triệu chứng như ngất xỉu, choáng váng... Nhịp chậm do rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do: Tắc nghẽn đường dẫn truyền nhĩ - thất cấp độ 2 và 3, suy yếu nút xoang, rung nhĩ với cơn nhịp nhanh, chậm xen kẽ (nếu điều trị nhịp nhanh sẽ làm cho cơn nhịp chậm nặng lên và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh). Ngoài ra còn nhiều chỉ định mở rộng khác, tuy nhiên những chỉ định này cũng chỉ hạn chế trong những trường hợp cụ thể.
3. Nguyên tắc hoạt động của máy tạo nhịp tim
Nguyên lý hoạt động của máy rất phức tạp nhưng có thể hiểu đơn giản là: tim co bóp được là nhờ trung tâm chủ nhịp phát ra những xung động điện học, các xung động này thông qua hệ thống dẫn truyền được truyền đến tế bào cơ tim, kích thích làm cho cơ tim co bóp.
Máy tạo nhịp có khả năng phát hiện các hoạt động tạo nhịp này của tim, nếu hoạt này của tim không đảm bảo (tạo ra nhịp quá chậm, tim không bơm đủ máu lên não gây triệu chứng thiếu máu não) thì trong trường hợp này, máy tạo nhịp sẽ bổ sung các xung động kích thích, đảm bảo tim co bóp đúng tần số theo chương trình đã được lập ra trên máy. Ngược lại, nếu tim hoạt động bình thường, máy sẽ không phát ra xung động để nguyên cho tim tự duy trì hoạt động.
4. Cấy máy tạo nhịp vào cơ thể như thế nào?
Cấy máy tạo nhịp gồm 2 phần:
- Đầu tiên là đặt điện cực vào buồng tim, máy tạo nhịp có nhiều loại khác nhau, có từ 1 - 4 điện cực đặt vào 1 đến 4 buồng tim khác nhau. Sau khi đã xác định được vị trí, điện cực sẽ được cố định vào thành tim.
- Bước tiếp theo là đặt máy tạo nhịp, vị trí đặt máy thường là ngay dưới và giữa xương đòn bên phải. Các bác sĩ sẽ tiến hành rạch da vừa đủ để đưa chiếc máy tạo nhịp vào. Sau khi đặt máy tạo nhịp vào vị trí, các điện cực sẽ được đấu vào máy và ngay lúc đó máy tạo nhịp đã bắt đầu hoạt động.
5. Bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp cần chú ý
- Theo dõi máy: Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ kiểm tra lại máy và điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân. Sau đó, nếu không có gì bất thường, người bệnh được hẹn kiểm tra định kỳ sau 1 tháng, 3 tháng rồi 6 tháng hoặc ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường.
- Đi lại và hoạt động sau khi xuất viện bình thường. Một tháng sau, bệnh nhân tái khám nếu máy tốt có thể quay lại công việc bình thường, tuy nhiên phải tránh việc nặng nhọc, việc đòi hỏi hoạt động thể lực nhiều. Những người từng chơi thể thao, sau khi đặt máy tạo nhịp, cần ngưng các môn thể thao thi đấu, chỉ nên chơi thể thao nhẹ, có tính chất giải trí.
- Bệnh nhân lái xe, nếu có đeo dây đai bảo hiểm cần tránh để dây vắt ngang qua máy.
- Sử dụng điện thoại di động: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những tác động tương hỗ giữa máy tạo nhịp với điện thoại di động. Do vậy, người mang máy tạo nhịp không bao giờ nên nghe điện thoại bằng tai ở cùng phía với máy tạo nhịp (thông thường là tai phải), có thể nghe ở phía tai đối diện, khoảng cách từ điện thoại di động tới máy tạo nhịp càng xa càng tốt, thời gian sử dụng càng ngắn càng tốt, nhất là khi người bệnh cảm thấy có “vấn đề” khi sử dụng điện thoại di động.
- Đặc biệt chú ý: Không được chụp hay lại gần máy cộng hưởng từ hạt nhân (nguy hiểm tính mạng), chú ý khi đi qua hàng rào an ninh có thiết bị từ tính (thường ở sân bay) phải khai báo máy tạo nhịp, nếu tự ý đi qua sẽ có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng, đi qua từ trường có nguy cơ làm rối loạn hoạt động của máy. Không để, đặt các máy móc thiết bị có từ trường (nam châm) gần máy tạo nhịp.