1. Bệnh thấp tim ở trẻ em là bệnh gì?
Bệnh thấp tim (ARF) hay còn gọi là sốt thấp khớp, hay thấp khớp cấp là tình trạng tổn thương ở hệ miễn dịch trung gian do nhiễm khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A (Beta hemolytic Group A Streptococcus ).
Bệnh thấp tim được xem là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mắc phải ở trẻ em nằm trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi. Bệnh gây tổn thương ở các bộ phận bao gồm: tim, khớp, các tổ chức liên kết dưới da và có thể là não (hiếm gặp).
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh thấp tim ở trẻ em
Bệnh thấp tim ở trẻ em gây ra những tổn thương và làm xuất hiện các triệu chứng ở tim, khớp, da, não, toàn thân, cụ thể như sau:
- Dấu hiệu toàn thân: Sau khi nhiễm liên cầu khuẩn từ 2 - 4 tuần, trẻ có thể bị sốt cao từ 38 – 40 độ C, chảy máu cam , họng đỏ, đổ mồ hôi, tiểu ít, mệt mỏi, ăn kém. Các dấu hiệu này có thể chỉ xảy ra thoáng qua ở một số trẻ, sau khoảng 1 - 5 tuần những tổn thương ở khớp bắt đầu xuất hiện.
- Dấu hiệu ở khớp: Bệnh thấp tim gây ra những tổn thương điển hình ở nhiều khớp lớn (60-80%) như đau các khớp gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu và có tính chất di chuyển. Khi các khớp bị đau sẽ làm hạn chế vận động. Viêm khớp thường là triệu chứng sớm nhất của sốt thấp khớp mặc dù viêm cơ tim không triệu chứng đã xảy ra trước đó. Viêm khớp do thấp tim thường không để lại di chứng. Bệnh thường gặp và nặng hơn ở tuổi thiếu niên hơn trẻ nhỏ.
- Dấu hiệu ở tim: Tổn thương ở tim thường xuất hiện ở màng trong tim và cơ tim, gây viêm cơ tim , màng trong và màng ngoài tim. Bệnh gây ra tổn thương viêm nội tâm mạc như hở van động mạch chủ , hở van hai lá và dẫn đến những triệu chứng như đau tức ngực , khó thở, mệt mỏi, hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, rối loạn nhịp tim ,... Những triệu chứng ở tim khi xảy ra cảnh báo bệnh thấp tim ở mức độ nguy hiểm. Đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng ở tim hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.
- Dấu hiệu ở não: Sau nhiều tháng bị nhiễm liên cầu khuẩn , bệnh mới gây ra những tổn thương ở não bộ - hệ thần kinh với các triệu chứng như không tự chủ trong vận động và mất đi khi ngủ hoặc không thể định hướng, thực hiện các hoạt động có mục đích, thay đổi cảm xúc, đặc biệt là dễ bị xúc động. Bệnh thấp tim ở trẻ em ảnh hưởng đến não với những triệu chứng cụ thể như hay cáu gắt, hoạt động tay chân bất thường, gặp khó khăn khi nói, cầm bút, đũa, ...
- Dấu hiệu ở da: Những tổn thương ở da do bệnh thấp tim thường rất hiếm gặp, nếu có, đó là những hạt cứng xuất hiện ở bên dưới da, chủ yếu ở đầu gối. Da ở trên nốt này thường vẫn di động bình thường và không có biểu hiện viêm ở trên. Những hạt này không dính vào da, thay vào đó chúng dính vào xương và không đau khi ấn vào. Các hạt này tồn tại một vài tuần nhưng không nhiều hơn 1 tháng. Đôi khi tổn thương là các ban có hình tròn, bờ viền cao hơn bề mặt của da, có màu hồng hoặc vàng nhạt, thường xuất hiện ở thân, gốc các chi và không bao giờ có ở mặt. Sau vài ngày đến vài tuần, những tổn thương này có thể biến mất.
Bệnh thấp tim ở trẻ em nếu không được nhận biết bởi các dấu hiệu nêu trên kịp thời để điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và di chứng về sau.
3. Cách phòng ngừa bệnh thấp tim ở trẻ em
Trẻ đã bị bệnh thấp tim cần được chăm sóc, thực hiện những biện pháp phòng ngừa và dự phòng điều trị để bệnh không tiến triển và gây di chứng. Cụ thể:
- Điều trị dự phòng kháng sinh cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ, điều trị bệnh liên tục trong suốt thời kỳ niên thiếu.
- Siêu âm tim cho trẻ định kỳ. Trẻ bị hẹp hở van tim do bệnh thấp tim để lại di chứng phải luôn chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng, chải răng sạch sau các bữa ăn để phòng ngừa tình trạng răng bị nhiễm trùng dẫn đến nhiễm khuẩn máu và nội mạc tim.
- Nếu có thực hiện thủ thuật hoặc phẫu thuật hoặc nhổ răng, cần thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh thấp tim của trẻ để được chỉ định dùng kháng sinh dự phòng trước.
- Đưa trẻ tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được bỏ qua lịch tái khám vì có thể không kịp thời theo dõi tiến triển bệnh hoặc bệnh tái phát gây nguy hiểm.
Yếu tố nguy cơ tái phát:
- Không tuân thủ phòng tái phát
- Tiền căn bị nhiều đợt tái phát
- Khoảng cách từ đợt thấp sau cùng ngắn
- Tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm liên cầu khuẩn (trẻ em, cô giáo, cha mẹ, quân đội)
- Tuổi nhỏ
- Tiền căn thấp tim có viêm tim và có/không di chứng bệnh van tim hậu thấp
Trẻ nhỏ chưa mắc bệnh thấp tim cần được phòng ngừa như sau:
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ
- Giữ vệ sinh cơ thể, đảm bảo vệ sinh vùng mũi họng được sạch sẽ.
- Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để.
- Khi trẻ từ 5 - 15 tuổi thường xuyên bị viêm xoang , viêm amidan hoặc viêm họng, đau tức ngực, sưng khớp, tay múa vờn, không tự chủ trong hoạt động, hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động ... nghi ngờ mắc bệnh thấp tim cần phải cho trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời, phòng bệnh thấp tim.
- Giữ ấm vùng cổ, ngực và mũi họng vào mùa đông
- Nâng cao sức đề kháng, miễn dịch bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và theo đúng lịch.
Thời gian phòng thấp:
- Thấp tim chưa có biến chứng van tim: tối thiểu 5 năm sau đợt thấp cuối cùng, cho tới 18 tuổi.
- Thấp tim có biến chứng viêm tim: 10 năm sau đợt thấp cuối cùng, cho tới 21 tuổi, vẫn tiếp tục cho đủ thời gian dù đã phẫu thuật.
Chú ý: Khi đang tiêm phòng thấp cấp II, nên chuyển thuốc tiêm thành thuốc uống trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang bị suy tim nặng
- Bệnh nhân đang bị một bệnh cấp tính khác như: Hen phế quản, viêm phế quản, suy gan, suy thận...
- Bệnh nhân có chỉ định: nong van, mổ sửa van, mổ thay van...
Chẩn đoán để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn là phương pháp phòng ngừa bệnh thấp tim hiệu quả. Trong trường hợp phát hiện bệnh muộn và điều trị không đúng thì dễ dẫn đến suy tim nặng, thậm chí là tử vong. Vì vậy, khi có triệu chứng cảnh báo bệnh thấp tim, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.