Tin tức

Vòng đời động mạch của bạn

Xơ vữa động mạch là bệnh tiến triển âm thầm, gây tắc nghẽn động mạch, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim, não, thận, mắt... Các yếu tố nguy cơ gồm huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, hút thuốc và chế độ ăn uống không lành mạnh. Phòng ngừa bằng cách kiểm soát cholesterol, huyết áp, tập thể dục, không hút thuốc và ăn uống lành mạnh.

Xơ Vữa Động Mạch: Nguy Cơ Tiềm Ẩn và Cách Phòng Tránh

Xơ vữa động mạch là một căn bệnh nguy hiểm, tiến triển một cách âm thầm. Quá trình tắc hẹp và xơ cứng động mạch xảy ra trong nhiều thập kỷ, thường không có bất kỳ triệu chứng nào khiến người bệnh lầm tưởng rằng mình có động mạch khỏe mạnh.

1. Xơ Vữa Động Mạch - Nguy Cơ Tiềm Ẩn Đối Với Sức Khỏe

  • Tiến triển thầm lặng: Xơ vữa động mạch thường tiến triển một cách thầm lặng, ảnh hưởng đến cơ thể trong khoảng thời gian dài trước khi phát bệnh. Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hay cholesterol xấu) gây tổn thương cho động mạch. Theo thời gian, mảng xơ vữa cứng lại và bám trên động mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), xơ vữa động mạch có thể bắt đầu từ khi còn trẻ và tiến triển chậm trong nhiều năm. (Nguồn: ahajournals.org)
  • Hình thành mảng bám: Qua nhiều năm, phản ứng của cơ thể đối với các chất béo tích tụ tạo ra một mảng bám hoặc vết phồng trên thành động mạch.
  • Nguy cơ cục máu đông: Theo các chuyên gia, các mảng xơ vữa động mạch có thể tiến triển trong khoảng thời gian dài cho đến khi chúng cản trở đáng kể quá trình lưu thông máu đến các mô. Mảng bám có thể đột ngột nứt vỡ làm hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn hoàn toàn chức năng vận chuyển máu của động mạch. Trong vòng vài giờ, các tổ chức được cung cấp máu bởi động mạch bị tắc nghẽn có thể bị chết.
  • Triệu chứng muộn: Trong một số trường hợp, mảng xơ vữa phát triển chậm và sự hạn chế lưu thông máu kéo dài trong nhiều năm, do đó xơ vữa động mạch không gây ra các triệu chứng sớm. Khi triệu chứng của bệnh xuất hiện thì tình trạng tắc nghẽn thường đã trở nên vô cùng nghiêm trọng và không thể đảo ngược.
  • Yếu tố nguy cơ: Huyết áp, tiểu đường, béo phì, hút thuốc và chế độ ăn nhiều chất béo, ít trái cây và rau quả đều có xu hướng làm cho tình trạng xơ vữa động mạch trở nên nghiêm trọng hơn.
    • Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được của xơ vữa động mạch bao gồm: cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc, kháng insulin, béo phì, ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh. (Nguồn: cdc.gov)

2. Bệnh Xơ Vữa Động Mạch Ảnh Hưởng Đến Các Cơ Quan Trong Cơ Thể

Toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong cơ thể đều phụ thuộc vào sự vận chuyển máu của động mạch. Các động mạch phân bố khắp mọi nơi trong cơ thể, do đó tất cả chúng đều có nguy cơ bị ảnh hưởng do xơ vữa động mạch. Khi xảy ra, tình trạng xơ vữa động mạch thường lan rộng. Dưới đây là sự tác động của tình trạng xơ vữa động mạch đến các cơ quan trong cơ thể:

  • Thận:
    • Động mạch cung cấp máu đến thận, nơi toàn bộ lượng máu của chúng ta được lọc hơn 30 lần một ngày. Khi xơ vữa động mạch làm cản trở sự lưu thông máu, hậu quả gây bệnh thận mãn tính. Điều này thậm chí có thể dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối hoặc suy thận toàn bộ cần phải điều trị bằng phương pháp lọc máu.
    • Sự tắc nghẽn động mạch thận do xơ vữa, còn gọi là hẹp động mạch thận, có thể là nguyên nhân gây huyết áp tăng vọt. Ở người tăng huyết áp, động mạch thận bị đè ép do tình trạng áp lực máu cao, thì xơ vữa động mạch có tác động phối hợp làm hẹp động mạch thận hơn.
  • Mắt:
    • Các động mạch nhỏ cung cấp máu đến các dây thần kinh mắt. Nếu mảng xơ vữa bị nứt vỡ và gây tắc động mạch trung tâm võng mạc, người bệnh có thể bị mù mắt.
  • Cơ quan sinh dục:
    • Đàn ông cần lưu lượng máu mạnh vào dương vật để có được và duy trì sự cương cứng. Xơ vữa động mạch có thể gây tổn thương động mạch dương vật và do đó không thể cung cấp đủ lưu lượng máu cần thiết. Hậu quả dẫn đến rối loạn cương dương.
    • Đây là một vấn đề xảy ra khá phổ biến: có tới 39% nam giới ở độ tuổi 40 bị rối loạn cương dương và 2/3 nam giới trên 70 tuổi có các triệu chứng rõ ràng của bệnh này. Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn cương dương.
  • Hệ tiêu hóa:
    • Xơ vữa động mạch có thể làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho ruột. Hậu quả gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ động mạch mạc treo ruột. Người bệnh thường có cảm giác đau bụng sau khi ăn, khi đó cơ thể cố gắng tăng cường cung cấp máu cho ruột, nhưng không thể.
    • Bệnh thiếu máu cục bộ động mạch mạc treo ruột hiếm khi xảy ra và thường nhầm lẫn với chứng khó tiêu.
  • Động mạch chủ:
    • Động mạch chủ là đường dẫn máu chính từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Hiện tượng động mạch chủ giãn rộng, biến dạng khiến thành mạch căng ra dễ vỡ được gọi là phình động mạch chủ. Thường gặp là phình động mạch chủ bụng. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây phình động mạch chủ, khối phình động mạch có thể vỡ và chảy máu đe dọa đến tính mạng.
  • Tim:
    • Động mạch vành chạy dọc theo bề mặt của tim, cung cấp máu nuôi cơ tim. Các mảng xơ vữa động mạch có thể hạn chế lưu lượng máu, dẫn đến bệnh động mạch vành.
    • Phần lớn người bệnh động mạch vành không biểu hiện triệu chứng, một số người bệnh có đau thắt ngực (khó chịu ở ngực thường xuất hiện khi gắng sức).
    • Đau thắt ngực có thể ổn định, có nghĩa là các triệu chứng tiến triển chậm hoặc hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng nào, và không gây tổn thương vĩnh viễn cho cơ tim.
    • Khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ, hậu quả gây đau thắt ngực không ổn định. Cơn khó chịu ở ngực thay đổi, trở nên trầm trọng hơn hoặc xuất hiện khi đang nghỉ ngơi. Điều này có nghĩa là đã xảy ra tình trạng viêm tại các mảng xơ vữa, đây là tình trạng bệnh nguy hiểm.
    • Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể nhanh chóng chuyển sang cơn đột quỵ tim, hoặc nhồi máu cơ tim, khi cục máu đông hình thành gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành.
    • Cơn đột quỵ tim cũng thường xuyên xảy ra mà không có triệu chứng đau thắt ngực trước đó. Đột quỵ tim là triệu chứng đầu tiên của 50% trường hợp đột tử ở nam giới.
    • Các cơn đau tim hoặc tắc nghẽn động mạch vành nặng cũng có thể dẫn đến suy tim. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở khi hoạt động hoặc phù chân. Suy tim là một vấn đề nghiêm trọng, và xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này.
  • Não:
    • Bộ não của chúng ta đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ, được cung cấp máu thông qua các động mạch ở cổ và đầu. Đột quỵ não xảy ra khi một động mạch quan trọng cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn. Nếu động mạch không được tái thông nhanh chóng, tổ chức não phụ thuộc sẽ chết. Tổn thương não vĩnh viễn có thể dẫn đến yếu liệt tay chân kéo dài hoặc nói khó.
    • Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc 'đột quỵ nhỏ' là do sự gián đoạn tạm thời trong việc cung cấp máu cho một phần của não. Thông thường, TIA là do bởi sự tắc nghẽn động mạch nhỏ và được cải thiện một cách tự nhiên.
    • Một nửa các cơn đột quỵ xảy ra do xơ vữa động mạch. Tương tự như một cơn đau tim, đột quỵ là một 'cơn đau não'. Một mảng xơ vữa động mạch không ổn định nứt vỡ, cục máu đông hình thành và động mạch bị tắc nghẽn. Ít gặp hơn, một mảng xơ vữa ở nơi khác vỡ ra và di chuyển đến động mạch não.
  • Chân và bàn chân:
    • Tình trạng hẹp tiến triển các động mạch của chân dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên. Các triệu chứng thường xuất hiện ở các nhóm cơ của chân (mông, đùi hoặc bắp chân ) và thường xuất hiện khi tập thể dục, biến mất khi nghỉ ngơi. Triệu chứng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai chân.

3. Phòng Tránh Xơ Vữa Động Mạch

Xơ vữa động mạch có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu dự phòng tốt các yếu tố gây xơ vữa động mạch, nguy cơ các biến chứng nguy hiểm xảy ra cũng sẽ giảm.

Dưới đây là một số việc bạn cần làm để ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch:

  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ: Kiểm tra và điều trị cholesterol, huyết áp nếu cao.
    • Theo dõi và điều chỉnh cholesterol và huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. (Nguồn: acc.org)
  • Tập thể dục: Vài ngày trong tuần.
    • Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. (Nguồn: ahajournals.org)
  • Không hút thuốc:.
    • Bỏ thuốc lá là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe tim mạch. (Nguồn: heart.org)
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Nhiều trái cây, rau quả, ít chất béo bão hòa.
    • Chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri. (Nguồn: mayoclinic.org)

Nguồn tham khảo: webmd.com

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2025 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper