Siêu âm, chụp chiếu bụng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không sang chấn, chi phí ít và có thể thực hiện nhiều lần. Các phương pháp siêu âm, chụp chiếu có khả năng thực hiện nhanh chóng tại tất cả các cơ sở y tế, có khả năng góp phần tăng cường tỷ lệ chẩn đoán chính xác trong bệnh lý phình động mạch chủ bụng.
1. Tổng quan về chứng phình động mạch chủ bụng
1.1. Phình động mạch chủ bụng là gì?
Phình động mạch là sự giãn khu trú của thành mạch làm mất đi tính song song của thành mạch. Phình động mạch chủ bụng được xác định khi đường kính lớn nhất vượt quá 1,5 lần đường kính của đoạn bình thường trước nó. Đường kính trung bình của động mạch chủ bụng ở người bình thường là 2cm, khi đường kính động mạch chủ bụng lớn hơn 3cm thì được coi là phình.
Phình động mạch chủ bụng dưới thận chiếm 90 - 95% phình động mạch chủ bụng, 40% phình động mạch chủ bụng có phình động mạch chậu kèm theo.
1.2. Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng
Có nhiều nguyên nhân gây ra phình động mạch chủ bụng:
- Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây phình động mạch chủ bụng;
- Tuổi tác, tăng huyết áp;
- Tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch (Xơ vữa động mạch được cho là nguyên nhân lớn gây phình động mạch chủ bụng. Động mạch chủ dưới thận chịu ảnh hưởng của quá trình vữa xơ động mạch nhiều nhất và là vị trí hay gặp của phình động mạch chủ bụng).
- Giới tính và yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành phình động mạch chủ bụng.
- Tỷ lệ bị phình động mạch chủ bụng tăng nhanh sau 55 tuổi ở nam giới và 70 tuổi ở nữ giới.
1.3. Dấu hiệu nhận biết
Phình động mạch chủ bụng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do vậy bạn cần phải nhận biết các dấu hiệu và thăm khám định kỳ để chẩn đoán phình động mạch chủ bụng hay không.
Các dấu hiệu phình động mạch chủ bụng không gây ra triệu chứng rõ rệt, túi phình phát triển từ từ trong nhiều năm và nếu túi phình lớn nhanh, rách ra (vỡ phình), hoặc máu chảy dọc theo thành động mạch (bóc tách động mạch chủ), các triệu chứng có thể đến đột ngột.
Một số dấu hiệu phình động mạch chủ bụng có thể gặp như:
- Cảm thấy mạch đập trong bụng của bạn, giống với nhịp đập của tim
- Đau nhiều, xuất hiện đột ngột trong vùng bụng hoặc đau ở dưới lưng. Đau có thể lan xuống bẹn, mông và chân. Nếu điều này xảy ra, túi phình của bạn có thể sắp bị vỡ
- Trong những trường hợp hiếm, người bệnh có thể bị đau nhức, bị tím tái ở các ngón chân hoặc bàn chân vì những mảnh vỡ từ túi phình gây tắc mạch máu nhỏ ở bàn chân và các ngón chân
- Nếu túi phình của bạn bị vỡ, người bệnh có thể đột ngột cảm thấy mệt lả, chóng mặt hoặc đau hoặc bạn thậm chí có thể mất ý thức. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn, toát mồ hôi, tim đập nhanh ở tư thế đứng. Đây là một tình huống nguy hiểm tính mạng và người bệnh nên đi cấp cứu ngay lập tức.
2. Vai trò của siêu âm, chụp chiếu bụng trong chẩn đoán phình động mạch chủ bụng
Theo các nghiên cứu gần đây, siêu âm bụng có độ nhạy 95% và độ đặc hiệu gần 100% trong chẩn đoán phình động mạch chủ bụng
Siêu âm, chụp chiếu bụng là phương pháp không xâm nhập, chi phí thấp và có thể thực hiện nhiều lần trong chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Theo các nghiên cứu gần đây, siêu âm bụng có độ đặc hiệu 95% trong chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Tỉ lệ này có thể so sánh với chụp CT và MRI. Siêu âm có thể giúp chẩn đoán và theo dõi chứng phình động mạch chủ bụng.
Siêu âm cung cấp thông tin về:
- Đường kính thực tế và chiều dài của túi phình động mạch chủ bụng
- Đường kính lòng túi phình (khi bơm thuốc cản quang)
- Mối liên quan của túi phình với các động mạch chính xuất phát từ động mạch chủ bụng.
Với ưu điểm như thế, tuy nhiên trong nhiều trường hợp siêu âm cũng có những hạn chế nhất định như:
- Bệnh nhân béo: sóng siêu âm khó xuyên sâu
- Bụng chướng hơi nhiều: Sẽ gây cản trở trường khảo sát siêu âm
- Trường hợp vỡ phình động mạch chủ bụng.
3. Các siêu âm, bụng chụp chiếu giúp đánh giá phình động mạch chủ bụng
Hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng. Một số triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán phình động mạch chủ bụng như:
- Đau: có thể đột ngột, dữ dội hoặc đau dai dẳng giữa bụng hoặc lưng, đau lan xuống hai chân
- Vã mồ hôi, chóng mặt
- Khó thở
- Sờ bụng để phát hiện khối phình. Khả năng phát hiện khối phình khi thăm khám bụng thay đổi, phụ thuộc vào kinh nghiệm của người khám, kích thước của khối phình và độ dày thành bụng của bệnh nhân. 40% các khối phình có thể được sờ thấy khi thăm khám bụng
- Mạch nhanh, huyết áp thấp .
Chẩn đoán phình động mạch chủ bụng bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:
- Siêu âm bụng : Siêu âm có thể nhận biết gần như 100% vị trí và độ phình của động mạch chủ bụng
- MSCT scan bụng : Chụp MSCT để kiểm tra chính xác kích cỡ vùng bị phình
- Chụp cản quang động mạch.
4. Phòng ngừa và kiểm soát bệnh phình động mạch chủ bụng
Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền, không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ khác có thể được điều chỉnh hoặc kiểm soát, điều này làm giảm đáng kể khả năng bạn bị phình động mạch chủ bụng và đoạn động mạch chủ các vùng khác.
Một số cách bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ bao gồm:
- Không hút thuốc lá, rượu bia.
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là tác nhân quan trọng gây ra bệnh mạch máu, bạn nên duy trì huyết áp bình thường bằng cách sử dụng chế độ ăn uống một cách hợp lý, kiểm soát căng thẳng, stress hoặc dùng thuốc kiểm soát huyết áp.
- Kiểm soát mức cholesterol của bạn: cholesterol cao dẫn đến xơ vữa động mạch - là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây phình động mạch chủ.
- Khám sức khỏe thường xuyên: Khi bạn duy trì khám sức khỏe thường xuyên, các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ, như tăng huyết áp và cholesterol cao, có thể được phát hiện và điều trị sớm.
Nếu bạn những dấu hiệu phình động mạch chủ bụng, bạn hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các phương pháp hỗ trợ, điều trị tốt nhất.