1. Điện tâm đồ là gì?
Đo điện tim hay còn gọi là ghi điện tâm đồ (ECG), đây là hình ảnh ghi lại hoạt động điện học của tim, những xung điện do tế bào cơ tim phát ra được ghi lại dưới dạng đồ thị qua các điện cực tiếp nhận ngoài da.
2. Đo điện tim được chỉ định trong trường hợp nào?
- Chẩn đoán rối loạn nhịp tim : bất thường tại vị trí phát ra nhịp (nút xoang, nút nhĩ nhất, cơ tim) sẽ cho hình ảnh nhịp tim bất thường trên điện tâm đồ;
- Chẩn đoán phì đại cơ nhĩ, cơ thất: quá trình khử cực, tái cực của cơ tim sẽ thay đổi, qua đó trên giấy ghi điện tâm đồ sẽ cho những gợi ý nhất định về tình trạng buồng tim lớn.
- Chẩn đoán rối loạn dẫn truyền: việc tổn thương hay mất đồng bộ trong dẫn truyền sẽ cho thấy hình ảnh bất thường về nhánh điện học của tim trên điện tâm đồ (Block AV, Block nhánh tim).
- Chẩn đoán các giai đoạn nhồi máu cơ tim : khi cơ tim bị thiếu máu và dưỡng khí có thể dẫn đến tổn thương hay hoại tử, khả năng dẫn truyền điện của cơ tim sẽ thay đổi. Sự thay đổi này được ghi nhận trên điện tâm đồ, đây là một trong những chẩn đoán giá trị nhất của phương pháp cận lâm sàng tim mạch này.
- Chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ cơ tim : cơ tim thiếu máu sẽ cho thấy hình ảnh sóng T trên điện tâm đồ dẹt, sóng T âm.
- Chẩn đoán các rối loạn điện giải: điện tim là do sự di chuyển của các ion (natri, kali, canxi...). Khi có sự thay đổi nồng độ các chất này, điện tâm đồ có khả năng sẽ thay đổi theo.
- Chẩn đoán các tổn thương ở cơ tim, màng ngoài tim.
- Theo dõi máy tạo nhịp.
- Chẩn đoán một số ngộ độc thuốc: digoxin làm thay đổi đoạn ST của nhiều chuyển đạo, thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm dài đoạn QT.
Ngoài ra, điện tâm đồ còn được chỉ định trong nhiều trường hợp không đặc hiệu: người cao tuổi (người nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cao), bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu (mỡ máu), đái tháo đường, hút thuốc lá, đau thắt ngực, hồi hộp trống ngực, khó thở, tiền sử có ngất hoặc nhập viện cấp cứu vì bất kể nguyên nhân gì... thường được chỉ định thực hiện đo điện tim.
3. Đo điện tim như thế nào?
Bác sĩ sẽ đính 10 điện cực với miếng dính vào da ngực, cánh tay và chân của người được đo. Nếu nam giới có lông ngực có thể cần phải cạo (một ít) để kết nối điện cực tốt hơn. Trong quá trình đo, người được đo nằm ngửa, máy tính sẽ tạo ra một đồ thị trên giấy, vẽ các xung điện di chuyển qua tim hoặc kiểm tra tim trong khi tập thể dục ( điện tâm đồ gắng sức ).
Có thể mất khoảng 10 phút để gắn các điện cực và hoàn thành xét nghiệm nhưng việc ghi đồ thị thực sự chỉ mất vài giây. Bên cạnh đo điện tâm đồ tiêu chuẩn, bác sĩ có thể thực hiện các loại khác phục vụ cho mục đích chẩn đoán như: điện tâm đồ di động (kiểm tra hoạt động điện của tim trong 1 - 2 ngày, 24 giờ/ngày).
Sau khi đo điện tâm đồ , bác sĩ sẽ đọc sóng đồ thị đã được ghi lại trong quá trình kiểm tra để phát hiện các xung động có bình thường hay không. Thường cho bệnh nhân biết kết quả trong cùng ngày thực hiện hoặc vào lịch hẹn tái khám tiếp theo. Nếu kết quả có sự bất thường ở tim, bệnh nhân có thể phải làm thêm các loại điện tâm đồ khác hoặc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác như siêu âm tim...tùy theo đánh giá của bác sĩ.
Bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động bình thường sau khi thực hiện đo điện tâm đồ. Kết quả xét nghiệm điện tâm đồ đòi hỏi phải do bác sĩ có chuyên môn đọc và đưa ra kết luận, vì vậy vai trò chuyên môn của bác sĩ trong việc đo điện tim là rất quan trọng.