Hiện nay, tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Những câu hỏi như “Tăng huyết áp có di truyền không? Làm cách nào để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh” được rất nhiều người quan tâm.
1. Huyết áp và các mức độ đánh giá
Huyết áp được hiểu là áp lực của dòng máu giúp dẫn máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được hình thành do sự co bóp, hút, đẩy của tim và sự co giãn của thành mạch. Nhờ có huyết áp, quá trình tuần hoàn máu diễn ra giúp các cơ quan trong cơ thể nhận đủ oxy và dinh dưỡng để duy trì hoạt động.
1.1 Tăng huyết áp là gì?
Thông thường huyết áp của người lớn là dưới 120/80 mmHg. Khi huyết áp có chỉ số từ 120 đến 130/80 - 89 thì được đánh giá là huyết áp ở mức “bình thường - cao”. Nếu thường xuyên đo thấy chỉ số huyết áp bằng hoặc cao hơn 140/90 mmHg thì chứng tỏ bạn đã bị tăng huyết áp và nên chuẩn bị sẵn phương án theo dõi và điều trị sớm.
1.2 Tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp được cho là “kẻ giết người thầm lặng” là bởi: Chúng không hề có triệu chứng gì. Trên thực tế có rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không hề biết, tăng huyết áp diễn biến âm thầm, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể bằng nhiều cách. Đến khi người bệnh nhận thức được thì đã bị mắc các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc chịu đựng gánh nặng tàn phế. Cách duy nhất để người bệnh biết mình bị tăng huyết áp là đo huyết áp.
Hiện nay tăng huyết áp đang là vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng gia tăng, và độ tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến đến năm 2025 ước tính sẽ khoảng 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp trên toàn thế giới.
2. Nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp?
Tăng huyết áp không có nguyên nhân, triệu chứng rõ ràng. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bao gồm: Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh và không thể điều chỉnh.
2.1 Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh tăng huyết áp
2.1.1 Chế độ ăn uống không cân đối
Ăn quá nhiều gây béo phì, thừa cân. Tiêu thụ nhiều muối trong khẩu phần ăn.
2.1.2 Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Hút thuốc lá gây co mạch và tăng xơ vữa mạch, uống rượu nhiều gây tăng huyết áp đột ngột. Ngoài ra, việc lười vận động hay bị stress, căng thẳng quá mức cũng là những nguyên nhân khiến huyết áp tăng.
2.1.3 Mắc các bệnh lý về thận
Mắc các bệnh lý về thận, nội tiết, bệnh về mạch máu và tim; nhiễm độc thai nghén , sử dụng thuốc chưa hợp lý..
2.2 Các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh tăng huyết áp
Những yếu tố ở trên người bệnh có thể điều chỉnh để phòng tránh và giảm tình trạng tăng huyết áp. Tuy nhiên vẫn có một nhóm yếu tố nguy cơ mà chúng ta không thể thay đổi được, bao gồm:
2.2.1 Chủng tộc
Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị tăng huyết áp nhiều hơn và mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn. Nguyên nhân do một số nghiên cứu về gen đã chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi nhạy cảm với muối ăn hơn. Ngoài ra chế độ ăn và sự thừa cân cũng đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành tăng huyết áp.
2.2.2 Tuổi cao
Tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi diễn ra rất phổ biến. Tuổi tác càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng nhiều do thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa, khả năng đàn hồi giảm.
2.2.3 Giới tính
Ở độ tuổi dưới 45, tình trạng cao huyết áp ở nam giới sẽ cao hơn hẳn so với nữ giới. Từ 45 tuổi trở lên thì tỉ lệ mắc bệnh sẽ tương đồng giữa hai giới. Đến 65 tuổi trở lên thì nữ giới lại bị bệnh nhiều hơn nam giới. Ngày nay, với sự thay đổi về chế độ ăn và sinh hoạt, tăng huyết áp cũng trở nên phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong số những người trẻ tuổi, bé trai cũng có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn bé gái.
2.2.4 Di truyền
Rất nhiều người băn khoăn chứng tăng huyết áp có di truyền không? Thực tế theo thống kê của nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh tăng huyết áp có thể có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có ông, bà, cha, mẹ bị bệnh tăng huyết áp thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Do đó, những người mà tiền sử gia đình có người thân bị tăng huyết áp thì cần cố gắng loại bỏ, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp, từ đó mới phòng tránh được bệnh tăng huyết áp.
3. Phương pháp phòng tránh, giảm thiểu tăng huyết áp
Cách tốt nhất để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp là tập trung vào những yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được.
3.1 Chế độ ăn uống
Nên tăng khẩu phần các loại hoa quả, rau củ, ngũ cốc nhiều chất xơ, thực phẩm ít chất béo và cắt giảm tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn, nếu có thể. Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát được cân nặng và hạn chế nguy cơ tăng huyết áp do thừa cân.
3.2 Chế độ luyện tập
Trung bình mỗi tuần chúng ta nên dành khoảng 150 phút để tập luyện sẽ giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp đáng kể. Các bài tập có thể chỉ đơn giản là đi bộ nhanh, làm vườn, yoga, đạp xe hoặc các bài tập aerobic..tùy theo sở thích và khả năng tập luyện của từng người. Thường xuyên tập luyện cũng giúp bạn giảm nguy cơ béo phì, là yếu tố quan trọng dẫn đến tăng huyết áp.
3.3 Từ bỏ thói quen không lành mạnh
Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu quá mức sẽ giảm gánh nặng lên tim mạch, từ đó giảm nguy cơ tăng huyết áp.
3.4 Kiểm soát căng thẳng, stress
Tình trạng căng thẳng, suy nhược kéo dài sẽ kích thích các phản ứng thần kinh giao cảm của cơ thể, tăng tiết các chất adrenalin và tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp. Do vậy để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên sắp xếp công việc và thư giãn để cuộc sống ở mức cân bằng nhất.
4. Khám và điều trị huyết áp, tim mạch tại địa chỉ uy tín
Tăng huyết áp là tình trạng bệnh lý mang tính chất kéo dài, ẩn chứa nhiều biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó, bệnh nhân nên có ý thức đến các cơ sở uy tín, đầu ngành để thăm khám và theo dõi thường xuyên.
Đặc biệt, Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện uy tín nhất trên thế giới. Ngoài ra trung tâm có chương trình hợp tác toàn diện với Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà nội, Đại học Paris Decartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp), Đại học Pennsylvania (Hoa kỲ) ... sẽ theo dõi sát sao giúp bệnh nhân khắc phục và điều trị bệnh tăng huyết áp một cách tốt nhất.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam