1. Vì sao trẻ bị xuất huyết não?
Xuất huyết não, màng não là tình trạng chảy máu não, màng não do vỡ bất kì một mạch máu nào trong não. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề.
Xuất huyết não ở trẻ em là một bệnh cảnh nặng cấp tính do nhiều nguyên nhân như chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, các bệnh lý huyết học gây rối loạn đông máu khác... Trong đó, rối loạn đông máu do thiếu vitamin K là nguyên nhân chính.
Theo nghiên cứu, Vitamin K tham gia vào quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu ở gan. Thiếu các yếu tố này cơ thể dễ bị chảy máu. 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 45-60 ngày tuổi, trên độ tuổi này.
Nguyên nhân thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ là do:
- Vitamin K được cung cấp từ mẹ sang thai nhi qua rau thai, lượng này rất nhỏ, và phần chính vitamin K mà trẻ nhỏ nhận được qua sữa mẹ. Tuy nhiên vitamin K trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò, sữa bột nhân tạo. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thay đổi từ khoảng 20-30 microgam/lít; trong khi ở sữa bột nhân tạo, lượng vitamin K có trên 50 microgam/lít.
- Sữa của người mẹ không được ăn bồi dưỡng trong những tháng cuối của thời kỳ thai, ở những người mẹ ăn kiêng khem sau sinh như kiêng ăn mỡ, dầu, lượng vitamin K trong sữa mẹ càng ít.
- Ở trẻ nhỏ sau khi sinh, lúc một tháng tuổi, vi khuẩn có khả năng tổng hợp vitamin K ở ruột chưa đủ, do đó trẻ nhỏ càng dễ bị thiếu vitamin K dẫn đến xuất huyết não , màng não hơn trẻ lớn.
- Những trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh sớm, bị rối loạn tiêu hóa cũng làm cho nguồn vitamin K tổng hợp ở ruột ít.
- Những bà mẹ có dùng các thuốc như rifamycin, isoniazid, bacbiturat hoặc bị nhiễm dioxin trong thời kỳ mang thai cũng dễ bị xuất huyết hơn con của các bà mẹ không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
2. Biến chứng nguy hiểm xuất huyết não, màng não ở trẻ
Trẻ bị xuất huyết não, màng não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong rất cao từ 25 – 40%, hoặc để lại di chứng 40-50%.
Các di chứng hay gặp nhất ở trẻ bị xuất huyết não gồm có:
- Động kinh;
- Liệt vận động;
- Chậm phát triển tinh thần;
- Ứ nước não thất, khiến trẻ bị tàn tật suốt đời.
Bệnh xuất huyết não ở trẻ em nguy hiểm như vậy song lại hoàn toàn có thể dự phòng được và chữa khỏi, ít di chứng nếu như phát hiện được bệnh sớm.
3. Dấu hiệu nhận biết xuất huyết não, màng não ở trẻ
Xuất huyết não, màng não ở trẻ chủ yếu là do thiếu vitamin K . Bệnh xảy ra rất nhanh và có các dấu hiệu sau:
- Đột nhiên thấy da trẻ xanh tái đi, bỏ bú, nôn trớ rồi trẻ khóc thét, rên rỉ.
- Trẻ bị co giật, mất ý thức và hôn mê.
- Trẻ tiếp tục co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ ở một chi, ở mặt hay nửa người, sụp mí mắt.
- Nhiều trẻ có biểu hiện thở không đều hoặc có từng lúc ngừng thở. Tình trạng bệnh nhi lúc này rất nguy kịch.
- Nếu để ý kỹ, người mẹ có thể phát hiện thấy thóp của trẻ phồng, căng.
- Trên da trẻ có một số biểu hiện xuất huyết như có chỗ bầm tím, với trẻ trong tuần đầu sau sinh có biểu hiện chảy máu rốn kéo dài và nếu trẻ có tiêm chích thì chỗ tiêm chích bầm tím.
- Khi có biểu hiện xuất huyết ở da, ở rốn, ở chỗ tiêm chích nên đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện tình trạng dễ chảy máu và được điều trị sớm, không để xảy ra xuất huyết não , màng não.
Nếu biểu hiện bệnh như trên xảy ra vào khoảng 30-60 ngày tuổi có thể nghi ngờ ngay là xuất huyết não , màng não. Xét nghiệm thấy có thiếu máu, chọc dò nước não tủy thấy dịch chảy ra màu hồng.
4. Điều trị và dự phòng xuất huyết não, màng não ở trẻ
Xuất huyết não, màng não ở trẻ nhỏ là một bệnh nặng phải được đưa đi điều trị cấp cứu tại bệnh viện
4.1. Điều trị xuất huyết não, màng não
Xuất huyết não , màng não ở trẻ nhỏ là một bệnh nặng phải được điều trị cấp cứu tại bệnh viện, không thể chữa tại nhà hoặc ở các phòng mạch, do đó khi có các biểu hiện nghi ngờ là xuất huyết não, màng não như đã nói đến ở trên thì người nhà phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán xác định.
Nếu là do thiếu vitamin K thì trẻ phải được điều trị tích cực bằng việc tiêm vitamin K, truyền máu và chăm sóc, theo dõi đặc biệt, chống co giật, hỗ trợ thở và cung cấp dinh dưỡng vì trẻ bị hôn mê, không bú được.
Sau khi cầm máu, chảy máu màng não ổn định, nếu có ổ máu tụ có thể phải can thiệp phẫu thuật lấy máu tụ. Bằng phương pháp điều trị khẩn trương, tốn kém như trên, nhưng tỷ lệ tử vong, di chứng vẫn còn cao, vì thế nên việc dự phòng xuất huyết não , màng não cho trẻ nhỏ là rất quan trọng.
4.2. Các biện pháp dự phòng xuất huyết não, màng não
Bệnh xuất huyết não , màng não ở trẻ nhỏ hoàn toàn có thể dự phòng được bằng việc các bà mẹ ngay từ trong thời kỳ còn mang thai nên chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe cho mình như bổ sung thêm vitamin K qua các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, sữa, trứng gà, đậu phụ, thịt lợn nạc, thịt bò...
Sau khi sinh, nên cung cấp vitamin K cho tất cả trẻ mới sinh tTiêm cho tất cả các trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1mg.
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu về Nhi khoa : gồm các chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.