Nhồi máu cơ tim

Sơ cứu nhồi máu cơ tim và những điều cần lưu ý

Nếu từng trải qua một cơn nhồi máu cơ tim hoặc chứng kiến người thân gặp phải tình trạng này, hẳn bạn sẽ hiểu cách Sơ cứu nhồi máu cơ tim cấp quan trọng thế nào. Việc sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ tăng cơ hội sống, đồng thời giảm thiểu tối đa di chứng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

nhồi máu cơ tim

Cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột nhưng đa số đều hiểu hiện bằng các triệu chứng đặc trưng trước đó vài ngày

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý xuất hiện khi có cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành (động mạch vành là động mạch cung cấp máu và nuôi dưỡng tế bào cơ tim). Khi động mạch vành bị tắc, không còn dòng máu đến cơ tim sẽ gây phá hủy hoặc chết một phần cơ tim tương ứng. (1)

Nhồi máu cơ tim là biến cố nặng, cấp cứu của bệnh lý tim mạch, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tim mạch và các biến chứng nặng về sau. Bệnh thường xảy ra đột ngột, khó biết trước và dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, kiến thức sơ cứu nhồi máu cơ tim là vô cùng quan trọng giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch kịp thời.

Bất cứ ai, kể cả trẻ em, cũng có thể gặp phải một cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi có nguy cơ cao hơn cả.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim được phân chia các nhóm như sau:

  • Do xơ vữa: Đây là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Xơ vữa động mạch là bệnh lý xảy ra ở các động mạch lớn và vừa, trong đó có động mạch vành; đặc trưng bởi tình trạng lắng đọng dần các mảng xơ vữa ở thành mạch gây hẹp dần lòng mạch, giảm tưới máu mô ở phía xa. Mảng xơ vữa có thể gây nhồi máu cơ tim cấp khi có tình trạng bất ổn định, nứt vỡ và kết hợp với tiểu cầu hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn động mạch vành.
  • Không do xơ vữa: hiếm gặp. Các bệnh lý nhóm này bao gồm bệnh lý bẩm sinh liên quan đến động mạch vành: dị dạng, rò, sai chỗ xuất phát…; các bệnh viêm nhiễm động mạch vành; co thắt động mạch vành không liên quan xơ vữa.

Vấn đề đặt ra là nhồi máu cơ tim do xơ vữa thì do nguyên nhân nào gây ra? Câu trả lời là không có nguyên nhân cụ thể. Nhồi máu cơ tim là hậu quả của các yếu tố nguy cơ tim mạch dẫn đến, có thể là các yếu tố nguy cơ đơn độc nhưng thường là do nhiều yếu tố nguy cơ phối hợp nhau làm gia tăng bệnh.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch. Những nghiên cứu cho thấy, các bệnh tim mạch thường gặp liên quan đến các yếu tố nguy cơ mang tính hành vi là hút thuốc lá, chế độ ăn và ít vận động thể lực… Ðiểm đặc biệt là, yếu tố nguy cơ thường phối hợp nhau và thúc đẩy nhau theo cấp số nhân dẫn đến khả năng bị bệnh và bị bệnh sớm. (2)

Có thể phân làm 2 nhóm: các yếu tố nguy cơ không thay đổi được và yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được

Tuổi tác

Tuổi càng cao nguy cơ càng tăng lên. Ở tuổi 70 trở đi, có đến 15% nam giới và 9% nữ giới có bệnh động mạch vành có triệu chứng và tăng lên 20% ở tuổi 80.

Giới tính và tình trạng mãn kinh

  • Bệnh động mạch vành thường phổ biến và khởi phát sớm hơn ở nam giới.
  • Tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành ở nữ tăng nhanh sau tuổi mãn kinh và ngang bằng với nam giới sau 65 tuổi do vai trò của hormone sinh dục.

Tiền sử gia đình ở bệnh nhân có xơ vữa động mạch

Tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng khi bệnh xơ vữa động mạch xuất hiện ở thế hệ thứ nhất với nam giới trước tuổi 55 và nữ giới trước tuổi 65.

Yếu tố chủng tộc

  • Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành theo tuổi ở nhóm người gốc Nam Á cao hơn 50% so với nhóm người da trắng bản địa ở các nước phát triển.
  • Tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn ở nhóm người da đen.
  • Tỷ lệ bệnh động mạch vành xu hướng gia tăng mạnh ở một số quần thể Ðông Á.

nhoi-mau-co-tim-infographic

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Stress tâm lý

Gia tăng căng thẳng trong công việc, cuộc sống cô đơn, trầm cảm… là các yếu tố quan trọng tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. (3)

Hút thuốc lá

  • Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành xấp xỉ 50% với tỷ lệ tử vong cao 60% (lên đến 85% ở nhóm người nghiện thuốc lá).
  • Hút thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành lên khoảng 25%.
  • Ngừng hút thuốc lá mang lại nhiều lợi ích và cần làm ở mọi bệnh nhân.
  • Các biện pháp cai thuốc lá gồm liệu pháp tâm lý, thuốc thay thế nicotine, hoặc các thuốc khác.

Béo phì

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao làm tăng 25 – 49% nguy cơ bệnh động mạch vành ở các nước phát triển. Thừa cân được định nghĩa là BMI từ 23 – 24,9 kg/m2, béo phì là khi BMI = 25 kg/m2.
  • Tỷ lệ béo phì tăng nhanh trên toàn thế giới. Béo phì trung tâm là tình trạng thừa mỡ ở bụng, xác định bởi tỷ lệ vòng eo – hông cao và có mối liên quan chặt chẽ tới bệnh động mạch vành nếu vòng eo > 90cm ở nam và 80cm ở nữ (theo Hội Tim mạch châu Âu, 2019).

Tình trạng viêm

Xơ vữa động mạch bao gồm quá trình viêm liên tục từ lúc bắt đầu hình thành tổn thương, quá trình tiến triển đến thời điểm biến cố huyết khối cấp tính.

Lối sống ít vận động

  • Sự liên quan giữa tình trạng ít hoạt động thể chất với tử vong do bệnh tim mạch rất khó ước tính. Tuy nhiên, những người hoạt động thể chất có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên, cường độ vừa đến nhiều phải thực hiện ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút, nhưng tần suất và thời gian tập luyện lớn hơn có thể tăng lợi ích.

Ruợu, bia

Người nghiện rượu có liên quan với tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nên hạn chế tối đa việc uống rượu, bia và không uống nhiều vào một thời điểm.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên và bệnh thận mạn tính.

Rối loạn lipid máu

Có một mối liên quan liên tục, bền vững, độc lập giữa nồng độ cholesterol toàn phần (TC) hoặc cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C) với các biến cố tim mạch do xơ vữa.

Ðái tháo đường

Ðái tháo đường là một trong các yếu tố nguy cơ tim mạch chính của bệnh lý tim mạch do xơ vữa. Ðái tháo đường làm tăng hai lần biến cố tim mạch (bao gồm bệnh lý động mạch vành, đột quỵ và tử vong chung liên quan tới bệnh lý mạch máu) và độc lập với các yếu tố nguy cơ khác.

Dấu hiệu nhận biết cơn nhồi máu cơ tim

Để phát hiện kịp thời tình trạng của người bệnh, chúng ta cần nắm rõ những triệu chứng thường gặp của hiện tượng nhồi máu cơ tim cấp. Đây là kiến thức tất cả mọi người nên biết để theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Các dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim sớm để sơ cứu kịp thời là:

  • Ðau ngực: là triệu chứng thường gặp nhất với các tính chất sau:
    • Ðau sau xương ức hoặc đau ngực trái;
    • Kiểu đè nặng, siết chặt, bóp nghẹt;
    • Lan lên cổ, hàm dưới, vai trái hoặc bờ trong tay trái. Một số trường hợp lan xuống thượng vị nhưng không bao giờ vượt quá rốn;
    • Thời gian: thường kéo dài > 20 phút;
    • Triệu chứng kèm theo: khó thở, vã mồ hôi (đau ngực sau xương ức, kéo dài >20 phút, kèm vã mồ hôi gợi ý rất nhiều đến nhồi máu cơ tim);
  • Một số bệnh nhân không biểu hiện đau ngực mà có những triệu chứng không đặc hiệu: cảm giác mệt mỏi, cảm giác hồi hộp, khó thở, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác… Bệnh nhân hậu phẫu, lớn tuổi, đái tháo đường có thể không biểu hiện đau ngực mà xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác hoặc dấu hiệu sinh tồn xấu đi khi bị nhồi máu cơ tim cấp.
dau-hieu-nhoi-mau-co-tim

Choáng váng, đau hoặc khó chịu vùng ngực là những dấu hiệu điển hình của nhồi máu cơ tim

Cách sơ cứu khi bị nhồi máu cơ tim

Nếu bạn là bệnh nhân

  • Ngưng mọi hoạt động ngay lập tức: Từ từ ngồi hoặc nằm ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm tại nơi gần nhất có chỗ tựa lưng hoặc tựa đầu để thư giãn. Việc gắng sức lúc này sẽ làm cho cơ tim bị tổn thương nặng hơn. Bạn cần cởi bỏ áo khoác, cà vạt hoặc khăn đang đeo trên người để giảm bớt cảm giác khó thở, mệt mỏi.
  • Giữ bình tĩnh: Khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, bạn thường cảm thấy sợ hãi và mất bình tĩnh. Điều này càng làm cho tình trạng thiếu máu cơ tim trở nên trầm trọng hơn. Sự bình tĩnh sẽ giúp bạn xử lý tình huống một cách hiệu quả hơn.
  • Cần liên lạc ngay với trạm vận chuyển cấp cứu (115). Nếu không có điều kiện, cần có người nhà vận chuyển bệnh nhân. Không khuyến cáo bệnh nhân tự động lái (đi) xe đến bệnh viện.
  • Dùng thuốc cắt cơn đau thắt ngực: Nếu được bác sĩ kê đơn Nitroglycerin hay Aspirin và mang thuốc theo bên người, bạn nên dùng ngay. Cách dùng Nitroglycerin là ngậm hoặc xịt dưới lưỡi. Với Aspirin, hãy nhai luôn 1 viên trong khi chờ đợi xe cấp cứu. Nhưng nếu trước đó, bác sĩ không kê đơn cho bạn hai loại thuốc này, bạn không nên tự ý uống. (4)

Nếu bạn là người xung quanh hoặc người nhà của bệnh nhân

Trường hợp người bệnh còn tỉnh táo:

  • Gọi cấp cứu (115) ngay lập tức.
  • Đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, tựa lưng vào ghế hoặc gốc cây (nếu ở bên ngoài).
  • Cởi bớt áo khoác, nới lỏng quần áo (cà vạt, khăn choàng cổ, nút áo, thắt lưng…) cho người bệnh thoải mái.
  • Giúp người bệnh thả lỏng vai và cánh tay, nhắm mắt, hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu và nín hơi nhằm hạn chế căng cơ, mệt tim. Cố gắng duy trì hơi thở chậm, đều như vậy đến khi xe cấp cứu đến nơi.
  • Không xoa dầu lên ngực người bệnh.
  • Nếu có sẵn thuốc bên người, ngậm dưới lưỡi nitrate hoặc xịt dưới lưỡi 2 lần Nitroglycerin dạng xịt nếu đau hoặc tức ngực. Nếu sau 5 phút mà người bệnh chưa giảm cơn đau ngực, có thể dùng thêm một liều nữa.
  • Trường hợp bệnh nhân có thuốc aspirin, có thể nhai một viên aspirin 300mg hoặc uống dạng sủi để phòng cục máu đông. Tiếp đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay, tuyệt đối không trì hoãn vì chậm trễ sẽ làm mất thời gian vàng cứu cơ tim (trong vòng giờ đầu sau nhồi máu cơ tim).

Trường hợp người bệnh bất tỉnh:

Lúc này, người thân cần gọi cấp cứu (115) ngay lập tức. Trong thời gian chờ xe cấp cứu tới, có thể tiến hành sơ cứu theo cách:

  • Ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi – CPR): Tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống. Nếu sau 10 phút ngưng tim mà chưa được cấp cứu thì cơ may sống của người bệnh rất ít.
  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.
  • Kiểm tra đường thở có dị vật hay chất nôn ói trong mũi miệng hay không, móc sạch ra; ngửa cổ để đường thở thông thoáng. Nếu bệnh nhân có ói thì nghiêng đầu sang một bên để tránh hít sặc vào phổi.
  • Quỳ gối bên trái người bệnh, đặt 2 tay chồng lên nhau và đặt trước ngực giữa xương ức (khoảng giữa 2 vú, tính từ phần lõm cuối xương ức, lên 10cm). Dùng lực đủ mạnh của hai cánh tay, ép xuống khoảng 2/3 độ sâu của lồng ngực (ép xuống khoảng 3 – 5cm) rồi nới lỏng tay.
  • Lặp lại động tác này liên tục 100 lần/phút (khoảng lần ép mỗi giây) để tăng co bóp tim, giúp tim hoạt động trở lại cho đến khi xe cấp cứu tới.
  • Cấp cứu ngưng tim với động tác ép tim đúng cách là quan trọng nhất, chờ khi nhân viên y tế đến hỗ trợ. Hiện nay hô hấp nhân tạo (thổi vào miệng người bệnh) không còn được khuyến cáo để tránh lây nhiễm bệnh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Quan trọng là giữ đường thở thông thoáng và tránh hít sặc khi nôn ói.
Sơ cứu nhồi máu cơ tim

Sơ cứu nhồi máu cơ tim đúng cách sẽ giúp gia tăng cơ hội sống và giảm thiểu di chứng cho người bệnh

Tại phòng cấp cứu

  • Bác sĩ hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, đo huyết áp, nhịp tim, độ bão hòa oxy;
  • Đo điện tim ngay trong vòng 10 giờ khi đến phòng cấp cứu;
  • Chụp X-quang tim phổi tại giường;
  • Xét nghiệm máu: Đo men tim troponin, đường huyết, chức năng thận, điện giải đồ, công thức máu, men gan…
  • Siêu âm tim.

Nếu kết quả điện tim cho thấy nhồi máu cơ tim cấp kiểu ST chênh lên, người bệnh sẽ được đưa đến phòng thông tim ngay để can thiệp thông mạch vành.

Trường hợp không phải nhồi máu cơ tim kiểu ST chênh lên thì chờ kết quả men tim troponin. Nếu men tim troponin tăng động học và có ý nghĩa thì người bệnh sẽ được chụp và can thiệp mạch vành trong vòng 24 giờ.

Những trường hợp khác cần chụp mạch vành khẩn cấp:

  • Ngưng tim được cứu sống;
  • Rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng người bệnh;
  • Huyết áp tụt, sốc tim, suy tim cấp;
  • Đau ngực kéo dài dù đã điều trị thuốc.

Phòng tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim

Phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim là tổng thể các hoạt động liên kết với nhau nhằm mục đích thúc đẩy mọi người thực hiện lối sống khỏe, kiểm soát các yếu tố nguy cơ chính nhằm giảm nguy cơ nhồi máu cơ cho mỗi cá nhân cũng như cho cộng đồng.(5)

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tâm lý

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tâm lý xã hội có thể giúp giảm stress, trầm cảm, lo âu, giúp thúc đẩy thay đổi hành vi và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tiên lượng.

Tăng cường hoạt động thể lực

  • Hoạt động thể lực là nền tảng của dự phòng nhồi máu cơ tim.
  • Hoạt động thể lực làm giảm tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch, làm tăng sức khỏe thể chất, cải thiện sức khỏe tâm thần.
  • Những người ít hoạt động thể lực, nên khuyến khích khởi đầu bằng hoạt động thể lực mức độ nhẹ.

Cai thuốc lá

  • Cai thuốc lá là biện pháp có chi phí hiệu quả nhất trong phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim.
  • Cần ngưng thuốc lá ngay.
  • Hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ cao tương tự hút thuốc chủ động.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

  • Thói quen ăn uống có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim và các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, ung thư…
  • Lượng calo tiêu thụ nên được giới hạn ở mức cần thiết để có được hoặc duy trì cân nặng tối ưu (BMI từ 20,0 – < 25,0 kg/m2).
  • Trong chế độ ăn cần đặc biệt chú ý tới các thành phần: rau, trái cây, các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và cá.
  • Thực đơn ăn uống nên ít cholesterol.

Kiểm soát cân nặng

  • Thừa cân và béo phì đều có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong do tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.Theo hướng dẫn của Hội Tim mạch châu Âu, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân thấp nhất với mức BMI từ 20 – 25kg/m và việc giảm cân thấp hơn nữa (dưới 20kg/m) không có lợi ích trong phòng bệnh tim mạch.
  • Cân nặng lý tưởng ở người già cần ở mức cao hơn người trẻ và người trung niên.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng giúp giảm các yếu tố nguy cơ về chuyển hóa (tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa glucose) và giảm nguy cơ tim mạch tổng thể.

Điều chỉnh rối loạn lipid máu

  • Tăng LDL-C huyết tương là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch.
  • Giảm LDL-C giúp làm giảm các biến cố tim mạch.
  • Thay đổi lối sống và thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh được khuyến nghị cho tất cả mọi người.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền kèm theo: đái tháo đường, tăng huyết áp…

Tầm soát và điều trị bệnh lý tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh

Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh được thành lập với mục tiêu tầm soát, chẩn đoán, điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành…

Tại đây có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng làm việc ở Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện FV… dưới sự dẫn dắt của PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội).

Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh được đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại: Máy đo ECG, máy theo dõi huyết áp 24h tại nhà, máy Holter ECG, máy siêu âm tim và mạch máu chuyên dụng, MSCT tim và động mạch vành, máy chụp cộng hưởng từ tim, hệ thống máy DSA – máy chụp mạch vành 2 bình diện… giúp tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý tim mạch, từ đó đưa ra phác đồ điều trị kịp thời và đúng đắn.

chan-doan-nhoi-mau-co-tim

Tầm soát định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, ngăn ngừa biến chứng

Sơ cứu nhồi máu cơ tim là kỹ năng mà bất cứ ai cũng nên biết, nhất là khi ngày càng có nhiều người gặp tình trạng này. Việc sơ cứu kịp thời sẽ tạo tiền đề tốt cho quá trình điều trị, giúp người bệnh tránh được những di chứng nặng nề của cơn nhồi máu cơ tim.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper