Khi đã mắc phải bệnh huyết áp thì dù là cao hay thấp đều có thể dẫn đến những biến chứng bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Việc thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng cách đo huyết áp đúng cách tại nhà sẽ giúp mọi người có thể theo dõi sức khỏe của chính mình và phòng ngừa hiệu quả hơn. Trên thực tế, nhiều người sống với tình trạng huyết áp cao kéo dài mà không nhận biết cho đến khi nhập viện vì các biến cố tim mạch. Lúc này, việc chủ động phòng ngừa tăng huyết áp đã trở nên muộn màng. Nếu so sánh với huyết áp cao thì huyết áp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng cấp cứu như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Tuy nhiên, huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém, bởi khi người bệnh bị tụt huyết áp nhiều lần, chức năng hệ thống thần kinh sẽ suy giảm, đồng thời cơ thể cũng không điều chỉnh kịp thời để cung cấp dinh dưỡng đến cơ quan như não, tim, thận,.... gây tổn thương các cơ quan này. Đo huyết áp đúng cách là cách tự kiểm soát huyết áp của bản thân, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh huyết áp, người già có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, dựa vào kết quả trên đồng hồ đo huyết áp có thể góp phần kiểm soát sự tăng/ giảm huyết áp bất ngờ để phòng tránh các nguy cơ tai biến do huyết áp gây ra như tai biến mạch máu não , đột quỵ... bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý. Về mặt tâm lý, việc biết được các kỹ thuật đo huyết áp và áp dụng thường xuyên tại nhà bạn sẽ không còn cảm thấy lo lắng vì áp lực bệnh tật và có động lực để kiểm soát huyết áp tốt hơn. Thông thường, huyết áp sẽ có khuynh hướng cao hơn vào buổi sáng và thấp hơn vào buổi tối. Chỉ số cao nhất của huyết áp sẽ đánh dấu nhiều đỉnh khác nhau, đó là mỗi khi chúng ta hoạt động gắng sức hay suy nghĩ, căng thẳng, và sau đó cơ thể sẽ điều chỉnh về trạng thái thăng bằng. Nếu cơ thể không có khả năng này, đo huyết áp đúng cách mà luôn ở mức cao hay mức thấp, đó là tình trạng bệnh lý thực sự. Chính vì huyết áp thường xuyên dao động nên những kiến thức về thời điểm đo huyết áp và áp dụng đúng các hướng dẫn đo huyết áp là vô cùng cần thiết. Để kết luận con người có bị tăng huyết áp, huyết áp thấp hay huyết áp bình thường thì phải cần căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày, nhiều thời điểm khác nhau trong một ngày. Sau khi tiến hành đo huyết áp đúng cách thì cần ghi lại chỉ số huyết áp, bao gồm cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương, nhịp tim và một cuốn nhật ký sẽ giúp việc theo dõi sức khỏe tại nhà được thuận tiện hơn. Việc đo huyết áp đúng cách tại nhà thường được khuyên rằng nên thực hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi bước ra khỏi giường. Nếu được yêu cầu theo dõi huyết áp nhiều lần trong ngày, nên chọn các thời điểm cố định, dễ nhớ và cũng dễ có căn cứ so sánh. Tuy nhiên, các kỹ thuật đo huyết áp đều thực hiện sau khi cơ thể đã được nghỉ ngơi ít nhất 15 phút với tinh thần hoàn toàn thoải mái. Tuyệt đối không thực hiện kỹ thuật đo huyết áp sau bữa ăn no hay lúc quá đói, quá mệt, đang buồn tiểu, sau khi hút thuốc hoặc uống cà phê hoặc đang trong tình trạng căng thẳng, nóng giận. Đo huyết áp đúng cách có thể thực hiện khi ngồi lẫn khi nằm với tư thế khoan thai và điều kiện là vị trí đặt máy đo trên bắp tay hay trên cổ tay phải ngang với tim. Lúc này, người bệnh nên ngồi ghế có tựa, tay đặt trên bàn hay nằm ngửa, tay để xuôi theo thân mình; đồng thời, không mặc quần áo quá bó hay quá chật dễ khiến huyết áp tăng giả tạo. Tốt nhất đo liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút và lấy con số trung bình giữa các lần đo. Đo cùng lúc hai tay và chọn tay có chỉ số huyết áp cao hơn. Nói tóm lại, hiểu biết về mối nguy hiểm của các bệnh lý huyết áp cũng như biết các thời điểm đo huyết áp đúng cách trong ngày là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe toàn diện.