1. Chứng đau cách hồi là gì?
- Chứng đau cách hồi là cảm giác đau, mỏi hay yếu ở chân, thường xảy ra lúc hoạt động như đi lại. Một cách điển hình, các triệu chứng xuất hiện khi bạn hoạt động, và biến mất một thời gian ngắn sau khi nghỉ ngơi.
- Động mạch chứa máu giàu oxygen và chất dinh dưỡng từ tim mang đến khắp cơ thể. Theo đó, khi các động mạch ở chân bị hẹp hay tắc, các cơ ở đó sẽ không nhận đủ oxygen và chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động. Bác sĩ gọi đây là thiếu máu chứa oxy của chân.
2. Triệu chứng đau cách hồi
Trong giai đoạn đầu của bệnh, khi nghỉ ngơi chân bạn vẫn còn nhận đủ oxy nên bạn không cảm thấy đau ở chân nếu không đi lại.
Nếu động mạch ở chân hẹp hay tắc đến mức không đủ máu đến nuôi thì lúc này sẽ có cảm giác đau khi đi lại.
Chứng đau cách hồi có thể gây ra các triệu chứng sau:
2.1 Bị đau khi vận động
Tùy theo vị trí hẹp của động mạch ở chân mà vị trí đau của bạn có thể là ở bàn chân, bắp chân, đùi, háng hoặc mông. Đau cách hồi cũng có thể xảy ra ở tay.
2.2 Bị đau nhắc lại
Các cơn đau này thường có tính chất đến rồi đi, không liên tục, nhất là khi bạn giảm cường độ hoạt động thì lại cảm thấy cơ thể hoàn toàn bình thường.
2.3 Bị đau kể cả khi nghỉ ngơi
Khi bệnh tiến triển, triệu chứng đau không chỉ xuất hiện khi vận động, khi đi lại mà thậm chí cả khi nằm hoặc ngồi yên.
2.4 Màu sắc da bị thay đổi hoặc loét
Điều này xảy ra khi dòng máu dinh dưỡng bị giảm nghiêm trọng, các ngón tay hoặc ngón chân của bạn có thể đổi màu xanh tím và lạnh. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của các vết loét.
Ngoài ra các triệu chứng khác có thể là:
- Đau hoặc cảm giác nóng rát
- Yếu tay hoặc chân
3. Biến chứng đau cách hồi
Khi nguồn máu đến nuôi tay hoặc chân của bạn bị giảm nghiêm trọng, tay và chân của bạn sẽ có cảm giác đau và lạnh, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi, không vận động.
Trong các trường hợp bệnh động mạch ngoại biên ở giai đoạn nặng, dinh dưỡng nuôi da rất kém, các vết loét trên da sẽ trở nên khó lành. Nguy hiểm nhất là các vết loét không được điều trị sẽ cứ thế lan rộng, dẫn đến hoại tử và kết cục cuối cùng là cắt cụt chi.
4. Điều trị những nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh động mạch ngoại biên
Việc điều trị đau cách hồi thần kinh và mạch máu có thể giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng, trong đó việc thay đổi lối sống là bước đầu tiên cơ bản nhất.
4.1 Thay đổi lối sống và liệu pháp luyện tập
4.1.1 Liệu pháp luyện tập
Đây là điều trị ban đầu của đau cách hồi. Bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra một kế hoạch luyện tập riêng. Kế hoạch chi tiết bao gồm kiểu luyện tập, mức độ nặng hay nhẹ, thời lượng dài hay ngắn, bao nhiêu lần trong tuần.
Các khuyến cáo trong đau cách hồi thường là đi bộ trong một giờ hoặc hơn, đều đặn từ 3 lần một tuần trở lên, trong ít nhất 3 đến 6 tháng. Mục tiêu đạt được là thời gian bạn đi bộ được lâu hơn mà không bị quá đau chân.
4.1.2 Không hút thuốc
Thuốc lá chính là yếu tố gây ra sự hình thành và làm nặng lên bệnh động mạch ngoại biên.
4.1.3 Biết và kiểm soát mức độ cholesterol máu
Bạn nên ăn giảm chất béo, tăng cường hoa quả, rau, ngũ cốc, các loại đậu kết hợp tập các bài tập thể dục phù hợp hằng ngày.
4.1.4 Chú ý các vết thương ở bàn chân và chân
Khi dòng máu đến nuôi các mô ở chân bị giảm sẽ làm tăng khả năng bạn gặp biến chứng từ các vết thương này như vết thương lâu lành, loét, hoại tử và cắt cụt chi. Bạn nên chú ý đi tất, đi giày hoặc dép mềm khi tham gia các hoạt động dễ khiến cho bạn bị thương.
4.1.5 Giữ chân ở dưới mức tim
Để bảo đảm cho dòng máu chảy đến chân và bàn chân của bạn được thuận lợi khi nằm ngủ, bạn có thể nâng phía đầu giường lên cao hơn một chút hoặc làm hạ chân giường xuống một chút.
4.2 Điều trị bệnh động mạch ngoại biên
4.2.1 Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê thuốc cilostazol (Pletal) hỗ trợ bạn gia tăng thời gian đi lại mà không bị đau hay khó chịu. Tuy nhiên, thuốc này có thể không hiệu quả nếu bạn đang bị bệnh tim.
Nếu cần, bác sĩ sẽ kê thuốc statins, để giúp bạn kiểm soát mỡ máu và các thuốc kiểm soát huyết áp kèm theo .
4.2.2 Can thiệp nong bóng và đặt stent
Điều trị đau cách hồi bằng cách can thiệp nong bóng và đặt stent được chỉ định cho những ca hẹp động mạch nặng. Trong phương pháp này, bác sĩ can thiệp bằng cách luồn ống thông vào mạch máu đến vị trí hẹp, sau đó bơm bóng để giảm mức độ hẹp, cuối cùng đặt stent (những giá đỡ bằng kim loại) vào chỗ hẹp để giữ cho mạch máu được mở rộng
4.2.3 Phẫu thuật mạch máu
Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng những đoạn mạch khỏe lấy từ các vị trí khác của cơ thể, tiến hành dẫn máu từ nơi có dòng chảy bình thường rồi nối tiếp qua chỗ hẹp để cung cấp máu đến các vùng bị ảnh hưởng bởi thiếu máu.
Khi phát hiện các triệu chứng đau cách hồi, bạn cần đến bệnh viện điều trị để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh.