Tăng huyết áp

Hiểu về tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp là bệnh cảnh lâm sàng thường gặp, và là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh mạch vành. Cơn tăng huyết áp, hay còn gọi là tăng huyết áp nặng, huyết áp tăng lên nhanh chóng so với mức bình thường, có thể gặp ở 1% những bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính. Gồm 2 thể lâm sàng: cơn tăng huyết áp cấp cứu, thường đi kèm với tổn thương các cơ quan đích và tăng huyết áp khẩn trương.

1. Cơn tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp cấp cứu là tăng huyết áp nghiêm trọng (huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg, và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg, có kèm theo tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện hoặc nặng hơn. Tỷ lệ tử vong hàng năm > 79% và thời gian sống trung bình 10.4 tháng nếu tình trạng tăng huyết áp nặng không được điều trị.

Tăng huyết áp cấp cứu thường đòi hỏi phải kiểm soát huyết áp nhanh trong 1-2 giờ để tránh tổn thương thêm các cơ quan đích. Có thể gặp các bệnh cảnh lâm sàng điển hình sau:

  1. Tăng huyết áp ác tính: Huyết áp tăng rất cao, HA tâm trương ≥ 120 hoặc 130 mmHg, kèm với tổn thương đáy mắt, suy thận cấp tiến triển, rối loạn đông máu, bệnh cảnh não do tăng huyết áp, suy tim cấp, nếu không được điều trị kịp thời, tiên lượng rất xấu
  2. Tăng huyết áp nặng đi kèm với các bệnh cảnh lâm sàng phức tạp đòi hỏi phải hạ huyết áp khẩn trương như: Phình bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi cấp, xuất huyết não.
  3. Tăng huyết áp do u tuyến thượng thận, cường catecholamine có tổn thương cơ quan khác đi kèm.
  4. Tăng huyết áp trong bệnh cảnh sản giật hoặc tiền sản giật nặng Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào cơ quan đích nào bị tổn thương, nhưng thường gặp: Đau đầu, rối loạn thị giác, đau ngực, khó thở, chóng mặt, co giật, hôn mê.

2. Tăng huyết áp khẩn trương

Tăng huyết áp khẩn trương là gì?

Ngược lại với cơn THA cấp cứu, tăng huyết áp khẩn trương là tình huống lâm sàng có tăng huyết áp đáng kể, nhưng không có bằng chứng tổn thương cơ quan đích. Thường gặp ở những bệnh nhân không tuân thủ điều trị, hoặc ngưng thuốc hạ áp đang dùng

Mặc dù huyết áp của bệnh nhân tăng đáng kể nhưng với tăng huyết áp khẩn trương hiếm khi gây biến chứng cấp. Mức độ nặng tăng huyết áp đã diễn tiến trong nhiều năm. Điều trị tăng huyết áp khẩn trương thường là dùng thuốc uống và hạ huyết áp từ từ trong 24 - 48 giờ.

Điều quan trọng là không được dùng thuốc gây hạ huyết áp mạnh, đột ngột có thể gây tổn thương đáng kể do giảm tưới máu. Trong thực hành lâm sàng việc dùng thuốc nifedine nhỏ dưới lưỡi để hạ áp trong tăng huyết áp khẩn trương đã không còn được khuyến cáo vì có thể gây hạ huyết áp nhanh, nghiêm trọng.

3. Điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Mục tiêu điều trị tăng huyết áp cấp cứu là nên hạ huyết áp động mạch trung bình 25% trong khoảng 1-2 giờ đầu, và duy trì HA tâm thu khoảng 160 mmHg/ HA tâm trương 100-110 mmHg trong 2-6 giờ tiếp theo và HA về bình thường sau 24- 48 giờ, tùy tình huống lâm sàng. Hạ huyết áp tới mức bình thường ≤ 120 mmHg có thể được cho phép trong trường hợp bóc tách động mạch chủ. Trong trường hợp tiền sản giật nặng hoặc sản giật, cơn THA do cường tuyến thượng thận nên giảm HA tâm thu < 140 mmHg.

Tuy nhiên nếu giảm huyết áp quá nhanh về giá trị bình thường có thể là quá mức với bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính. Điều này giải thích hiện tượng thiếu máu các tạng quan trọng và xuất hiện suy thận, thiếu máu não khi hạ huyết áp quá nhanh, quá nhiều.

Việc xác định các cơ quan đích bị tổn thương, và các can thiệp điều trị đặc biệt nào khác hơn ngoài việc hạ áp, các yếu tố làm tình trạng THA nặng thêm như đau, lo lắng, sử dụng thuốc kích thích như amphetamine, cocaine..là rất cần thiết.

Thêm vào đó những bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu ngoài việc cần điều trị ngay lập tức còn cần chẩn đoán tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp. Tuỳ theo dân số, người ta nhận thấy có khoảng 20% - 50% bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu có nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp.

Thuốc lý tưởng để điều trị tăng huyết áp là phải khởi phát nhanh, hiệu lực mạnh, hồi phục nhanh chóng, không gây nhịp nhanh, ít tác dụng phụ.

Thuốc lý tưởng để điều trị tăng huyết áp là phải khởi phát nhanh, hiệu lực mạnh

Một số thuốc truyền tĩnh mạch thường được dùng hiện nay: Sodium nitroprusside, Nicardipine, nitroglycerine, labetalol, hydralazine...

Tóm lại, tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng cần được hạ áp ngay lập tức và sử dụng những loại thuốc phù hợp với từng bệnh cảnh lâm sàng, theo sự chỉ định của bác sĩ, để giảm tối thiểu các biến chứng nặng, và đe dọa tính mạng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội tim mạch học Việt Nam

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper