Tin tức

Vì sao động mạch bị xơ vữa?

Xơ vữa động mạch là bệnh lý nguy hiểm do mảng bám tích tụ, gây hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, dẫn đến đau tim, đột quỵ... Nguyên nhân do huyết áp cao, cholesterol cao, hút thuốc, tiểu đường... Phòng ngừa bằng cách bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.

Xơ vữa động mạch: Hiểu rõ, phòng ngừa và điều trị

Xơ vữa động mạch là tình trạng thành các động mạch bị xơ cứng và có các mảng bám trong lòng mạch gây hẹp lòng hay tắc nghẽn các động mạch. Các mảng bám này được tạo ra do sự lắng đọng cholesterol, các chất béo, canxi, fibrin và các chất lắng đọng khác. Biến chứng của bệnh thường là những cơn đau tim, đột quỵ, bệnh máu ngoại biên. Xơ vữa động mạch là một căn bệnh rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, để dự phòng được bệnh này, bạn nên khám sức khỏe định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh.

1. Xơ vữa động mạch là gì?

  • Xơ cứng động mạch: Xảy ra khi các mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng từ tim đến phần còn lại của cơ thể (động mạch) trở nên dày và cứng. Đôi khi, nó hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan và mô. Các động mạch khỏe mạnh vốn mềm mại và đàn hồi, nhưng theo thời gian, các thành mạch trong các động mạch có thể cứng lại. Tình trạng này thường được gọi là xơ cứng động mạch.

  • Xơ vữa động mạch: Là một loại xơ cứng động mạch đặc thù, nhưng các thuật ngữ này đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau. Xơ vữa động mạch đề cập đến sự tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác trong và trên thành động mạch (mảng bám), có thể hạn chế lưu lượng máu. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm tim, não, thận, chân và bàn chân [Nguồn: AHA].

  • Mảng bám có thể vỡ ra, gây ra cục máu đông. Mặc dù xơ vữa động mạch thường được coi là một vấn đề về tim, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các động mạch ở bất cứ đâu trong cơ thể. Xơ vữa động mạch có thể phòng ngừa được và có thể điều trị được.

2. Triệu chứng xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch tiến triển một cách thầm lặng. Bệnh nhân thường sẽ không có triệu chứng của bệnh cho đến khi động mạch bị hẹp đáng kể hoặc tắc nghẽn đến mức nó không thể cung cấp đủ máu cho các cơ quan và mô. Đôi khi một cục máu đông cũng có thể ngăn chặn hoàn toàn lưu lượng máu, hoặc thậm chí vỡ ra và gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Các triệu chứng xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng phụ thuộc vào các động mạch bị ảnh hưởng. Ví dụ:

  • Động mạch vành: Nếu bị xơ vữa động mạch trong động mạch vành tim, bạn có thể có các triệu chứng như đau ngực hoặc áp lực (đau thắt ngực).

  • Động mạch não: Nếu bị xơ vữa động mạch trong các động mạch dẫn đến não, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như tê hoặc yếu đột ngột ở tay hoặc chân, khó nói hoặc nói chậm, mất thị lực tạm thời ở một mắt hoặc cơ mặt bị chùng xuống. Những tín hiệu này là một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nếu không được điều trị có thể tiến triển thành đột quỵ.

  • Động mạch ngoại biên: Nếu bị xơ vữa động mạch ở động mạch ở tay và chân, bạn có thể có các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên, chẳng hạn như đau chân khi đi bộ (claudication). Theo Medscape, đau cách hồi là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh động mạch ngoại biên [Nguồn: Medscape].

3. Nguyên nhân của xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là một bệnh tiến triển chậm, có thể bắt đầu sớm nhất là thời thơ ấu. Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, xơ vữa động mạch có thể bắt đầu bằng tổn thương ở lớp bên trong của thành động mạch. Xơ vữa động mạch có thể được gây ra bởi:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Triglyceride cao - một loại chất béo (lipid) trong máu
  • Hút thuốc và các nguồn thuốc lá khác
  • Kháng insulin, béo phì hoặc tiểu đường
  • Viêm từ các bệnh chẳng hạn như viêm khớp, lupus hoặc nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân

Một khi thành trong của động mạch bị tổn thương, các tế bào máu và các chất khác thường sẽ đóng cục tại vị trí chấn thương và tích tụ trong lớp lót bên trong của thành động mạch. Theo thời gian, các mảng bám được hình thành từ cholesterol và các sản phẩm tế bào khác cũng tích tụ tại vị trí chấn thương và làm cứng và hẹp lòng các động mạch. Các cơ quan và mô có liên quan đến các động mạch bị nghẽn sẽ không nhận đủ máu để hoạt động bình thường.

Thêm vào đó, lớp lót mịn của mảng bám có thể vỡ, làm tràn cholesterol và các chất khác vào máu. Điều này có thể gây ra cục máu đông, có thể chặn lưu lượng máu đến một bộ phận cụ thể của cơ thể, chẳng hạn như xảy ra khi dòng máu bị chặn đến tim gây ra cơn đau tim. Một cục máu đông cũng có thể di chuyển đến các bộ phận khác trên cơ thể, gây nghẽn dòng chảy đến cơ quan khác.

4. Các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch

Sự cứng lại của các động mạch xảy ra theo thời gian. Bên cạnh lão hóa, các yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Hút thuốc và sử dụng thuốc lá khác
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Thiếu tập thể dục
  • Một chế độ ăn uống không lành mạnh.

5. Biến chứng của xơ vữa động mạch

Các biến chứng của xơ vữa động mạch phụ thuộc vào các động mạch bị nghẽn. Ví dụ:

  • Bệnh động mạch vành: Khi xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch vành tim sẽ gây bệnh động mạch vành và có thể gây đau ngực (đau thắt ngực), đau tim hoặc suy tim, rối loạn nhịp tim.

  • Bệnh động mạch cảnh: Khi xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch gần não, có thể bị bệnh xơ vữa động mạch cảnh và có thể gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ. Theo thống kê từ Viện Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ (NINDS), bệnh động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ [Nguồn: NINDS].

  • Bệnh động mạch ngoại vi: Khi xơ vữa động mạch thu hẹp các động mạch ở cánh tay hoặc chân, có thể giảm tưới máu ở cánh tay và chân được gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Điều này có thể làm cho cơ thể ít nhạy cảm hơn với nóng và lạnh, làm tăng nguy cơ bị bỏng hoặc tê cóng. Trong một số ít trường hợp, tuần hoàn kém ở tay hoặc chân có thể gây chết mô (hoại tử).

  • Chứng phình động mạch: Xơ vữa động mạch cũng có thể gây phình động mạch, một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể. Chứng phình động mạch là một chỗ phình ra trong thành động mạch. Hầu hết những người bị phình mạch không có triệu chứng. Đau và nhói ở vùng phình động mạch có thể xảy ra và là tình trạng cần cấp cứu. Nếu chứng phình động mạch vỡ, có thể phải đối mặt với chảy máu bên trong đe dọa tính mạng. Mặc dù, đây thường là một sự kiện bất ngờ, biến cố thảm khốc, nhưng sự rò rỉ có thể chậm. Nếu cục máu đông trong phình động mạch bị bong ra, nó có thể gây tắc nghẽn động mạch ở một điểm xa.

  • Bệnh thận mãn tính: Xơ vữa động mạch có thể làm cho các động mạch dẫn máu đến thận của bạn bị hẹp, ngăn không cho máu đến cung cấp oxy và dưỡng chất cho chủ mô thận. Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.

6. Phòng ngừa xơ vữa động mạch

Những thay đổi lối sống lành mạnh được đề nghị để điều trị xơ vữa động mạch cũng giúp ngăn ngừa bệnh. Bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc
  • Ăn thực phẩm lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Chỉ cần thực hiện thay đổi trên từng bước một thì có thể quản lý được bệnh về lâu dài.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; healthline.com; webmd.com.

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2025 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper