Chẩn đoán và điều trị cho trẻ có tiếng thổi ở tim

Tiếng thổi tim ở trẻ không phải là một bệnh lý mà là dấu hiệu chỉ điểm bệnh tim mạch mà trẻ có thể mắc phải. Nắm rõ những thông tin sau sẽ giúp bạn hiểu hơn các dấu hiệu để có thể sớm nhận diện bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

1. Tiếng thổi ở tim trẻ là gì?

Tiếng thổi tim là âm thanh bất thường tạo ra trong các chu kỳ tim. Khi nhịp tim bình thường, tạo nên hai âm thanh như "Lụp đụp", âm thanh của các van đóng mở nhưng trong trường hợp máu chảy hỗn loạn ở trong hoặc gần tim ta sẽ nghe thấy tiếng phụt hoặc rít, những âm thanh này có thể nghe thấy với ống nghe.

Tiếng thổi ở tim trẻ có thể xuất hiện ngay khi sinh (trẻ bị tim bẩm sinh ) hoặc phát triển sau này theo thời gian. Một tiếng thổi tim không phải là một bệnh - nhưng tiếng thổi bất thường có thể liên quan đến một vấn đề nào đó về tim.

Tiếng thổi tim có thể vô hại và không cần điều trị. Khi nghe thấy tiếng thổi ở tim trẻ , bác sĩ có thể sẽ yêu cầu theo dõi để chắc chắn không phải là tiếng thổi gây ra do một bệnh tim nghiêm trọng tiềm ẩn. Phương pháp điều trị cần thiết là hướng vào các nguyên nhân gây ra tiếng thổi tim.

2. Triệu chứng

Trẻ em
Tiếng thổi tim lành tính có thể sẽ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác

Tiếng thổi tim lành tính có thể sẽ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác.

Tiếng thổi tim bất thường thường không có dấu hiệu rõ ràng, ngoài những âm thanh khác thường khi bác sĩ nghe tim. Tuy nhiên vẫn còn một số dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể chỉ ra một vấn đề tim mạch:

  • Da xanh, đặc biệt là trên ngón tay và môi.
  • Sưng phù.
  • Khó thở.
  • Gan to.
  • Các tĩnh mạch cổ giãn rộng (nổi).
  • Chán ăn và triệu chứng không phát triển bình thường ở trẻ.
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Đau ngực.
  • Chóng mặt.
  • Bất tỉnh.

Tiếng thổi ở tim trẻ có thể không nghiêm trọng, nhưng nếu muốn chẩn đoán tim có vấn đề bất thường hay không, hãy sắp xếp một cuộc hẹn để gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể cho bạn biết nếu tiếng thổi là vô hại và không đòi hỏi bất kỳ điều trị thêm, còn nếu phát hiện có nguy cơ về tim thì cần được tiếp tục theo dõi và kiểm tra.

3. Các biện pháp chẩn đoán

Tiếng thổi tim thường được phát hiện khi bác sĩ nghe tim bằng cách sử dụng ống nghe trong khám lâm sàng.

Để kiểm tra xem tiếng thổi là vô hại hoặc bất thường, bác sĩ sẽ xem xét:

  • Độ lớn của tiếng thổi? (được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 6, với 6 là to nhất)
  • Vị trí nghe? Liệu tiếng thổi có thể được nghe thấy ở cổ hoặc lưng?
  • Cường độ (cao, trung bình, thấp)?
  • Điều gì ảnh hưởng đến âm thanh? Nếu bệnh nhân thay đổi vị trí cơ thể hoặc tập thể dục?
  • Khi nào tiếng thổi xảy ra và thường trong bao lâu? Nếu tiếng thổi xảy ra khi tim đổ đầy máu (tiếng thổi tâm trương) hoặc trong suốt nhịp tim (tiếng thổi liên tục) thì có thể là có một vấn đề nào đó về tim mạch. Sẽ cần làm một số chẩn đoán hình ảnh thêm để tìm ra vấn đề chính xác là gì.

Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim và hỏi về tiền sử bệnh, đánh giá xem các thành viên khác trong gia đình liệu đã có tiếng thổi tim hoặc các bệnh về tim khác.

Các xét nghiệm bổ sung

Nếu bác sĩ cho rằng các tiếng thổi tim bất thường, có thể thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung bao gồm:

  • Chụp X quang: cho thấy hình ảnh của tim, phổi và mạch máu. Nếu bóng tim to có thể có một vấn đề cơ bản nào đó gây ra tiếng thổi tim ở trẻ .
  • Điện tâm đồ (ECG): Trong thử nghiệm không xâm lấn này, kỹ thuật viên sẽ đặt điện cực trên ngực ghi lại các xung điện làm cho tim đập. Kết quả điện tâm đồ nàycó thể giúp bác sĩ đánh giá loại nhịp tim và tìm hiểu các vấn đề cấu trúc.
  • Siêu âm tim qua thành ngực : cho thấy hình ảnh chi tiết của cấu trúc và chức năng tim. Sóng siêu âm được truyền đi và âm vang được ghi lại với một bộ chuyển đổi. Máy tính sử dụng thông tin từ bộ chuyển đổi để tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình video. Phương pháp này giúp xác định các van tim bất thường, chẳng hạn như vôi hóa hoặc bị hở, và cũng có thể phát hiện dị tật cấu trúc tim.
  • Siêu âm tim qua thực quản : sử dụng một ống nội soi mềm có chứa bộ chuyển đổi nhỏ được đưa xuống vùng họng. Bộ chuyển đổi sẽ truyền tải hình ảnh của tim đến màn hình máy tính. Do thực quản gần phía sau tim nên siêu âm tim qua thực quản có thể tạo ra hình ảnh tốt hơn khi siêu âm tim qua thành ngực.
  • Chụp cắt lớp vi tính tim (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Các phương pháp này có thể giúp chẩn đoán bệnh lý tim và nguyên nhân tiếng thổi tim.
Siêu âm tim qua thành ngực là gì?
Siêu âm tim qua thành ngực cho thấy hình ảnh chi tiết của cấu trúc và chức năng tim

4. Các biện pháp điều trị

Tiếng thổi tim lành tính thường không cần điều trị bởi vì tim hoạt động bình thường. Nếu tiếng thổi lành tính là kết quả của một căn bệnh như sốt hoặc cường giáp thì tiếng thổi sẽ mất đi khi tình trạng bệnh được xử lý.

Trong trường hợp có tiếng thổi tim bất thường, bác sĩ có thể theo dõi các triệu chứng và các diễn biến theo thời gian, sau đó cân nhắc đến biện pháp sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật tim hở/kín hoặc thông tim can thiệp, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn hình thức phù hợp. Mặc dù điều trị ngoại khoa có thể cần thiết nhưng đôi khi tiếng thổi tim cũng có thể được xử lý bằng cách thông tim can thiệp với đưa ống thông qua một động mạch, tĩnh mạch ở ngoại biên đến tim và thực hiện sửa chữa hoàn toàn. Ví dụ về các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Vá lỗ hổng trong tim (đóng thông liên nhĩ, thông liên thất).
  • Sửa van hoặc thay van tim (hở van động mạch chủ, bệnh Ebstein...)
  • Sửa chữa lại mạch máu bất thường.
  • Mở rộng mạch máu quá hẹp bằng cách nong và đặt ống đỡ động mạch (stent trong hẹp eo động mạch chủ...).

 

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper