Trong điều trị tăng huyết áp, chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố qua trọng, góp phần tăng hiệu quả điều trị. Vì vậy, dinh dưỡng cho người tăng huyết áp cũng là mối quan tâm hiện nay.
1. Người tăng huyết áp nên ăn gì?
Cùng với thuốc, dinh dưỡng hợp lý cũng có vai trò trong kiểm soát tốt huyết áp. Vì vậy, trong khẩu phần ăn của bệnh nhân tăng huyết áp nên giảm các loại thực phẩm chứa chất béo, muối, và hạn chế uống các đồ uống có cồn như rượu, bia.
Cụ thể trong thực đơn hàng ngày cần lưu ý đảm bảo:
- Chất đạm: Từ 0,8 g đến 1 g protein cho một kg cân nặng.
- Chất béo từ 25 đến 30 g. Nên dùng dầu thực vật như dầu đậu nành, đậu phộng, mè, ô liu, hướng dương.
- Chất bột đường từ 300 đến 320 g.
- Muối ăn (kể cả bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm) không quá 6g.
- Chất xơ có nhiều ở rau, củ, quả khoảng 30 đến 40 g (tương đương từ 300 đến 500 g rau).
- Chế độ ăn có cá, thịt nạc, dầu thực vật và nhiều rau xanh, củ, quả, đậu, hạt là an toàn nhất. Các loại rau củ tốt cho người bệnh cao huyết áp như cần tây, cải cúc, rau muống, măng lau, cà chua, cà tím, cà rốt, nấm hương, tỏi, mộc nhĩ. Khi ăn cần chậm rãi, nhai kỹ, ăn nhiều vào buổi sáng, hạn chế ăn muối.
- Cần bổ sung những thực phẩm giàu magiê, kali, và canxi, ăn những đồ ăn giàu protein chứa ít chất béo, các loại ngũ cốc, trái cây và rau xanh.
Một số loại thực phẩm tốt nên có trong chế độ ăn của người cao huyết áp:
Rau xanh
- Đó là những loại thực phẩm giàu kali sẽ giúp cơ thể bạn đạt tỷ lệ kali cao hơn so với natri, vì vậy giúp trung hòa natri trong cơ thể. Điều này cho phép cơ thể loại bỏ được natri trong thận thông qua đường nước tiểu, vì vậy mà huyết áp sẽ hạ.
- Các loại rau màu xanh như rau diếp cá, rau xà lách, rau cải xoăn, củ cải xanh, cải rổ, rau chân vịt đều là những loại rau rất giàu kali.
- Nên chọn những loại rau tươi xanh vì các loại rau quả đóng hộp thường có thêm natri. Cũng có thể chọn rau quả đông lạnh, vì rau quả đông lạnh chứa nhiều chất dinh dưỡng gần như ngang với các loại rau quả còn tươi, và dễ bảo quản.
Những loại quả mọng
- Các loại quả mọng, đặc biệt là việt quất dồi dào một hợp chất tự nhiên có tên là flavonoids. Một nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ hợp chất flavonoids có thể ngăn ngừa huyết áp cao và hạ huyết áp.
- Các loại quả mọng như quả mâm xôi, quả dâu tây để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Trong gia đình có người bị tăng huyết áp nên chuẩn bị những loại quả mọng này và sử dụng các loại quả này làm món tráng miệng dễ ăn, giàu dinh dưỡng cho cả gia đình.
Khoai tây
- Trong thành phần của khoai tây có chứa hai loại khoáng chất là kali và magiê giúp hạ huyết áp. Ngoài ra, trong khoai tây giàu chất xơ rất cần trong khẩu phần mỗi bữa ăn của gia đình bạn.
Củ cải đường
- Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sức khỏe của những người mắc bệnh tăng huyết áp được cải thiện đáng kể sau khi uống nước ép từ củ cải đường. Thành phần nitrat có trong nước ép củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp.
- Có thể ép cải đường lấy nước uống hay nấu chín củ cải đường để ăn hay các món chế biến từ củ cải như món hầm.
Sữa không đường
- Sữa không đường là một nguồn dinh dưỡng vô cùng tuyệt vời trong việc cung cấp canxi, ít chất béo rất cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta, rất hữu ích trong hạ huyết áp.
- Thay vì ăn các loại sữa có hàm lượng chất béo cao thì bạn nên ăn những loại sữa ít chất béo như các loại sữa chua.
Cháo bột yến mạch
- Là loại thực phẩm giàu chất xơ, hàm lượng chất béo và natri thấp nên là một trong những loại thực phẩm thích hợp đối với những người tăng huyết áp.
- Thời điểm lý tưởng để ăn cháo bột yến mạch là vào buổi sáng, bởi cháo bột yến mạch không chỉ có tác dụng trong điều trị huyết áp cao mà còn là loại thực phẩm bổ sung năng lượng cho cả ngày dài năng động.
- Không nên cho thêm đường mà nên bổ sung thêm các loại quả tươi, lạnh để ăn kèm với cháo bột yến mạch.
Chuối
- Là nguồn cung cấp Kali cho cơ thể nên không thể bỏ qua quả chuối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn các loại thực phẩm giàu kali tự nhiên như chuối sẽ tốt hơn nhiều so với những thực phẩm chức năng.
2. Cao huyết áp không nên ăn gì?
- Không nên ăn mặn, ăn các thức ăn có chứa hàm lượng muối cao
Theo khuyến cáo của bác sĩ, một người chỉ nên ăn ít hơn 6g muối/ ngày. Natri có trong muối ăn làm thoát dịch tế bào, làm tim đập nhanh và tăng huyết áp. Đặc biệt, người bị tăng huyết áp không nên ăn các món muối chua như dưa muối, cà muối, hành muối, kim chi,... vì các món này chứa hàm lượng natri cao.
- Không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng
Thức ăn nhiều năng lượng là chocolate, đường glucose, đường mía, và các món ăn chứa nhiều đường khác. Những loại thực phẩm loại này có thể gây béo phì, tăng huyết áp
- Không nên ăn nhiều mỡ
Người bị tăng huyết áp không nên ăn nhiều mỡ đặc biệt là mỡ động vật vì chứa nhiều cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác
- Không nên ăn nội tạng động vật
Nội tạng động vật có chứa hàm lượng chất béo bão hoà và cholesterol cao hơn nhiều so với thịt. Khi nội tạng động vật được tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh ung thư, não, giun sán, viêm cơ tim, viêm phổi,...
- Không nên ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn được chế biến sẵn
Các loại thịt được chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích,... là các thực phẩm chứa rất nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, các chất bảo quản hóa học và chứa hàm lượng muối cao. Đây cũng là nhóm thực phẩm gây nên các bệnh tăng huyết áp, béo phì. Vì vậy, người bị tăng huyết áp không nên ăn những loại thực phẩm này.
- Mì ăn liền
Mì ăn liền là món ăn chế biến nhanh chóng và tiện lợi. Nhưng, đây là một trong những thực phẩm góp phần làm tăng huyết áp vì trong mì ăn liền chứa nhiều natri. Những người bị tăng huyết áp không nên ăn nhiều mì ăn liền.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê
Người bị tăng huyết áp không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Trong thuốc lá có chất nicotin sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây tăng huyết áp. Uống nhiều rượu, bia quá cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và tăng huyết áp . Rượu, bia sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp, và làm cho bệnh nặng hơn.