1. Các loại thuốc chống đông dùng điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới , mục tiêu chính là ngăn ngừa thuyên tắc phổi. Các mục tiêu điều trị khác đi kèm có thể cần đặt ra đó là: Ngăn ngừa cục máu đông lớn, mới và biến chứng lâu dài. Do đó, việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và thuyên tắc phổi là tương tự nhau. Trong cả hai trường hợp, phương pháp điều trị chính là sử dụng thuốc chống đông máu.
Thuốc chống đông máu là những loại thuốc làm loãng máu. Chúng không thực sự làm tan cục máu đông mà giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Các loại thuốc chống đông được sử dụng trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới gồm:
- Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp: Thuốc để chống đông máu ban đầu thường dùng là apixaban (biệt dược Eliquis), dabigatran (biệt dược Pradaxa), edoxaban (biệt dược Savaysa) hoặc rivaroxaban (biệt dược Xarelto).
- Heparin trọng lượng phân tử thấp, được tiêm dưới da: Đây là một trong những thuốc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu , các lựa chọn bao gồm dalteparin (biệt dược Fragmin), enoxaparin (biệt dược Lovenox) và tinzaparin (biệt dược Innohep).
- Fondaparinux (biệt dược Arixtra): Dạng thuốc dùng đường tiêm dưới da.
- Heparin không phân đoạn: Thuốc được tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da và là lựa chọn ưu tiên trong một số trường hợp nhất định, đóng vai trò quan trọng trên người bệnh cần lọc máu vì suy thận .
Liệu pháp sử dụng thuốc kháng đông ban đầu thường là 5 - 10 ngày với heparin trọng lượng phân tử thấp (heparin không phân đoạn hoặc fondaparinux). Sau đó, người bệnh được tiếp tục chỉ định dùng kháng đông dài hạn từ 3 - 12 tháng. Thuốc chống đông máu đường uống cũng là một lựa chọn lâu dài. Ưu điểm của nhóm thuốc này là có thể khởi trị ngay sau khi chẩn đoán bệnh.
Trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể thay thế một loại thuốc uống khác gọi là thuốc kháng vitamin K (warfarin) thay vì nhóm thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp. Tuy nhiên, hạn chế khi dùng warfarin là người bệnh cần đi xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tác dụng làm loãng máu của thuốc và đảm bảo đang dùng đúng liều lượng.
Còn lại một số đối tượng rất hiếm, vì lý do đặc biệt không dùng được warfarin hoặc t huốc chống đông máu đường uống trực tiếp thì sẽ phải thay thế bằng cách tiêm heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc fondaparinux trong toàn bộ thời gian điều trị, một hoặc hai lần mỗi ngày.
Như vậy, việc lựa chọn thuốc chống đông máu trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình hình và tiền sử bệnh, các bệnh lý đi kèm, cân nhắc chi phí và lựa chọn của bệnh nhân.
2. Thời gian điều trị thuốc chống đông trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Thuốc chống đông điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu được khuyến cáo dùng trong tối thiểu là 3 tháng. Tuy vậy, những bệnh nhân có một yếu tố nguy cơ có thể góp phần vào chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, chẳng hạn như chấn thương, phẫu thuật hoặc nằm trên giường trong một thời gian dài, người bệnh có thể sẽ được điều trị bằng thuốc chống đông máu chỉ trong 3 tháng hoặc cho đến khi yếu tố nguy cơ xác định đã được giải quyết.
Các nhóm chuyên gia đề xuất rằng, những người mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới nhưng không xác định được các yếu tố nguy cơ đã biết có thể cần điều trị bằng thuốc chống đông máu trong một khoảng thời gian không xác định. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp cụ thể, người bệnh cần được thảo luận những ưu và khuyết điểm với bác sĩ sau 3 tháng điều trị. Nếu vẫn quyết định tiếp tục dùng kháng đông vì những lợi ích đạt được là cao hơn nguy cơ mắc phải, bác sĩ sẽ tiếp tục đánh giá lại một cách thường xuyên. Một số người bệnh quyết định tiếp tục thuốc chống đông máu, điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, trong khi những người khác lựa chọn phương án ngừng thuốc chống đông máu sẽ phải đối diện với khả năng tăng nguy cơ hình thành huyết khối lặp lại.
Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo nên tiếp tục dùng thuốc chống đông vô thời hạn cho những người đã từng có hai đợt huyết khối tĩnh mạch trở lên hoặc nếu có ít nhất một yếu tố nguy cơ gây đông máu vẫn còn (ví dụ như hội chứng antiphospholipid, ung thư).
Việc đi lại trong khi dùng thuốc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu được khuyến khích khi đã bắt đầu dùng thuốc và các triệu chứng (như đau, sưng) đã được kiểm soát. Các nghiên cứu sẵn có cho thấy không có nguy cơ gia tăng các biến chứng (thuyên tắc phổi) ở những người bệnh đứng dậy và đi bộ, ngược lại việc đi bộ sớm trở lại có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt cũng như cải thiện bệnh nhanh hơn.
3. Những thận trọng khi dùng thuốc chống đông
3.1. Nguy cơ hình thành cục máu đông khác
Những bệnh nhân đang được dùng thuốc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu vẫn có nguy cơ hình thành cục máu đông khác, mặc dù nguy cơ này nhỏ hơn đáng kể khi đã khởi trị. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi các cơn đau, sưng hoặc đỏ ở chân mới xuất hiện. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cho bác sĩ hoặc nhập viện càng sớm càng tốt:
- Đau ngực mới khởi phát kèm theo khó thở.
- Nhịp tim nhanh hoặc cảm giác lâng lâng, chóng mặt .
3.2. Nguy cơ chảy máu
Các loại thuốc chống đông máu như heparin và warfarin có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và cần được dùng đúng theo chỉ dẫn. Trong trường hợp quên uống hoặc bỏ lỡ một liều, hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn. Đừng cố dùng bù hoặc tự thay đổi liều trừ khi bác sĩ yêu cầu cụ thể.
Song song đó, người bệnh có nhiều khả năng dễ bị chảy máu khi dùng thuốc chống đông. Chảy máu có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể, chẳng hạn như mũi hoặc nướu răng, cường kinh ở phụ nữ... và có các dấu bầm tím trên da.
Trong một số trường hợp, nếu có chảy máu bên trong nội tạng, người bệnh khó có thể nhận thấy ngay. Chảy máu bên trong cơ thể có thể khiến người bệnh choáng váng, hôn mê hoặc đau ở lưng và bụng. Gọi cho bác sĩ hay nhập viện ngay lập tức nếu có những triệu chứng này.
Chính vì nguy cơ chảy máu, người bệnh cần có một số thay đổi đơn giản có thể làm giảm thiểu rủi ro này, ví dụ:
- Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm.
- Cạo bằng dao điện thay vì dùng lưỡi lam.
- Thận trọng khi xử lý các vật sắc nhọn.
- Tránh các hoạt động có thể dẫn đến chấn thương.
- Sử dụng thiết bị an toàn thích hợp trong hoạt động thể chất.
- Tránh dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDS), trừ khi được bác sĩ chỉ định. Tốt nhất là nên dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn khác, chẳng hạn như acetaminophen.
3.3. Đeo thẻ cảnh báo
Trong khi đang dùng thuốc chống đông máu, người bệnh nên được đeo vòng tay y tế, vòng cổ hoặc thẻ cảnh báo tương tự mọi lúc mọi nơi. Đây là phương tiện giúp cảnh báo nguy cơ chảy máu quá nhiều khi bản thân người bệnh mất nhận thức do tai nạn xảy ra.
Tóm lại, thuốc chống đông máu vẫn là phương pháp chính trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới vì không xâm lấn, đem lại hiệu quả nhanh chóng cũng như nguy cơ biến chứng thấp và cải thiện tích cực tỷ lệ mắc bệnh, tử vong. Tuy vậy, vì rủi ro tăng khả năng chảy máu, trước khi khởi trị thuốc chống đông , người bệnh cần được tư vấn kỹ cách nhận biết các triệu chứng bất thường để nhập viện ngay và kịp thời xử trí.