Nhồi máu cơ tim

Xét nghiệm Myoglobin trong nhồi máu cơ tim

1. Myoglobin là gì?

Myoglobin là một loại protein hình cầu tồn tại trong tế bào cơ tim và tế bào cơ xương của con người nói riêng và của động vật nói chung. Protein Myoglobin đóng vai trò như một bộ phận dự trữ cũng như cung cấp oxy cho hoạt động của các cơ.

Myoglobin có cấu trúc tương đối giống với hemoglobin – loại protein liên kết oxy có trong tế bào hồng cầu. Cả hai loại protein này đều có chứa Heme - đây là loại phân tử cho phép chúng kết hợp với oxy. Do đó, cả hai protein này có thể hoạt động luân phiên nhau để đảm bảo quá trình vận chuyển oxy trong cơ thể diễn ra thuận lợi nhất.

Ví dụ, khi tiếp xúc với máu tĩnh mạch, myoglobin tạo ra sự kết nối oxy dễ dàng hơn, vì vậy chúng sẽ hỗ trợ việc vận chuyển oxy từ máu đến các tế bào cơ nhanh chóng.

Trong máu, Myoglobin liên kết chủ yếu với globulin huyết tương – một loại phức hợp được lọc bởi thận. Khi nồng độ của myoglobin vượt quá khả năng liên kết của huyết tương, protein này sẽ có trong nước tiểu, khiến màu sắc nước tiểu thay đổi thành nâu hoặc đỏ sẫm.

Xét nghiệm Myoglobin

2. Myoglobin hỗ trợ gì trong xét nghiệm nhồi máu cơ tim?

Như đã đề cập phía trên, Myoglobin là một loại protein có trọng lượng phân tử thấp và có liên quan đến Heme, rất phổ biến ở cơ tim cũng như cơ xương.

Khi xảy ra tình trạng cơ tim bị hoại tử, nồng độ Myoglobin có xu hướng tăng nhanh và dễ dàng phát hiện trong khoảng 1 đến 4 tiếng đầu tiên. Giá trị dự báo từ Myoglobin có ý nghĩa cao đối với sự hoại tử của tế bào cơ tim. Chính vì vậy, xét nghiệm myoglobin trong nhồi máu cơ tim đã trở thành một công cụ hữu ích để loại trừ hoặc chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim cấp tính.

Một cách tổng quát hơn, nếu như tế bào cơ tim xảy ra tổn thương do nguyên nhân nào đó, như nhồi máu cơ tim hoặc do chấn thương..., lượng Myoglobin sẽ tăng lên và giải phóng vào dòng tuần hoàn của cơ thể. Tình trạng này thường đạt đỉnh trong khoảng 8 đến 12 giờ và trở lại mức bình thường trong vòng 24 giờ.

Cũng cần lưu ý rằng, Myoglobin là một chất độc khi đi vào thận, nhưng chúng lại đi qua thận khi quá dư thừa. Vì vậy, nếu nồng độ Myoglobin tăng càng cao mà không có biện pháp khắc phục, chúng cũng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở thận.

Nói tóm lại, giá trị Myoglobin có thể phản ánh mức độ tổn thương của tim, từ đó có thể dự đoán tình trạng nhồi máu cơ tim của bệnh nhân cũng như có phương pháp phòng ngừa thích hợp.

Trường hợp cơ tim bị hoại tử dẫn đến nồng độ Myoglobin có xu hướng tăng nhanh

3. Những điều cần biết về xét nghiệm Myoglobin trong nhồi máu cơ tim

Mục đích của xét nghiệm Myoglobin là chẩn đoán sớm tình trạng nhồi máu cơ tim của bệnh nhân trước 3 giờ.

3.1. Mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm Myoglobin

Để thực hiện lấy bệnh phẩm, bệnh nhân không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Xét nghiệm sẽ được tiến hành bằng cách lấy máu và đưa vào ống nghiệm tráng heparin (xét nghiệm trên huyết tương).

Sau khi lấy máu, việc định lượng nồng độ myoglobin có thể được tiến hành theo hai cách:

  • Ngưng kết myoglobin trên phiến kính: đây là phương pháp thường được sử dụng bởi kết quả nhanh chóng sau vài phút.
  • Miễn dịch phóng xạ: thời gian cho ra kết quả chậm hơn, ít được sử dụng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân.

3.2. Giá trị Myoglobin bao nhiêu là bình thường?

Theo nguyên tắc, Myoglobin có nồng độ dưới 85ng/mL hoặc dưới 85 muy g/L được xem là bình thường.

Xem thêm: Thực hiện xét nghiệm Myoglobin như thế nào?

Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm Myoglobin

4. Xét nghiệm Myoglobin mang lại lợi ích gì?

Myoglobin là một chỉ số quan trọng và hữu ích trong các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim sớm ngay khi cơn đau ngực xuất hiện chỉ trong 3 – 4 giờ. Nếu như giá trị myoglobin ở mức bình thường, có thể phần nào phán đoán bệnh nhân không bị nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, xét nghiệm Myoglobin cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh nhồi máu cơ tim tái phát .

5. Yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm Myoglobin trong nhồi máu cơ tim?

Xét nghiệm này không phải lúc nào cũng có thể định lượng chính xác nồng độ Myoglobin. Đôi khi, một số yếu tố sau có thể khiến kết quả xét nghiệm bị thay đổi:

  • Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị vỡ hồng cầu hoặc bệnh nhân có thực hiện các chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình thời gian gần đây.
  • Bệnh nhân nếu tiêm bắp quá nhiều lần cũng có thể khiến myoglobin trong máu tăng mà không do bệnh lý.

Ngoài ra, một số loại thuốc như statin hay theophylline cũng có thể khiến tăng nồng độ myoglobin.

Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị vỡ hồng cầu sẽ ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm Myoglobin

6. Ngoài nhồi máu cơ tim, myoglobin còn có thể tăng do nguyên nhân nào?

Không phải lúc nào sự tăng myoglobin cũng do nhồi máu cơ tim gây ra. Vì vậy, nếu như nồng độ myglobin tăng, điều này không đảm bảo bạn bị nhồi máu cơ tim mà còn có thể do những vấn đề khác như:

  • Chứng loạn dưỡng cơ.
  • Bệnh nhân bị thiếu hụt enzyme cơ hoặc bị tổn thương cơ.
  • Viêm cơ tim
  • Co giật.
  • Suy thận.
  • Tăng thân nhiệt ác tính hoặc bị sốc, co giật...
  • Đa chấn thương, viêm đa cơ.
  • Thiếu máu cục bộ chi dưới cấp tính.
  • Một số nhiễm trùng...

Nói tóm lại, xét nghiệm Myoglobin trong nhồi máu cơ tim là một loại xét nghiệm hữu ích trong việc chẩn đoán loại trừ bệnh nhồi máu cơ tim, đặc biệt là ở trạng thái cấp tính.

Nguồn tham khảo: sciencedirect.com

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper