Hội chứng rối loạn lipid máu là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid ở trong máu hay tình trạng tăng cao của nồng độ các chất mỡ trong máu như cholesterol, triglycerid và thành phần khác. Tăng lipid máu là nguyên nhân của một loạt bệnh lý nguy hiểm như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ thậm chí là tử vong do tai biến mạch máu não. Hiện nay phương pháp điều trị tăng lipid máu phụ thuộc vào từng nhóm đối tượng mắc bệnh.
1. Mục tiêu điều trị tăng lipid máu
Rối loạn lipid máu có thể gồm 2 loại là nguyên phát hoặc thứ phát. Đối với thể thứ phát cần điều trị bệnh chính gây ra rối loạn như đái tháo đường, cường giáp,... hoặc ngừng một số thuốc gây rối loạn lipid máu như hypothiazid, cyclosporin,...
Mục tiêu điều trị của tăng lipid máu là đưa các thông số lipid trở về giới hạn bình thường hoặc gần bình thường, dựa vào việc đánh giá các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân như bệnh mạch vành , tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì và người cao tuổi.
2. Các phương pháp điều trị tăng lipid máu
2.1 Điều chỉnh chế độ ăn
- Chế độ ăn sẽ được điều chỉnh trong 2-3 tháng mà không vội dùng thuốc ngay. Nguyên nhân là do nhiều trường hợp rối loạn lipid ở mức độ nhẹ và vừa chỉ cần giảm cân kết hợp với chế độ ăn phù hợp là có thể làm giảm rõ rệt các chỉ số như cholesterol , triglycerid, đặc biệt là LDL- cholesterol
- Người bệnh cần giảm cân nếu thừa cân bằng chế độ giảm năng lượng và tăng cường vận động thể lực. Giảm cân sẽ giúp điều chỉnh có hiệu lực rối loạn lipid máu, làm giảm cholesterol và triglycerid máu.
- Hạn chế sử dụng mỡ động vật vì chứa nhiều acid béo no làm tăng cholesterol xấu trong máu (LDL- cholesterol). Tăng sử dụng mỡ thực vật, cá có nhiều acid béo không no họ omega-3 giúp giảm cholesterol xấu trong máu.
- Giảm các thức ăn như phủ tạng động vật, đồ ăn ngọt là những thức ăn chứa nhiều cholesterol.
- Tăng khẩu phần rau, quả tươi, sữa đậu nành và hạn chế bia rượu.
2.2 Tăng cường hoạt động thể lực
Bệnh nhân tăng lipid máu cần tập thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe của mình. Người cao tuổi nên đi bộ, tập ít nhất 45 phút mỗi ngày, ít nhất 3 lần mỗi tuần để đạt được hiệu quả.
2.3 Sử dụng thuốc
Khi chế độ ăn không đủ hiệu lực dựa vào chỉ số cholesterol vẫn trên 5,8 mmol/L hoặc triglycerid vẫn trên 2,3 mmol/L, thì bệnh nhân cần sử dụng thuốc nhưng đồng thời vẫn duy trì chế độ ăn đang thực hiện.
Hiện nay, 2 nhóm thuốc phổ biến nhất để điều trị rối loạn lipid máu là nhóm fibrat (lipanthyl, lopid) và nhóm statin (zocor, lipitor, lescol, crestor,...).
3. Đặc điểm các nhóm thuốc điều trị tăng lipid máu
3.1 Nhóm thuốc Fibrat
Đây là nhóm thuốc được sử dụng hiệu quả nhằm giúp hạ triglyceride máu, tăng HDL- cholesterol và giảm nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim, không nguy kịch hoặc tử vong do bệnh mạch vành ở những bệnh nhân bị mạch vành có lượng HDL-cholesterol thấp.
Nhóm thuốc Fibrat dễ dung nạp, có tác dụng phụ khá nhẹ mặc dù nguy cơ bị tổn thương cơ và tiêu cơ vân tăng lên khi dùng phối hợp với statin, hai loại fibrate được sử dụng phổ biến trong thực tế là gemfibrozil và fenofibrate
Cơ chế hoạt động của Fibrate: Làm giảm triglyceride máu bằng cách tăng hoạt tính lipoprotein lipase trong tác dụng thủy phân triglycerid từ VLDL. Ngoài ra thuốc còn làm giảm tổng hợp cholesterol ở gan và tăng bài tiết cholesterol ở mật, nồng độ HDL-cholesterol tăng nhờ ác dụng qua receptor hoạt hóa tăng sinh peroxisome (PPAR).
Một số đặc điểm của thuốc cần chú ý gồm:
- Chỉ định : Khi có tăng triglyceride máu đơn thuần hoặc tăng cả cholesterol lẫn triglycerid máu.
- Liều dùng : Gemfibrozil thường dùng 1200 mg một ngày chia 2 lần và dùng trước bữa sáng, tối 30 phút. Fenofibrate thường dùng 145 mg một lần một ngày, bắt đầu với liều thấp ở bệnh nhân giảm chức năng thận .
- Tác dụng phụ : Đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa, tăng men gan hoặc yếu cơ,... Sỏi mật có thể xảy ra với clofibrate nhiều hơn các fibrate khác.
- Chống chỉ định : Bệnh nhân suy gan, suy thận , bệnh lý túi mật, phụ nữ có thai và cho con bú.
3.2 Nhóm thuốc statin
Đây là nhóm giúp kiểm soát lượng lipid tốt nhất đồng thời được sử dụng trong dự phòng các biến cố tim mạch. Một số biệt dược của nhóm statin gồm: lipitor, lescol, mevacor, elisor, zocor, crestor,...
Cơ chế hoạt động của nhóm statin: Ức chế men HMG CoA reductase giảm cholesterol là chính, ngoài ra còn làm giảm nhẹ triglyceride và tăng nhẹ HDL-cholesterol.
Một số đặc điểm thuốc cần chú ý:
- Chỉ định : Rối loạn lipoprotein máu nguyên phát type IIa, IIb, dự phòng biến cố tim mạch hoặc bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình.
- Liều dùng : Tùy thuộc vào từng loại statin nhưng khi bắt đầu sử dụng cần phải dò liều từ thấp nhất với nguyên tắc luôn sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả. Dùng thuốc trước khi ngủ vì ban đêm là thời điểm tổng hợp cholesterol nội sinh trong gan diễn ra mạnh nhất.
- Tác dụng phụ : Rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nổi mẩn, men gan tăng, yếu cơ,...
- Chống chỉ định : Bệnh nhân suy gan, suy thận.