1. Tìm hiểu về bệnh thấp tim
Bệnh thấp tim còn được gọi là bệnh thấp khớp cấp, bệnh sốt thấp liên quan tới tình trạng nhiễm khuẩn streptococcus (liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A). Đây là bệnh viêm toàn tim biểu hiện viêm nội tâm mạc , viêm cơ tim , viêm màng ngoài tim hoặc kết hợp cả 3 trường hợp trên. Ngoài tổn thương tim, bệnh còn gây tổn thương khớp, não và các mô liên kết dưới da.
Bệnh thấp tim chủ yếu gặp ở trẻ em từ 5 - 15 tuổi, đặc biệt là trẻ 9 - 12 tuổi. Những trẻ có cơ địa dị ứng như hay nổi mề đay, chàm, hen phế quản dễ bị thấp tim hơn. Ngoài ra, bệnh cũng có yếu tố gia đình và thường gặp ở vùng có kinh tế - xã hội thấp, điều kiện sinh hoạt lạc hậu.
2. Biểu hiện đa dạng của bệnh thấp tim
Bệnh thấp tim có biểu hiện đa dạng trên nhiều hệ cơ quan khác nhau. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh thường xảy ra sau 2 - 4 tuần hoặc lâu hơn kể từ khi người bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn. Triệu chứng của bệnh cũng có thể xuất hiện độc lập hoặc phối hợp với nhau.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thấp tim bao gồm:
Sốt cao đột ngột là dấu nhiễm độc nếu bệnh có biểu hiện viêm khớp là chính. Sốt từ từ, hoặc sốt nhẹ không rõ nếu bệnh thể hiện viêm tim là chính.
Ở thể điển hình
Các biểu hiện viêm khớp gồm : Sưng, đau, nóng, đỏ tại khớp và gây hạn chế vận động. Bệnh nhân thường bị viêm đa khớp , xảy ra ở các khớp lớn. Dấu hiệu đặc biệt giúp nhận biết căn bệnh này là viêm khớp có tính chất dịch chuyển: khi khớp này có biểu hiện đỡ sưng đau thì sẽ chuyển sang viêm khớp ở khớp khác. Thời gian viêm trung bình ở mỗi khớp là 3 - 7 ngày và không vượt quá 1 tháng. Triệu chứng đau khớp thường đỡ nhanh sau vài ngày đến một tuần hoặc sau khi dùng aspirin hay các thuốc giảm đau khác, không để lại di chứng ở khớp.
Ở thể không điển hình
Gồm các biểu hiện như:
- Biểu hiện ở tim : Gồm triệu chứng viêm cơ tim, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim hoặc viêm tim toàn bộ. Các triệu chứng cơ bản là: tim đập nhanh , loạn nhịp tim , đau ngực vùng trước tim, da xanh tái, mệt mỏi toàn thân,... Nếu bị viêm cơ tim nặng, người bệnh có biểu hiện suy tim cấp gồm tím tái, khó thở, tiểu ít, phù và thậm chí là tử vong;
- Biểu hiện trên da : Nổi hạt Meynet cứng, to bằng hạt ngô hoặc hạt đỗ, nằm quanh khớp hoặc dọc cột sống , sờ vào không đau, tồn tại từ 1 tuần - 2 tháng rồi biến mất. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn xuất hiện ban vòng và hồng ban nhưng sau đó sẽ mất đi nhanh;
- Biểu hiện ở thần kinh : Múa vờn, múa giật (các vận động nhanh không tự chủ, không mục đích, tăng khi xúc động và mất đi khi ngủ hoặc khi tập trung làm một việc khác). Múa vờn, múa giật có thể xuất hiện ở chi, nửa người hoặc trên toàn thân;
- Biểu hiện khác: Gồm viêm phổi, tổn thương mạch máu, viêm cầu thận , viêm gan cấp tính ,...
Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh thấp tim có thể gây nhồi máu não , thận và các chi; tạo điều kiện cho viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp; gây xơ hóa van tim, dẫn tới hở lỗ van tim hoặc hẹp lỗ van tim. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh van tim do thấp tim có thể dẫn tới suy tim.
Thấp tim có biểu hiện ở nhiều cơ quan, trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong hoặc gây ra nhiều di chứng nặng nề về sau. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách là vô cùng quan trọng trong việc tránh được những biến chứng nghiêm trọng của bệnh thấp tim .