1. Chẩn đoán LQTS
Hội chứng QT dài được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên về tim mạch. Để chẩn đoán đúng LQTS, bác sĩ cần xem xét:
- Kết quả điện tâm đồ
- Bệnh sử và kết quả khám sức khỏe
- Kết quả xét nghiệm di truyền
1.1 Điện tâm đồ
Điện tâm đồ là một xét nghiệm phố biến nhằm phát hiện và ghi lại hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này có thể cho thấy khoảng QT dài và các dấu hiệu khác của LQTS.
Không phải tất cả người bị LQTS sẽ luôn có khoảng QT dài trên điện tâm đồ. Khoảng QT có thể thay đổi theo thời gian, nó có thể dài vào lúc này và bình thường vào lúc khác. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện điện tâm đồ trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần. Hoặc, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đeo một thiết bị theo dõi tim (Holter) .
Máy theo dõi Holter ghi lại hoạt động điện của tim trong khoảng thời gian 24 hoặc 48 giờ đầy đủ. Nó có thể phát hiện các vấn đề về tim xảy ra chỉ trong vài phút trong ngày.
Bệnh nhân được gắn những miếng dán điện cực trên ngực. Miếng dán điện cực có dây kết nối với một máy ghi điện tim nhỏ, di động. Bệnh nhân có thể đeo máy ghi điện tim ở thắt lưng, để trong túi hoặc treo quanh cổ. Trong khi đeo Holter, bệnh nhân vẫn thực hiện các hoạt động thường ngày. Người bệnh cũng có một cuốn sổ ghi chép, ghi chú bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện và thời gian xảy ra trong lúc đeo Holter. Bác sĩ sẽ đọc kết quả từ máy ghi và kết hợp với cuốn sổ ghi chép để chẩn đoán bệnh.
Một số người chỉ có khoảng QT dài khi tập thể dục. Do đó, bác sĩ có thể cho người bệnh làm một bài kiểm tra căng thẳng. Bệnh nhân được tập thể dục để tim hoạt động mạnh và đập nhanh. Điện tâm đồ được thực hiện trong khi bệnh nhân tập thể dục. Nếu người bệnh không thể tập thể dục được, bác sĩ có thể được uống thuốc để tăng nhịp tim.
1.2 Tiền sử bệnh và khám sức khỏe
Bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh và khám cho bệnh nhân để làm cơ sở chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng do nhịp tim bất thường bao gồm:
- Ngất xỉu không rõ nguyên nhân
- Cảm giác rung rinh trong lồng ngực do tim đập quá nhanh
- Thở hổn hển trong khi ngủ
Bác sĩ có thể hỏi về loại thuốc đang đã dùng.
Tiền sử gia đình có ai bị mắc LQTS hoặc có các dấu hiệu của LQTS.
Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khoẻ hiện tại của bệnh nhân có bị giảm nồng độ kali hoặc natri trong máu hay không.
1.3 Xét nghiệm di truyền
Xét nghiệm gen có thể phát hiện một số dạng LQTS do di truyền. Xét nghiệm gen di truyền thường được chỉ định cho các thành viên gia đình của những người mắc bệnh LQTS. Tuy nhiên, xét nghiệm di truyền không phải lúc nào cũng phát hiện ra LQTS.
Ngược lại, một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm gen LQTS dương tính nhưng lại không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Những người này có thể mắc bệnh LQTS im lặng.
2. Điều trị LQTS như thế nào?
Mục tiêu của điều trị hội chứng QT dài là ngăn ngừa các cơn ngất xỉu, nhịp tim bất thường và đe dọa đến tính mạng. Điều trị hội chứng QT dài không chữa được rối loạn nhịp tim và không khôi phục khoảng QT bình thường trên điện tâm đồ. Tuy nhiên, điều trị giúp cải thiện cơ hội sống sót đáng kể.
2.1 Các phương pháp điều trị cụ thể
Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cho bệnh nhân dựa trên:
- Triệu chứng của bệnh
- Loại LQTS bệnh nhân mắc phải
- Khả năng bệnh nhân bị ngất xỉu hoặc ngừng tim đột ngột
- Điều trị phù hợp với bệnh nhân nhất
Với người mắc LQTS mà không có triệu chứng có thể được khuyên:
- Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ ngất xỉu hoặc ngừng tim đột ngột, tránh một số môn thể thao, thể dục nặng như bơi lội, có thể gây ra nhịp tim bất thường.
- Tránh các loại thuốc có thể kích hoạt nhịp tim bất thường như một số loại thuốc được sử dụng để điều trị dị ứng, nhiễm trùng, cao huyết áp, cholesterol máu cao, trầm cảm và loạn nhịp tim.
- Sử dụng thuốc như thuốc chẹn beta , giúp giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng bằng cách làm chậm nhịp tim.
- Loại thuốc dùng cũng phụ thuộc vào loại LQTS. Ví dụ, bác sĩ thường chỉ kê đơn thuốc chẹn kênh natri cho những người mắc bệnh LQTS 3.
Nếu bệnh nhân có nguy cơ mắc các biến chứng LQTS, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị tích cực hơn (ngoài thuốc và thay đổi lối sống) bao gồm:
- Cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim giúp kiểm soát nhịp tim bất thường.
- Phẫu thuật các dây thần kinh điều chỉnh nhịp tim.
2.2 Thay đổi lối sống
Bệnh nhân LQTS cần tránh những thứ có thể gây ra nhịp tim bất thường. Ví dụ, những người bị LQTS nên tránh các loại thuốc kéo dài khoảng QT hoặc tình trạng bị giảm nồng độ kali trong máu .
Bệnh nhân LQTS cũng nên bổ sung nhiều kali vào chế độ ăn. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc ăn nhiều thực phẩm giàu kali hoặc bổ sung kali hàng ngày.
2.3 Sử dụng thuốc
Thuốc chẹn beta là loại thuốc ngăn tim đập nhanh hơn để phản ứng với căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc. Hầu hết những người bị LQTS được điều trị bằng thuốc chẹn beta.
Các bác sĩ có thể dùng thuốc chẹn kênh natri cho bệnh nhân LQTS 3 như mexiletine. Các loại thuốc này làm giảm hoạt động kênh ion natri.
2.4 Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim (ICD) là những thiết bị nhỏ giúp kiểm soát nhịp tim bất thường. Cả hai thiết bị đều sử dụng dòng điện để thúc đẩy tim đập bình thường. Bác sĩ phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim và ICD vào ngực hoặc bụng bằng một thủ thuật nhỏ.
Việc sử dụng các thiết bị này là tương tự ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, trẻ em vẫn đang phát triển nên sẽ có các vấn đề phát sinh và cần thay thế thiết bị phù hợp.
2.5 Phẫu thuật
Những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do LQTS có thể được phẫu thuật để cắt các dây thần kinh thúc đẩy tim đập nhanh hơn khi phản ứng với căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc.Phẫu thuật giúp cho tim đập ở một tốc độ ổn định và giảm nguy cơ nhịp tim nguy hiểm khi phản ứng với căng thẳng hoặc tập thể dục.
3. Chung sống với LQTS
- Tránh những thứ gây ra nhịp tim bất thường
- Cho người khác biết bạn có thể ngất xỉu hoặc tim ngừng đập
- Có sẵn kế hoạch về cách xử lý nhịp tim bất thường
- Nếu nhịp tim bất thường xảy ra, cần tìm cách điều trị ngay lập tức
3.1 Tránh các yếu tố kích hoạt
- Nếu tập thể dục gây ra nhịp tim bất thường người bệnh cần tránh các bài tập gắng sức đặc biệt là bơi lội.
- Với bệnh nhân đã cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cần tránh các môn thể thao tiếp xúc có thể làm hỏng các thiết bị này.
- Tránh các loại thuốc có thể gây ra nhịp tim bất thường như một số loại thuốc được sử dụng để điều trị dị ứng, nhiễm trùng, cao huyết áp, cholesterol cao, trầm cảm và loạn nhịp tim.
- Nếu bị giảm nồng độ natri hoặc kali trong máu bệnh nhân cần phải được điều trị ngay.
- Với bệnh nhân LQTS 2, cố gắng tránh những tiếng ồn chẳng hạn như chuông đồng hồ báo thức lớn hoặc chói tai.
3.2 Thông báo cho người khác biết về bệnh của mình
- Người bệnh có thể đeo vòng cổ hoặc vòng tay y tế cho biết rằng họ bị LQTS. Điều này sẽ giúp cảnh báo cho nhân viên y tế và những người khác về tình trạng của người bệnh nếu gặp trường hợp khẩn cấp.
- Thông báo cho những người thường xuyên tiếp xúc về tình trạng bệnh để có biện pháp xử lý trong trường hợp khẩn cấp
- Thành viên trong gia đình và / hoặc đồng nghiệp biết cách hồi sức tim phổi (CPR) trong trường hợp tim bạn ngừng đập.
- Người bệnh có thể mang theo máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) ở nhà hoặc tại nơi làm việc. Thiết bị này sử dụng các cú sốc điện để khôi phục nhịp tim bình thường.Thành viên trong gia đình và / hoặc đồng nghiệp cũng nên được đào tạo về cách sử dụng AED, đề phòng trường hợp khẩn cấp.
- Bệnh nhân LQTS 3 không nên ngủ một mình, nếu phải ngủ một mình cần có hệ thống liên lạc nội bộ trong phòng ngủ cho phép người khác phát hiện ra tiếng thở hổn hển xảy ra khi có nhịp tim bất thường.
3.3 Khám sức khỏe định kỳ
Người bệnh LQTS nên đi khám bác sĩ tim mạch thường xuyên. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Sống chung với LQTS có thể gây ra sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng cho bệnh nhân. Do vậy, người bệnh có thể xin tư vấn từ bác sĩ để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI