1. Thực hiện nong van tim như thế nào?
Trái tim được ví như một “chiếc máy bơm” với nhiệm vụ bơm máu đi toàn cơ thể. Trong đó, các van tim giữ cho máu lưu thông theo một chiều nhất định từ tâm nhĩ xuống tâm thất và từ tâm thất vào các động mạch lớn. Nếu các lá van mở ra không trọn vẹn, dòng máu sẽ bị tắc nghẽn, không thoát hết để đi ra ngoài nên ứ lại phía sau sẽ gây ra bệnh lý hẹp van tim . Bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi, hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm, khó thở đột ngột về đêm khi ngủ, đau ngực, ho khan, ho ra máu hay đôi khi bị ngất.
Lúc này, việc điều trị chủ yếu là can thiệp trên van, vừa giúp giải phóng tắc nghẽn, vừa cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Theo đó, thay vì cần phẫu thuật để thay van tim nhân tạo hay sửa chữa trực tiếp trên van, với các van tim hẹp đơn giản do dính mép van, phương pháp đang được áp dụng hiện nay là nong van tim bằng bóng qua da .
Để thực hiện nong van tim , bác sĩ sẽ đưa một ống dẫn vào tĩnh mạch đùi ngay dưới nếp bẹn. Từ đây, ống theo hệ tĩnh mạch chủ dưới trở về tim. Tại buồng nhĩ phải, ống thông sẽ đi xuyên qua vách liên nhĩ đến nhĩ trái và tiếp cận lỗ mở của van hai lá. Tại vị trí các lá van bị dính mép làm hẹp dòng chảy qua van, bóng bơm hơi trên đầu ống sẽ được làm phồng lên và xẹp xuống theo từng kích cỡ tăng dần để làm nở phần eo của bóng, làm tách các lá van ra cho đến khi kết quả nong van đạt như ý muốn. Sau đó, bóng sẽ được tháo hơi ra nên nhỏ lại trước khi được rút ra ngoài. Từ đó, dòng máu qua tim sẽ được thông thoáng mà rất hạn chế can thiệp trên người bệnh, thời gian nằm viện được rút ngắn đáng kể.
Đối với bệnh lý hẹp van động mạch chủ , cách thức tiếp cận cũng tương tự hẹp van hai lá nhưng đi vào bằng đường động mạch đùi. Tuy nhiên, phương pháp này ít được áp dụng hơn vì bệnh lý hẹp van động mạch chủ có thêm một biện pháp điều trị ít xâm lấn là thay van tim qua da .
2. Nong van tim áp dụng trong trường hợp nào?
Trong hầu hết các trường hợp bị hẹp van tim , bác sĩ luôn cân nhắc trước hết về điều kiện có thể nong van được không trước khi đi đến cách thức phẫu thuật.
Trong đó, tiêu chuẩn để được nong van tương đối khắt khe. Các trường hợp được chỉ định gồm:
- Hẹp van hai lá khít với diện tích lỗ van trên siêu âm dưới 1,5 cm2 và có triệu chứng cơ năng trên lâm sàng: bệnh nhân mệt, khó thở khi gắng sức và cả khi nghỉ.
- Hình thái van trên siêu âm tốt cho nong van tim bằng bóng qua da dựa theo thang điểm của Wilkins về các đặc điểm di động, độ dày của lá van, tổn thương dây chằng kèm theo cũng như độ vôi hóa của bộ máy van nói chung.
- Không có huyết khối trong nhĩ trái trên siêu âm qua thành ngực hoặc tốt hơn là trên siêu âm tim qua thực quản .
- Van hai lá không bị tổn thương gây hở van kèm theo đồng thời chức năng thất trái vẫn còn bảo tồn.
Ngược lại, nong van tim bằng bóng qua da sẽ không được thực hiện nếu bệnh nhân có một trong các chống chỉ định sau:
- Hẹp van hai lá có kèm hở van hai lá .
- Có huyết khối mới trong nhĩ trái hay tiểu nhĩ trái.
Chính vì thế, quyết định nong van tim bằng bóng qua da cần được xem xét rất kỹ lưỡng, hội chẩn nhiều chuyên gia trên cơ sở thăm khám lâm sàng, siêu âm qua thành ngực lẫn siêu âm qua thực quản nhiều lần để đảm bảo tỷ lệ thành công cao cho phương pháp này.
3. Ưu điểm và hạn chế của nong van tim
3.1 Ưu điểm
Nếu bộ máy van tim của bệnh nhân phù hợp với chỉ định nong van tim, không có chống chỉ định thì phương pháp này sẽ được ưu tiên lựa chọn vì có tỷ lệ thành công cao, ít biến chứng.
Đây là thủ thuật ít xâm lấn, nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật như thời gian nằm viện ngắn, ít đau, không có sẹo trên ngực, tâm lý bệnh nhân cũng thoải mái hơn. Thậm chí, nong van tim còn thực hiện được trong một số tình huống đặc biệt mà phẫu thuật khó thành công trọn vẹn hoặc nguy cơ cao như ở phụ nữ có thai, ở người suy tim nặng, ở bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu.
Sau khi can thiệp, diện tích lỗ van được mở rộng đáng kể, sự tắc nghẽn dòng máu qua van được xóa bỏ nên triệu chứng lâm sàng, tình trạng huyết động được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, xét về hiệu quả lâu dài, kết quả nong van được duy trì tương đương hoặc thậm chí còn hơn nếu so với phẫu thuật sửa van.
3.2 Hạn chế
Mặc dù thế, nong van tim không hoàn toàn tránh khỏi các biến chứng nhất định. Tỷ lệ tử vong được ghi nhận là dưới 1% do chèn ép tim cấp hoặc đột quỵ cấp. Chèn ép tim cấp là do chọc vách liên nhĩ không chính xác gây thủng thành nhĩ hoặc thủng thất, làm tràn máu màng ngoài tim lượng nhiều.
Đột quỵ cấp và các tắc mạch khác là do thuyên tắc bởi huyết khối trong buồng nhĩ trái, tiểu nhĩ đi vào dòng tuần hoàn cơ thể. Ngoài ra, nong van tim cũng có thể gây ra hở van hai lá hay còn tồn lưu thông liên nhĩ nếu lỗ thông này không tự đóng được trong vòng 6 tháng. Nếu hở van nặng hay để lại lỗ thông lớn là những hạn chế rất khó dung nạp về lâu dài.
Bệnh lý tim mạch nhìn chung là một chuyên khoa phức tạp, trong đó, các can thiệp ngoại khoa trên van tim đều là các kỹ thuật cao cấp, tinh vi. Vì vậy, những hiểu biết về lợi ích và rủi ro khi can thiệp tim mạch, cũng như lựa chọn nơi thực hiện đảm bảo uy tín, có bác sĩ giỏi và thiết bị tốt là vô cùng cần thiết.